Thị trường chứng khoán Việt Nam và toàn cầu đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong tháng 1. Tuy nhiên sự tích cực đã không nối dài, vào tháng 2, thị trường giằng co vì nhiều nhân tố.
Dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài giảm
Thị trường chứng khoán Việt Nam và toàn cầu đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong tháng 1. Nguyên nhân phần lớn đến từ kỳ vọng của các nhà đầu tư vào việc Trung Quốc mở cửa sẽ thúc đẩy thương mại và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới chậm đà tăng lãi suất. Thêm vào đó, xu hướng dòng vốn nước ngoài tích cực hơn dự đoán đã khiến chỉ số VN-Index tăng gần 100 điểm.
Nhưng nhà đầu tư trong nước đã thận trọng hơn với quyết định giải ngân, suốt tháng 1-2023 nhóm này bán ròng gần 10.000 tỉ đồng thông qua khớp lệnh trên HOSE, còn khối tự doanh có xu hướng giao dịch cân bằng. Bởi vậy đà tăng của VN-Index phụ thuộc nhiều vào lực đỡ của khối ngoại.
Theo số liệu từ các sàn giao dịch điện tử, dù khối ngoại duy trì mua ròng từ tháng 11 nhưng tốc độ giải ngân gần đây đã chậm lại. Trên HOSE, nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện mua ròng hơn 2.702 tỉ đồng trong tháng 1. Tuy nhiên, từ ngày 2-2 đến 3-3, khối ngoại bán ròng 4.418 tỉ trên HOSE, gây áp lực cho tâm lý thị trường, góp phần cho đà giảm 86,5 điểm của VN-Index.
Thiếu thông tin hỗ trợ
Ngày 4-2, 987/1.609 công ty công bố kết quả kinh doanh quý 4 với lợi nhuận sau thuế giảm 32,2% so với cùng kỳ, không nằm ngoài dự tính của các nhà đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc tháng 2 và đầu tháng 3 sẽ là vùng trống thông tin trong khi chờ đợi kết quả kinh doanh quý 1 năm 2023.
Trung Quốc mở cửa không còn là câu chuyện mới mẻ với giới đầu tư. Liên tục có những cuộc họp "giải cứu" doanh nghiệp bất động sản nhưng trên thực tế vẫn còn chờ những tác động cụ thể.
Đặc biệt, những thông tin khoản nợ trái phiếu đang áp lực không nhỏ lên nhà đầu tư. Tâm lý chờ đợi được nhiều nhà đầu tư chia sẻ để phòng ngừa rủi ro của cả doanh nghiệp phát hành trái phiếu và các ngân hàng, doanh nghiệp liên quan.
Nhiều yếu tố vĩ mô thế giới vẫn còn bất định như là xung đột giữa Nga và Ukraine, quyết sách của Fed về lãi suất trong tháng 2, tháng 3. Trong khi đó ở Việt Nam, việc giải quyết vấn đề thanh khoản của bất động sản để củng cố niềm tin của nhà đầu tư là vấn đề sống còn.
Dòng tiền của nhà đầu tư ở công ty chứng khoán giảm
Theo số liệu từ báo cáo tài chính quý 4 năm 2022 chưa kiểm toán của 11 công ty chứng khoán lớn thì lượng tiền mặt trong tài khoản của nhà đầu tư cuối quý 4 năm 2022 tại các đơn vị này đã sụt giảm từ 2-50% so với cùng kỳ 2021.
Như tại SSI, tại thời điểm 31-12-2022, SSI ghi nhận tiền mặt của nhà đầu tư trong tài khoản chứng khoán giảm hơn 2.500 tỉ, tương đương 35% so với 31-12-2021. Dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của công ty này cũng giảm tới 53% trong thời điểm nói trên.
Lượng tiền vay ký quỹ giảm đi đã hạ thấp rủi ro của thị trường nhưng đồng thời cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đang khá yếu. Vì nhà đầu tư nhạy cảm trước các nhân tố kinh tế, chính trị diễn biến phức tạp, nên sự tăng giảm đan xen là khó tránh khỏi. Làn sóng xử lý vi phạm tuy có lợi cho sự phát triển bền vững lâu dài của thị trường nhưng lại gây hoang mang trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng lên đến 9,61%/năm (SBV), việc một bộ phận nhà đầu tư không chuyển dịch dòng vốn sang kênh tiết kiệm có độ an toàn cao hơn mà vẫn để tiền trong tài khoản chứng khoán cho thấy niềm tin với thị trường vẫn hiện hữu và họ sẵn sàng giải ngân khi thị trường về vùng giá hợp lý.
Thị trường đang đối diện với một số thách thức lại thiếu vắng yếu tố hỗ trợ nên giai đoạn này, theo nhiều chuyên gia, sẽ không có nhiều cơ hội cho số đông. Năm 2023 được xem là năm bản lề của một chu kỳ mới, chỉ cần lãi suất hạ nhiệt, lạm phát được kiềm chế và khó khăn của thị trường bất động sản được tháo gỡ thì thị trường chứng khoán sẽ có nhiều cơ hội đầu tư hơn.
“Làm giàu không khó, chỉ khó cái là làm sao để giàu!” - bạn đọc Nguyên mỉa mai. Trong khi đó, bạn đọc Anh Thư chỉ rõ: “Không phải là bị lừa mà do tham lam”...
Xem thêm: mth.2765541150303202-oas-iv-gnouht-taht-gnod-neib-naohk-gnuhc/nv.ertiout