Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, quá trình hình thành và phát triển HTX trên thế giới đã trải qua hơn 200 năm. Tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (năm 2003) và Thông điệp gửi phong trào HTX quốc tế, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã đánh giá “HTX là một trào lưu có tổ chức lớn nhất của xã hội văn minh, đóng góp quan trọng trong việc đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của con người trong những nỗ lực phát triển kinh tế cân bằng sâu rộng ở các quốc gia nói riêng và thế giới nói chung”. Theo báo cáo năm 2021 của Liên đoàn Hợp tác xã quốc tế (ICA), HTX tiếp tục mở rộng ở các nước phát triển và đang phát triển; đến nay đã có trên 3 triệu HTX, đóng góp hơn 10% GDP và bảo đảm đời sống cho hơn một nửa dân số thế giới.
Ở Việt Nam, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX đã hình thành và phát triển gần 70 năm có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo số liệu thống kê, hiện có 17,3 triệu hộ ở địa bàn nông thôn, trong đó 9 triệu hộ nông dân có diện tích canh tác bình quân ở mức thấp (đồng bằng sông Cửu Long 0,71 ha, đồng bằng sông Hồng 0,22 ha, duyên hải miền Trung 0,01 ha, bình quân 2,5 thửa ruộng/hộ). Do vốn và tài sản hạn chế, các hộ nông dân, hộ cá thể cần phải liên kết, hợp tác tổ chức sản xuất, kinh doanh theo mô hình kinh tế tập thể, HTX để có hiệu quả bền vững. Theo đó, căn cứ định hướng của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, thực tiễn phát triển kinh tế tập thể, HTX ở Việt Nam và trên thế giới, có thể khẳng định: Phát triển kinh tế HTX là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Qua 20 năm (2002 - 2021) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài; bộ phận lớn HTX cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên, giảm chi phí sản xuất và ổn định hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; kinh tế tập thể, HTX đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, kinh tế tập thể, HTX ở nước ta phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đang có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần được quan tâm, giải quyết như: Tỷ lệ lớn hộ cá thể ở địa bàn nông thôn chưa tham gia HTX, tổ hợp tác; một bộ phận lớn HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường, năng lực quản trị của HTX còn yếu; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các HTX vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất - kinh doanh…
Toàn cảnh Hội thảo
Trước tình hình trên, ngày 16/6/2022 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới với mục tiêu “Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hoạt động đã khẳng định để mô hình HTX hoạt động hiệu quả, nguồn vốn, đặc biệt là vốn tín dụng ngân hàng được xem là nhân tố quan trọng. Vì vậy, việc tổ chức Hội thảo “Tín dụng hợp tác xã – Thực trạng và giải pháp” có ý nghĩa thực tiễn cao, là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng trao đổi, thảo luận, tìm ra các khoảng trống pháp lý nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng vốn và tiếp cận vốn tín dụng cho các HTX.
Hội thảo tập trung thảo luận ba nội dung chính, bao gồm: thứ nhất, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện hơn những vấn đề lý luận chung về các cơ chế, chính sách tín dụng hiện hành cho loại hình kinh tế HTX; nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia trong việc thúc đẩy hoạt động cấp tín dụng đối với HTX; thứ hai, phân tích kinh nghiệm thực tiễn của một số tổ chức tín dụng trong cung ứng vốn tín dụng cho các HTX tại Việt Nam; thứ ba, phân tích, đánh giá các cơ chế, chính sách hỗ trợ và thực trạng hoạt động cấp tín dụng đối với HTX; chỉ ra các rào cản và tồn tại, hạn chế làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng và tiếp cận vốn tín dụng cho loại hình kinh tế này.
Phát triển kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là Hợp tác xã là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ. Thời gian qua, bám sát chủ trương, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, NHNN đã xác định khu vực kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng là một trong những đối tượng ngành Ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ. Đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay đối với HTX, Liên hiệp HTX đạt 6.316 tỷ đồng với gần 1.200 HTX, Liên hiệp HTX còn dư nợ; dư nợ tín dụng đối với cá nhân, hộ gia đình, trong đó có các cá nhân thành viên HTX, đến cuối tháng 12/2022 đạt 5.884.058 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 50% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế; trong đó dư nợ cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất - kinh doanh trong khu vực nông nghiệp, nông thôn là 2.030.0167 tỷ đồng.
Thời gian tới, bám sát chủ trương tại Nghị Quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về việc “tăng khả n ăng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đối với các dự án sản xuất - kinh doanh có hiệu quả“, Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ ngày 02/2/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện một số nhiệm vụ: (i) Cân đối vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả, HTX tham gia phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, có giá trị thương mại cao, HTX đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với quy định của pháp luật; (ii) Thường xuyên nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng; rà soát, cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục, điều kiện cấp tín dụng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hoạt động của HTX để từng bước mở rộng và tăng cường hỗ trợ vốn cũng như khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho các loại hình kinh tế tập thể.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng, trong đó chú trọng hoàn thiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của HTX; Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất, các Chương trình Mục tiêu quốc gia nhằm hỗ trợ đối với HTX ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế; Thường xuyên nắm bắt và kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động vay vốn của HTX, trong đó chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các Sở, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các đơn vị liên quan nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tổ chức kinh tế hợp tác trên địa bàn để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển các thành phần kinh tế tập thể trên địa bàn.
Hà My
Ảnh: ĐK
Xem thêm: 424365VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www