Có ý kiến nên chăng cấm xe đường dài chạy trên cao tốc, quốc lộ vào ban đêm, nhất là ở khung giờ nửa đêm về sáng để góp phần giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT). Cũng có ý kiến cho rằng quy định đảm bảo an toàn vận tải đường bộ đã có đầy đủ, vấn đề hệ trọng là sự chấp hành của tài xế, doanh nghiệp và nhất là cơ quan quản lý nhà nước chủ động tăng cường giám sát, xử lý triệt để vi phạm…
HẬU QUẢ RẤT KHỦNG KHIẾP
Ngoài các vụ TNGT tại H.Núi Thành (Quảng Nam) xảy ra lúc 3 giờ 41 ngày 14.2 khiến 10 người tử vong, 11 người bị thương nặng; và lúc 1 giờ 35 ngày 21.2 khiến 3 người tử vong, 13 người bị thương (Thanh Niên đã thông tin), trên địa bàn Quảng Nam từng xảy ra một số vụ tai nạn thảm khốc cũng vào thời điểm nửa đêm về sáng.
Khoảng 3 giờ ngày 30.7.2018, trên QL1 đoạn qua địa bàn TX.Điện Bàn (Quảng Nam), xe 16 chỗ BS 75B-000.52 lưu thông hướng bắc - nam hành trình từ Quảng Trị vào Bình Định rước dâu đã va chạm với xe container BS 51D-411.21 chạy chiều ngược lại. Hậu quả là 10 người tử vong tại chỗ, 3 người tử vong trên đường chuyển viện (trong đó có chú rể). Nguyên nhân xảy ra tai nạn thời điểm đó được Công an tỉnh Quảng Nam nhận định là do tài xế xe 16 chỗ ngủ gật, khiến xe mất lái.
Vào lúc 0 giờ 10 ngày 21.7.2020 một vụ TNGT xảy ra trên QL1 đoạn qua xã Tân Đức, H.Hàm Tân, Bình Thuận sau va chạm giữa ô tô tải BS 79N-0315 và xe khách BS 86B-010.87, khiến 8 người tử vong, 7 người bị thương, 2 chiếc xe hư hỏng nặng. Theo tài liệu từ Phòng CSGT Công an Bình Thuận, vị trí xảy ra tai nạn là đường thẳng 2 chiều, không phải nút giao. Đặc biệt, ở vị trí này có đèn chiếu sáng, không có chướng ngại vật gì. Tuy nhiên, thảm nạn vẫn xảy ra.
Một vụ TNGT khác xảy ra vào lúc 0 giờ 15 ngày 19.7.2017 trên QL1 đoạn qua xã Hàm Đức, H.Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) khiến 3 người tử vong tại chỗ và có tới 16 người bị thương. Xe ô tô khách BS 76B-004.51 lưu thông hướng bắc - nam, đến vị trí nói trên thì xe bị hỏng nên tài xế đậu lại ven QL1. Cùng lúc này, xe khách BS 78B-002.89 chạy phía sau, đã tông vào đuôi xe khách 76B-004.51 rồi tiếp tục bị xe khách 75B-006.38 đang chạy phía sau lao tới va chạm mạnh, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cũng trong khung giờ nửa đêm về sáng, trên QL1 đoạn qua Bình Thuận, năm 2015 xảy ra TNGT giữa xe khách BS 51B- 141.22 và xe khách BS 86B-002.84 khiến 10 hành khách tử vong, 9 người bị thương. Năm 2016 xảy ra vụ TNGT liên hoàn cũng liên quan xe khách đường dài, khiến 12 người tử vong và 35 người khác bị thương. Vụ tai nạn này còn khiến 2 xe khách cháy rụi, hậu quả rất khủng khiếp…
DO TÀI XẾ MỆT VÀ BUỒN NGỦ ?
Những vụ TNGT mà PV Thanh Niên điểm lại ở trên đều là những vụ đau lòng, nhiều người tử vong và bị thương, thiệt hại lớn về tài sản. Một đặc điểm nữa, cũng rất đặc biệt là đều xảy ra vào đêm khuya, khoảng thời gian từ 0 giờ đến 4 - 5 giờ sáng. Vì sao tại khung giờ này hay xảy ra TNGT với xe đường dài?
Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ CSGT Công an tỉnh Bình Thuận có nhiều năm làm công tác an toàn giao thông (ATGT) chia sẻ: "Đúng là đã từng có những vụ TNGT trên tuyến QL1 ở Bình Thuận những năm qua đều xảy ra lúc đêm khuya. Phần lớn các vụ tai nạn này đều không phải do hạ tầng đường sá, mà là do yếu tố chủ quan của lái xe. Đối với những xe khách từ miền Trung, họ thường xuất phát vào buổi chiều để đến TP.HCM vào sáng sớm. Với những xe ấy, khi đến địa phận tỉnh Bình Thuận thường là đêm khuya, trong nhiều nguyên do gây tai nạn thì có nguyên nhân do tài xế đã thấm mệt và buồn ngủ".
Cũng theo cán bộ CSGT này, tuyến QL1 đi qua Bình Thuận dài nhất nước (với 181 km), phía bắc giáp Ninh Thuận, phía nam giáp Đồng Nai. Với đoạn đường rất dài này, nếu tài xế không được chợp mắt vào thời điểm buồn ngủ nhất từ 1 - 4 giờ sáng (nếu không đổi tài xế) thì rất dễ gây tai nạn.
TĂNG KHUNG XỬ PHẠT ĐỂ RĂN ĐE
Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Bình Thuận, thừa nhận nhiều vụ TNGT từng xảy ra ở khung giờ nửa đêm về sáng trên QL1 qua Bình Thuận. Lý giải về nguyên nhân, ông Thanh cũng cho rằng chủ yếu từ ý thức của người tham gia giao thông, tức của tài xế. Bởi lẽ, hạ tầng giao thông của QL1 đã được Bộ GTVT nâng cấp, sửa chữa tốt lên rất nhiều, hầu hết các "điểm đen" đã được khắc phục.
Theo ông Thanh, do nhu cầu của người dân, nhất là các tỉnh miền Trung, muốn đi ban đêm cho tiết kiệm thời gian. "Đi suốt đêm, tới sáng thì vừa tới TP.HCM để kịp đi khám bệnh, làm việc. Tuy nhiên tới Bình Thuận là cuối hành trình, lúc này trời về khuya, đường vắng người, bằng phẳng nên tài xế thường vi phạm tốc độ. Nếu đã buồn ngủ mà xe chạy tốc độ nhanh sẽ không xử lý kịp khi có tình huống bất ngờ. Tai nạn xảy ra phần lớn từ nguyên nhân này", vị Phó giám đốc Sở GTVT phân tích.
Theo ông Thanh, mặc dù hiện nay trên tuyến QL1 đi qua Bình Thuận đã có camera theo dõi tốc độ hoạt động 24/24 để xử phạt nguội nhưng qua theo dõi cho thấy vẫn còn tình trạng tài xế vi phạm tốc độ và nhiều lỗi khác. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng tài xế uống rượu, bia khi điều khiển xe mô tô, ô tô. Điều đó cho thấy ý thức chấp hành của một bộ phận tài xế chưa tốt.
Ông Thanh cho rằng đối với các lỗi vi phạm của xe khách, đặc biệt là lỗi đánh võng, vượt phải, quá tốc độ cho phép… xảy ra vào thời điểm từ 0 - 4 giờ sáng cần phải xử lý thật nặng, tăng khung xử phạt để răn đe. (còn tiếp)
PHẢI KIỂM SOÁT CHẶT HOẠT ĐỘNG CỦA TÀI XẾ, CHỦ XE
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh này là trung lộ của cả nước, mật độ xe lưu thông rất nhiều.
Sau các vụ TNGT vừa qua, ông Lê Trí Thanh cho biết CSGT Quảng Nam sẽ lập 3 chốt tuần tra, kiểm soát ở các cửa ngõ tỉnh giáp Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kon Tum vào khung giờ 0 - 5 giờ để xử lý, chấn chỉnh tài xế vi phạm. Lý do là vì các vụ TNGT thường xảy ra vào ban đêm, khung giờ tài xế buồn ngủ.
"Tỉnh sẽ đầu tư camera giám sát, song không thể bao phủ hết cho nên tính đến phương án lập chốt kiểm tra, xử phạt", ông Lê Trí Thanh nói và cho rằng TNGT xảy ra ban đêm nhưng quy định về phương tiện dừng nghỉ, yêu cầu mỗi xe mấy tài xế, thời gian dừng nghỉ bao lâu khi vào cung đường nguy hiểm thì cần phải cụ thể hóa hơn nữa. Đặc biệt, trách nhiệm của chủ phương tiện khi xảy ra TNGT chưa được thể hiện rõ, cơ quan quản lý cần xem xét bổ sung để giảm thiểu TNGT.
KHÔNG THỂ CẤM XE CHẠY ĐƯỜNG DÀI VÀO "KHUNG GIỜ ĐEN" ?
Thượng tá Nguyễn Hoài Nam, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Quảng Nam, nêu quan điểm về đề xuất nên cấm tài xế chạy đường dài trên quốc lộ, cao tốc lúc nửa đêm về sáng nhằm kéo giảm TNGT khi nhiều người cho rằng thời điểm từ 0 giờ đến 4 - 5 giờ sáng là "khung giờ đen".
"Nguyên tắc là không thể cấm, lại còn không khả thi và trái pháp luật. Biện pháp căn cơ, lâu dài nhằm giảm thiểu TNGT là cần phải huy động các ban ngành, đoàn thể, cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông, đảm bảo tuân thủ luật Giao thông đường bộ. Cùng với đó là tăng cường giám sát, xử phạt nghiêm minh lái xe vi phạm, nhất là vi phạm về tốc độ, giới hạn thời gian tài xế được phép lái xe trong một ngày", thượng tá Nam nói.