Hành lang pháp lý mới đã có, còn lại là phải vận hành, áp dụng ngay, trơn tru, thông suốt để các thầy thuốc được tập trung vào chuyên môn, phòng mổ phải luôn sáng đèn.
Đặt ra yêu cầu phải vận hành ngay, trơn tru, kịp thời gỡ vướng mắc nếu có phát sinh là cần thiết bởi các quy định đấu thầu, mua sắm đã đẩy các bệnh viện rơi vào tình huống cấp bách chưa từng có.
Chính phủ cũng như Bộ Y tế đã giữ lời hứa "các vấn đề nóng của ngành y tế sẽ được giải quyết đầu tháng 3", bởi bức xúc của ngành y và người bệnh là quá lớn thì không có lý do gì một hành lang pháp lý mới lại không giúp thay đổi thực trạng bế tắc.
Chúng ta không chấp nhận chỉ nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm mà là ngành y phải thoát cảnh bị trói tay, thầy thuốc phải có đủ phương tiện để cứu người bệnh. Bệnh viện phải sử dụng tối đa máy móc thiết bị hiện có để điều trị, không chuyển viện lòng vòng…
Với nghị định 07, các vấn đề "nóng" về giấy phép cung ứng, nhập khẩu, lưu hành trang thiết bị y tế được gia hạn hướng đến giải pháp hậu kiểm.
Với nghị quyết 30 đã khơi thông "điểm nghẽn" khiến không ít bệnh viện kêu than về thời hạn thanh toán bảo hiểm y tế cho máy đặt - mượn, quy định "3 báo giá" và xây dựng giá gói thầu.
Nghị quyết 30 cũng góp phần dẹp bỏ thực tế cười ra nước mắt là bệnh viện có máy móc thiết bị nhưng không được sử dụng (trang thiết bị được biếu, tặng, viện trợ, tài trợ nhưng chưa xác lập sở hữu), kể cả trang thiết bị liên doanh, liên kết hết hợp đồng. Cởi trói thực chất sẽ rất có lợi cho cả bệnh viện, người bệnh và ngân sách nhà nước.
Phải tận dụng hành lang pháp lý mới để có thể huy động mọi nguồn lực của xã hội phục vụ cho người bệnh.
Cũng cần tiếp tục lắng nghe những ý kiến từ các bệnh viện, từ các nhà cung cấp vật tư, thiết bị y tế để có thể hoàn chỉnh cơ chế theo tinh thần không gây thêm trở ngại cho các bệnh viện và các doanh nghiệp đang cùng cung cấp dịch vụ cho các bệnh viện.
Đặc biệt là có cơ chế hậu kiểm để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên trên cơ sở bảo vệ tối đa quyền lợi của bệnh nhân.
Trách nhiệm và thời hạn tháo gỡ các vướng mắc đã được Chính phủ ấn định. Ngay lúc này, để nghị quyết và nghị định đi vào cuộc sống, Bộ Y tế cần phải quyết liệt phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bắt tay vào việc với tinh thần "Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh".
Cả xã hội đang giám sát chặt chẽ từng bước đi tháo gỡ cho ngành y. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, phải xem đợt tháo gỡ này chỉ là giúp hệ thống y tế trở lại hoạt động bình thường.
Đó chỉ là bước tập dượt để có thể tiếp tục xắn tay giải quyết các vấn đề căn cơ hơn của hệ thống y tế như giá viện phí, cơ chế tự chủ tài chính cho bệnh viện… để đảm bảo cả bệnh viện, bảo hiểm y tế và người bệnh cùng chấp nhận.
Từ phòng mổ phải sáng đèn cho đến ngành y chuyên tâm phục vụ tốt nhất cho người bệnh là yêu cầu và đòi hỏi chính đáng của ngành y tế và người dân.
Bệnh viện hạn chế mổ, phải chuyển bệnh nhân, không thể mua sắm, sửa chữa trang thiết bị vì không đủ ba nhà thầu báo giá. Ngay khi có nghị định 07 và nghị quyết 30 của Chính phủ gỡ vướng, các bệnh viện đều “thở phào”.
Xem thêm: mth.65514427060303202-ned-gnas-iahp-om-gnohp/nv.ertiout