Trả lời hãng tin RIA Novosti ngày 6-3, ông Chagry Erhan - thành viên của Hội đồng An ninh và Chính sách Đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Mỹ và Anh phản đối nỗ lực của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Lý do, hai nước này quan tâm đến việc kéo dài tối đa cuộc xung đột Ukraine, theo ông Erhan.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: REUTERS |
“Họ (Mỹ và Anh) không muốn ông Zelensky và ông Putin gặp ông Erdogan, họ không muốn chụp ảnh chung. Họ muốn một cuộc chiến dài nhất có thể, họ không nghĩ đến tương lai của người Ukraine, họ không nghĩ về hòa bình” – ông Erhan nói.
“Chỉ ông Erdogan tiếp cận được cả ông Putin và ông Zelensky. Tôi nghĩ ông ấy có thể tìm ra phương pháp tổ chức cuộc gặp giữa họ. Điều quan trọng không phải là một bức ảnh chụp chung, mà là việc đạt được những kết quả cụ thể. Tất nhiên, những kết quả cụ thể đầu tiên sẽ là một lệnh ngừng bắn và sau đó, có lẽ, sẽ có thể đạt được thỏa hiệp sau khi thương lượng ngoại giao” - ông Erhan nói.
Ngày 24-2, trong một cuộc điện đàm với ông Zelensky, Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng góp phần giải quyết tình hình ở Ukraine.
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24-2 năm ngoái. Tổng thống Putin gọi đây là nhiệm vụ “bảo vệ những người dân đã bị chế độ Kiev bắt nạt và diệt chủng trong 8 năm”. Theo Tổng thống Nga, mục tiêu cuối cùng của chiến dịch là giải phóng Donbass và tạo ra các điều kiện đảm bảo an ninh của Nga, RIA Novosti đưa tin.
Nga đã nhiều lần chỉ ra rằng họ sẵn sàng đàm phán, nhưng ông Zelensky ra sắc lệnh cấm đàm phán với Nga một khi ông Putin còn làm tổng thống Nga. Ông Zelensky trước đó đã tuyên bố tại hội nghị G20 rằng “sẽ không có (thỏa thuận) Minsk-3”.
Phát ngôn viên Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov nói với RIA Novosti rằng những lời lẽ như vậy “hoàn toàn khẳng định” quan điểm của Kiev về việc không sẵn sàng đàm phán.