Trưa 6.3, Công an TP.Hà Nội cho biết, cơ quan này vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 31 người để điều tra tội cưỡng đoạt tài sản. Đồng thời, Công an TP.Hà Nội đang phân loại, đấu tranh với hơn 70 người khác để làm rõ hành vi vì liên quan vụ án.
Theo Công an TP.Hà Nội, sau khi được lãnh đạo Bộ Công an giao rà soát các băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động dưới hình thức công ty mua bán nợ, đòi nợ thuê, Công an TP.Hà Nội đã phát hiện băng nhóm tội phạm hoạt động núp bóng công ty mua bán nợ, đòi nợ thuê quy mô rất lớn trên cả nước. Công an TP.Hà Nội đã xác lập chuyên án để đấu tranh, triệt phá.
Ngày 20.2, Công an TP.Hà Nội đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Công an TP.HCM khám xét khẩn cấp nhiều công ty tại TP.HCM, đồng thời đưa 102 người về trụ sở để đấu tranh, làm rõ vụ án.
Bước đầu, Công an TP.Hà Nội xác định, để hoạt động phi pháp, các đối tượng đã thành lập 7 công ty, gồm: Công ty cổ phần đầu tư Omnia, Công ty luật TNHH Kiên Cường, Công ty TNHH mua bán nợ DSP, Công ty cổ phần DV tài chính Thời Đại, Công ty cổ phần dịch vụ tài chính Kiên Long, Công ty cổ phần dịch vụ Bắc Á và Công ty cổ phần dịch vụ tài chính Nam Á.
7 công ty này đều đặt tại P.15 (Q.11, TP.HCM), do Trần Hồng Tiến (49 tuổi, trú Q.1, TP.HCM) làm giám đốc điều hành, quyết định toàn bộ các vấn đề. Các công ty thuê tổng cộng 119 người, chia thành nhiều bộ phận như nhân sự, kế toán, vận hành, kỹ thuật, thu hồi nợ… Trong đó, bộ phận thu hồi nợ do Nguyễn Đức Khoa (31 tuổi, trú TP.HCM) quản lý 11 đội gồm 103 nhân viên.
Nhiệm vụ của bộ phận thu hồi nợ là gọi điện theo thông tin được cung cấp để đòi tiền. Mỗi tháng, bộ phận này được giao truy thu khoảng 500 hợp đồng và phải đạt chỉ tiêu 300 triệu đồng/đội/tháng. Nếu 2 tháng liên tiếp không đạt chỉ tiêu thì bị đuổi việc, do vậy, Khoa giao các đội trưởng phải đôn đốc thành viên trong đội tích cực đòi nợ.
Các đội đòi nợ sẽ sử dụng nhiều số điện thoại và liên tục gọi, nhắn tin chửi bới, đe dọa, khủng bố, tạo sức ép từ khách vay cho đến người thân, đồng nghiệp,… dù họ không liên quan gì. Ngoài ra, các đối tượng còn dùng phần mềm chỉnh sửa, cắt ghép ảnh của khách, người thân khách vào các ảnh đồi trụy để phát tán lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, tạo sức ép buộc khách phải trả tiền.
Công an TP.Hà Nội xác định từ ngày 2.7.2018 đến hết năm 2022, các công ty trong đường dây đã thu mua 335.607 hợp đồng vay với số tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Trong đó, các đối tượng đã đòi được hơn 500 tỉ đồng.
Công an TP.Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị liên quan mở rộng điều tra vụ án.
Xem nhanh 12h ngày 6.3: Khẩn cấp gỡ khó cho ngành y | Thu hồi toàn bộ tiêm kích F-35