Trong khi những phân tích kỹ thuật không mấy lạc quan như VN-Index kết thúc tuần không giữ được ngưỡng hỗ trợ 1.025 điểm, hay việc Bollinger band đang có xu hướng mở xuống phía dưới cho thấy rủi ro trong ngắn hạn đã tăng dần lên…, thông tin tích cực cuối tuần qua về sửa Nghị định 65 – cho phép thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác, kéo dài kỳ hạn thanh toán thêm 2 năm… - đã tiếp thêm tia hy vọng cho TTCK nói chung và nhóm cổ phiếu bất động sản nói riêng.
Thị trường đã đón nhận tin tốt bằng màn mở cửa phiên giao dịch đầu tuần ngày 6/3 khởi sắc với sắc xanh lan rộng bảng điện tử và nhóm cổ phiếu trực tiếp hưởng lợi là bất động sản đã dậy sóng với hàng loạt mã vừa và nhỏ tại các doanh nghiệp đang chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu đua trần.
Tuy nhiên, dòng tiền vẫn không mấy được kích hoạt. Đà tăng mạnh của thị trường phần nào là nhờ áp lực bán hạ nhiệt. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE trong cả phiên sáng chưa tới 3.000 tỷ đồng.
Sự nghi ngờ đã được thể hiện rõ ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều. Áp lực bán gia tăng khiến nhiều cổ phiếu hạ độ cao, ngoại trừ điểm sáng là các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, chứng khoán, thậm chí là nhóm bất động sản cũng dần xuất hiện những mã đỏ điểm.
Thị trường dần thu hẹp biên độ tăng và lùi về sát mốc tham chiếu, kết phiên ở vùng giá thấp nhất trong ngày khi chỉ còn tăng nhẹ 2 điểm. Đồng thời, thanh khoản tiếp tục chứng kiến thêm phiên giao dịch ở mức thấp.
Đóng cửa, sàn HOSE có 222 mã tăng và 155 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 2,41 điểm (+0,24%) lên 1.027,18 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 421,9 triệu đơn vị, giá trị 6.810,71 tỷ đồng, cùng giảm hơn 5% cả về khối lượng và giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 4/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 31,84 triệu đơn vị, giá trị 643,47 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cũng trở nên phân hóa và kết phiên tăng chưa tới 1 điểm khi ghi nhận 17 mã tăng và 12 mã giảm. Trong đó, VJC là mã giảm sâu nhất khi để mất 4,8%, đóng cửa tại mức giá thấp nhất ngày 96.300 đồng/CP; các mã lớn khác cũng kết phiên ở mức giá thấp nhất như MSN giảm 2,1%, VNM giảm 1,3%, SAB giảm 1,1%, BVH giảm 0,9%, ACB và GAS cùng giảm 0,8%...
Trái lại, cặp đôi bất động sản NVL và PDR vẫn đứng vững ở mức giá trần với khối lượng dư mua trần lần lượt hơn 8,1 triệu đơn vị và 5,37 triệu đơn vị; ngoài ra, VHM dù thu hẹp biên độ nhưng vẫn đóng góp tích cực cho thị trường khi tăng 2,8%...
Xét về nhóm ngành, bất động sản vẫn là tâm điểm của thị trường. Ngoài NVL, cặp DXG và DIG cũng có phiên giao dịch bùng nổ. Kết phiên, DXG tăng kịch trần lên 10.800 đồng/CP và khớp 15,22 triệu đơn vị cùng dư mua trần 1,25 triệu đơn vị; DIG cũng đóng cửa khoe sắc tím với khối lượng khớp lệnh sôi động, đạt hơn 12,2 triệu đơn vị.
Ngoài ra, nhiều mã bất động sản vừa và nhỏ khác cũng đóng cửa tại mức giá trần như HQC dư mua trần hơn 5 triệu đơn vị, CRE, SCR, HPX, SC5… hay nhiều mã khác cũng tăng mạnh như KDH tăng 6,4%, IJC tăng 5%, LDG tăng 4,9%, DXS tăng 3,9%, NHA tăng 3,8%...
Nhóm chứng khoán không còn giữ phong độ như phiên sáng nhưng phần lớn vẫn đóng cửa ở mức giá xanh, ngoại trừ ORS, VIG, TVS giảm nhẹ. Trong đó, VND kết phiên tăng 1,8% lên 13.850 đồng/CP với thanh khoản lớn nhất ngành, đạt 15,22 triệu đơn vị; SSI cũng chỉ còn tăng 1,6%, đứng tại mức giá thấp nhất ngày 18.750 đồng/CP và khớp 10,12 triệu đơn vị…
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có sự phân hóa với nhiều mã như BID, ACB, STB, VIB, OCB đảo chiều giảm nhẹ trên dưới 0,5%; trong khi các mã khác hạ độ cao với VCB chỉ còn tăng nhẹ 0,11%, CTG tăng gần 2%, TCB tăng 1,49%, HDB và SHB tăng hơn 1%, MBB, SSB, VPB, LPB nhích nhẹ.
Các cổ phiếu thép cũng đuối sức với HPG và HSG chỉ còn tăng 0,2-0,3% với khối lượng khớp lệnh đều trên 11 triệu đơn vị khớp lệnh, trong khi NKG may mắn hồi phục sắc xanh và kết phiên tăng nhẹ 1% với khối lượng khớp hơn 8 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, nhóm HNX30 vẫn đóng vai trò là trụ đỡ chính cho thị trường.
Đóng cửa, sàn HNX có 99 mã tăng và 63 mã giảm, HNX-Index tăng 1,67 điểm (+0,82%) lên 206,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 50,79 triệu đơn vị, giá trị 740,75 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,97 triệu đơn vị, giá trị 59,44 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 có 8 mã giảm, trong đó LHC giảm sâu nhất là mất 2,1%, còn lại VNR, TDT, TNG, TAR, HUT, NTP, VCS chỉ giảm nhẹ trên dưới 1%.
Trái lại, trong rổ này có 12 mã khởi sắc, với sự dẫn đầu vẫn là các mã bất động sản gồm CEO tăng 6,7%, L14 tăng 5,8%, L18 tăng 2,8%. Trong đó, CEO tiếp tục giao dịch sôi động với khối lượng khớp lệnh chỉ thua SHS, đạt 7,36 triệu đơn vị.
Cổ phiếu SHS kết phiên tăng 2,5% lên mức 8.300 đồng/CP và khớp lệnh 8,95 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã bất động sản khác cũng không tăng mạnh như phiên sáng như MBS chỉ tăng 0,8%, APS tăng 1,1%, BVS tăng 2,4%..., thậm chí như EVS đảo chiều giảm 2,2%, IVS giảm 1,8%.
Không chỉ nhiều mã lớn đảo chiều giảm như HUT, TNG, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng có sự đuối sức, điển hình là PVL đảo chiều từ mức giá trần khi tạm dừng phiên sáng, đóng cửa giảm 4,3% xuống mức 2.200 đồng/CP…
Trên UPCoM, thị trường may mắn giữ được sắc xanh khi nhiều mã cũng đảo chiều giảm điểm.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,27%) lên 76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,62triệu đơn vị, giá trị 242,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,22 triệu đơn vị, giá trị 3,68 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản với 4,22 triệu đơn vị khớp lệnh và kết phiên chỉ tăng nhẹ 0,6% lên 16.500 đồng/CP.
Các mã có thanh khoản sôi động tiếp theo đó đều đạt hơn 1 triệu đơn vị là LMH, C4G và VHG. Kết phiên, LMH giảm 4,3% xuống 4.400 đồng/CP, C4G đứng giá tham chiếu 11.200 đồng/CP, còn VHG tăng 4,5% lên 2.300 đồng/CP.
Tâm điểm đáng chú ý vẫn là cổ phiếu NHV ghi xác nhận phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp cùng thanh khoản tăng vọt. Kết phiên, NHV tăng 14,58% lên mức giá trần 5.500 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt gần 820.000 đơn vị, gấp gần 3 lần mức thanh khoản trung bình 10 phiên gần đây.
Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng và chỉ 1 hợp đồng giảm, với VN30F2303 tăng 4,8 điểm, tương đương +0,5% lên 1.010 điểm, khớp lệnh hơn 374.050 đơn vị, khối lượng mở 57.465 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm chủ đạo, trong đó CHPG2221 vẫn dẫn đầu thanh khoản với hơn 1,31 triệu đơn vị lại đóng cửa giảm 50% xuống 20 đồng/CQ.
Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là CHDB2208 khớp 1,27 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 21,4% xuống 110 đồng/CQ.