Trở về sau gần 2 ngày tham gia chương trình "Tôn vinh cà phê Việt" do Báo Người Lao Động khởi xướng, tổ chức cuối tuần qua tại Trung tâm Thương mại Gigamall (TP Thủ Đức, TP HCM), chị Lê Thị Tuyết, Phó Giám đốc Công ty TNHH Làng Thông (thương hiệu cà phê Cầu Đất - Pine Village Coffee), vui mừng cho biết đã thu hoạch được rất nhiều.
Người tiêu dùng hiểu hơn về cà phê
"Rất nhiều người sau khi dùng thử đã thắc mắc vì sao cà phê của chúng tôi có vị chua chua, mùi thơm rất khác so với cà phê nơi khác. Khi được giải thích sự khác biệt này đến từ sự lên men tự nhiên của trái cà phê chín và là hương vị đặc trưng của cà phê Arabica được trồng ở khu vực Cầu Đất, TP Đà Lạt, họ đã ồ lên thích thú" - chị Tuyết hào hứng chia sẻ.
Các gian hàng cà phê tại ngày hội “Tôn vinh cà phê Việt” 2023 do Báo Người Lao Động tổ chức luôn tấp nập khách tham quan .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo chị Tuyết, nhờ chương trình của Báo Người Lao Động, lần đầu tiên Pine Village Coffee được giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng và nhận được nhiều tương tác, phản hồi tích cực. "Chương trình rất ý nghĩa, đặc biệt với những doanh nghiệp (DN) non trẻ đang tập trung vào cà phê bản địa, chế biến cà phê thành phẩm để cung cấp cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Chương trình là cầu nối để công ty giới thiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài nước về dòng sản phẩm cà phê chưa phổ biến, để thị trường thay đổi dần suy nghĩ về cà phê: Việt Nam vẫn sản xuất được cà phê Arabica ngon đúng vị. Người tiêu dùng Việt không cần mua sản phẩm nhập khẩu mà vẫn có thể uống cà phê chuẩn vị quốc tế được sản xuất trong nước" - chị Tuyết nói thêm.
Ông Phạm Hồng Đức, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê nguyên chất Thái Châu - DN có đến 10 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, cho hay công ty đã từng tham gia rất nhiều chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông sản trên cả nước nhưng đây là lần đầu tiên tham gia chương trình do một cơ quan báo chí tổ chức. "Lần đầu tổ chức, Báo Người Lao Động đã chọn lọc kỹ DN tham gia - đây đều là những DN uy tín, có thương hiệu, chuyên cung cấp sản phẩm chất lượng. Chương trình đã giúp lan tỏa cho người tiêu dùng biết về cà phê sạch. Thông qua các hoạt động tại chương trình, người tiêu dùng có thể phân biệt giữa cà phê sạch và cà phê bẩn, cà phê nguyên chất và ca phê tẩm hương liệu, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp" - ông Đức bày tỏ.
Ông Đức nói thông qua các sự kiện quảng bá cà phê, sản phẩm nông sản, các DN đưa sản phẩm đến tiếp cận người tiêu dùng trong nước và lan tỏa để khách hàng biết tới nhiều hơn.
Hướng đi nào cho cà phê Việt?
Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê trái cây Meet More, dẫn chứng Thụy Sĩ không phải là đất nước trồng cà phê nhưng có tư duy làm cà phê chế biến để tạo ra những giá trị khác. Hiện nay một số thương hiệu cà phê của Thụy Sĩ đã được người châu Âu biết đến. Hàn Quốc nổi tiếng với nhân sâm và đã xuất khẩu rất nhiều sản phẩm từ nguyên liệu chính là sâm chứ không chỉ xuất khẩu củ sâm… Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, nông sản đa dạng nhưng phần lớn còn xuất thô, chưa chú trọng chế biến sâu. "Gần đây, cà phê đặc sản được nhắc đến khá phổ biến nhưng đặc sản ở đây là cà phê thường được chế biến bằng phương pháp đặc biệt chứ không phải một loại cà phê cụ thể nào đó. Đây chính là cách tăng giá trị cho hạt cà phê. Ngoài ra, chúng ta còn có thể tạo ra một giá trị hoàn toàn khác cho cà phê từ chế biến sâu. Cà phê nông sản là một ví dụ" - ông Luận nêu quan điểm.
Ông Luận chỉ ra rằng cà phê Robusta của Việt Nam không được thế giới biết đến nhiều. Họ nhập cà phê Robusta thô của Việt Nam để chế biến nhiều loại cà phê theo "gu" tiêu dùng của họ và bán ra thị trường với giá trị gia tăng cao gấp nhiều lần ban đầu. "Vấn đề đặt ra là chúng ta phải nâng cao giá trị cà phê Việt. Ở đây bao gồm trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, DN và người tiêu dùng. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có chương trình hành động rõ ràng, cụ thể và quyết liệt để định hướng cho DN, phối hợp cùng DN thực hiện" - ông Luận đề xuất.
Theo ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, hiện nay một số DN làm thương hiệu cà phê nhưng chỉ làm phần ngọn, chưa đầu tư vào gốc và vùng trồng cà phê.
Để nâng giá trị ngành hàng cà phê, DN phải là đầu tàu, dẫn dắt nông dân và việc sản xuất phải đi theo hướng bền vững. Theo đó, DN phải xây dựng toàn chuỗi giá trị - từ khâu giống, quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến đến sản phẩm cuối cùng.
Ông Hiệp cho biết vừa qua cà phê Vĩnh Hiệp đã tham gia dự án xây dựng phương pháp tính lượng phát thải và đã được công nhận là cà phê giảm phát thải đầu tiên ở Việt Nam. Nếu mô hình này được nhân rộng, ngành cà phê Việt Nam có thể có thêm 50 triệu USD/năm cho diện tích 710.000 ha hiện nay từ việc bán chứng chỉ giảm phát thải carbon. Điều kiện là nông dân tham gia canh tác theo phương pháp giảm phát thải.
Các DN hiện nay cũng đã nâng giá trị cà phê Việt từ việc đầu tư cho cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. "Tuy nhiên, then chốt vẫn là khâu chế biến sâu. Để đầu tư một nhà máy chế biến cà phê, cần vốn lên đến vài trăm tỉ đồng nhưng với lãi suất 12%/năm như hiện nay thì DN Việt không thể làm nổi. Trong khi đó, các DN có vốn đầu tư nước ngoài rất có lợi thế về vốn, kinh nghiệm, thương hiệu nên đã mở rộng đầu tư nhà máy tại Việt Nam để tận dụng các ưu đãi mà các hiệp định thương mại tự do mang lại" - ông Hiệp trăn trở.
Biến bã cà phê thành tài nguyên
Ông Lê Thanh, Giám đốc Công ty CP Veritas Việt Nam - DN khởi nghiệp nổi tiếng với sản phẩm "khẩu trang cà phê" trong những năm đại dịch COVID-19, cho biết đã chuyển hướng sang sản xuất nguyên liệu hạt nhựa sinh học, trong đó có thành phần bã cà phê. Nguyên liệu mới này giúp tăng khả năng phân hủy trong thời gian ngắn, hạn chế sự ô nhiễm từ rác thải nhựa không phân hủy, đáp ứng được quy định của các thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ, Úc... liên quan đến các sản phẩm nhựa. "Chúng tôi tận dụng lợi thế của Việt Nam là bã cà phê rất nhiều, giá rẻ đến từ hệ thống các quán cà phê, nhà máy chế biến cà phê hòa tan trong khi thị trường thế giới rất rộng lớn" - ông Thanh nói.
Xem thêm: mth.3051541260303202-teiv-ehp-ac-irt-aig-gnan-hcac-ueihn/et-hnik/nv.moc.dln