Từ cuối tháng 2, vụ sát hại người mẫu Thái Thiên Phượng làm dấy lên mối quan tâm lớn trong dư luận, gợi lại những vụ án có tình tiết rùng rợn từng xảy ra ở Hong Kong.
Theo cơ quan điều tra, Thái Thiên Phượng nghi bị chồng cũ cùng bố và anh trai hợp mưu sát hại, phân xác, phi tang. Cảnh sát tìm thấy các bộ phận cơ thể bị chia nhỏ cùng máy thái thịt và cưa điện trong một ngôi nhà thuê ở Tai Po vào tháng trước.
Ngày 6/3, kết quả xét nghiệm ADN xác định hộp sọ được tìm thấy trong nồi inox và hai chân giấu trong tủ lạnh trùng khớp với ADN của Thái Thiên Phượng. Một số bộ phận cơ thể của người mẫu, bao gồm phần thân và tay, vẫn chưa tìm thấy.
Trước đây, Hong Kong từng rúng động vì các vụ phân xác, đa phần nạn nhân là phụ nữ trẻ và thủ phạm là nam giới.
Năm 1982, bốn phụ nữ, người trẻ nhất mới 17 tuổi, bị tài xế taxi tên Lam Kor-wan sát hại, ngâm các bộ phận cơ thể trong lọ. Năm 1999, cô gái mại dâm Fan Man-yee, 23 tuổi, bị bắt cóc và tra tấn dã man trong một tháng trước khi sát hại. Hộp sọ của cô bị khâu bên trong một con Hello Kitty nhồi bông. Năm 2016, thi thể người đàn ông được tìm thấy trong khối xi măng; năm 2018 một phụ nữ bị chồng giấu xác trong valy
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng những trường hợp như vậy cực kỳ hiếm ở Hong Kong, nơi có tỷ lệ tội phạm bạo lực cực thấp so với dân số 7,4 triệu người.
Hôm 5/3, ông Tăng Vĩ Hùng, nguyên Sở trưởng Lực lượng Cảnh sát Hong Kong, cho biết vụ án Thái Thiên Phượng là trường hợp cá biệt. Trị an ở Hong Kong nhìn chung là tốt, tỷ lệ phạm tội thấp hơn hầu hết các nơi trên thế giới. Tỷ lệ số vụ giết người trên 100.000 dân ở Hong Kong là 0,8, còn ở New York là 6,4.
Tổng số vụ phạm tội được ghi nhận năm 2022 là 70.048, trong đó 30 vụ án mạng đều đã được phá, theo trang thông tin điện tử của chính quyền Hong Kong.
Hong Kong là nơi an toàn thứ sáu trên thế giới, theo chỉ số tội phạm của Numbeo xếp hạng 142 quốc gia và vùng lãnh thổ vào giữa năm 2022. Chỉ số Thành phố An toàn năm 2021 của Economist Intelligence Unit xếp Hong Kong ở vị trí thứ tám.
Roderic Broadhurst, giáo sư danh dự về tội phạm học tại Đại học Quốc gia Australia, nhà sáng lập Trung tâm Tội phạm học Hong Kong, ước tính có hơn 10 vụ chặt xác tại đây trong 50 năm qua - con số tương đối thấp. Tuy nhiên, thủ đoạn phi tang tại những vụ án này đã phản ánh thực tế cuộc sống ở nơi "đất chật người đông" như Hong Kong.
Theo ông, nếu muốn vứt xác ở các vùng nông thôn của Australia, Canada hoặc Mỹ, kẻ phạm tội sẽ có "cơ hội rất tốt để che giấu" nhờ không gian và địa hình rộng rãi. Nhưng làm điều đó trong một đô thị chật chội, nơi có những căn hộ nhỏ và khu dân cư đông dân nhất thế giới sẽ khó hơn nhiều.
Ở Hong Kong, hầu hết mọi người sống trong các khu chung cư san sát, không có nhà và vườn để ra ngoài đào hố chôn xác. Bất cứ điều gì khác thường cũng sẽ thu hút sự chú ý của hàng xóm. Trong chung cư, kẻ sát nhân có thể phải vào thang máy chung của hơn 100 hộ gia đình mới có thể ra ngoài, ông Philip Beh, nhà nghiên cứu bệnh học pháp y, phân tích.
Lý giải việc thủ phạm dùng cách "đun nóng" để phi tang, ông Beh nói với khí hậu cận nhiệt đới, ẩm ướt của Hong Kong, mùi tử khí sẽ thu hút sự chú ý rất nhanh. Đó là lý do một số hung thủ cố gắng loại bỏ mùi bằng cách thức rùng rợn.
Bên cạnh đó, giá nhà nổi tiếng đắt đỏ, các căn hộ thường chật chội và đồ đạc cũng nhỏ. Vì thế, những kẻ sát nhân không có tủ đông hay tủ lạnh loại lớn để giữ thi thể như tại một số vụ án ở Mỹ, châu Âu.
Ôtô cá nhân cũng ít do chi phí đậu đỗ cao, do đó vận chuyển thi thể một cách kín đáo sẽ gặp khó khăn. Năm 2019, một chỗ đậu xe được bán với giá kỷ lục gần một triệu USD.
Tuệ Anh (Theo CNN, SCMP)
Xem thêm: lmth.9838754-gnok-gnoh-gnod-gnur-cax-nahp-na-uv-gnuhn-uas-gnad-nahn-neyugn/ten.sserpxenv