Toàn cảnh phiên xét xử
Ngày 7/3, TAND tỉnh Ninh Bình mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Phạm Văn Công (SN 1983, trú thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Ninh Bình, vào tháng 01/2019, Phạm Văn Công và vợ là Lưu Thị Sen đã thế chấp Giấy chứng nhận QSDĐ tại thửa đất số 136, tờ bản đồ số 10, diện tích 456,2m2 vay số tiền 600 triệu đồng để chăn nuôi.
Đến khoảng tháng 9/2020, do làm ăn thua lỗ, nợ nần nhiều không có khả năng chi trả, sợ bố mẹ hỏi đến bìa đất nên Công lên mạng xã hội đặt hàng làm giả một sổ đỏ (dựa theo hình ảnh sổ đỏ thật) với giá 3 triệu đồng và cất giấu tại nhà.
Do bị ép nợ, Công đã nhờ chính chủ nợ của mình là chị Đào Thị Thương (SN năm 1980, trú xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) tìm khách mua đất và nhà đang ở.
Tin tưởng Công nên chị Thương đã liên hệ với vợ chồng anh Đinh Văn Thùy và chị Đào Thị Thành (trú tỉnh Ninh Bình) để giới thiệu mua thửa đất của Công.
Biết sổ đỏ của mình là giả nên Công tiếp tục liên hệ với tài khoản Facebook đã đặt mua sổ đỏ giả trước đó và ngỏ ý cần người phụ nữ đi cùng đóng giả làm vợ mình để ký các giao dịch.
Công đã gửi ảnh chụp có chữ ký vợ mình (Công chụp khi làm thủ tục vay vốn ngân hàng) cho tài khoản trên và được ra giá cho người về giả làm vợ, ký giao dịch mua bán đất với chi phí hết 3,5 triệu đồng.
Đến ngày 10/02/2021, Công cùng chị Thương và người phụ nữ lạ mặt với danh nghĩa vợ của Công cùng đến nhà chị Thành, anh Thùy để giao dịch mua bán đất. Trên đường đi, Công đã đưa cho người vợ giả 3,7 triệu đồng gồm 3,5 triệu đồng là tiền thuê người và 200.000 đồng tiền bồi dưỡng cho lái xe. Do chị Thương chưa gặp vợ Công lần nào nên chị Thương nghĩ người phụ nữ đi cùng là chị Sen, vợ Công.
Vào nhà chị Thành, anh Thùy, Công giới thiệu người phụ nữ đi cùng là vợ mình tên Lưu Thị Sen. Vợ chồng chị Thành, anh Thùy hỏi sổ đỏ đâu thì Công nói dối là đang cầm cố vay tiền người quen, lát nữa sẽ có người cầm đến và bảo chị Thành đưa trước 200 triệu đồng để chuộc bìa đất về.
Sau đó, hai bên thỏa thuận bán thửa đất trên với giá 1 tỷ đồng và đặt cọc trước 700 trăm triệu đồng, sau 01 tháng sẽ hoàn thiện các thủ tục chuyển nhượng và giao nốt tiền.
Chị Thành, anh Thùy giao trước cho Công số tiền 200 triệu đồng; Công nhận tiền đi ra ngoài xe ô tô lấy sổ đỏ giả và vào nhà viết “Biên bản đặt cọc đất và nhà” với nội dung như đã thỏa thuận nêu trên, sau đó Công và người "vợ giả" cùng ký dưới mục “Người bán”, còn chị Thương ký dưới mục “Người làm chứng”.
Tin tưởng vợ chồng Công, chị Thành liền đưa thêm cho Công 200 triệu đồng, Công nhận tiền và trả luôn cho chị Thương số tiền 200 triệu đồng nợ trước đó.
Để nhận thêm 300 triệu tiền cọc, Công đã lừa vợ để đi khỏi nhà, người phụ nữ được thuê cùng chị Thương cũng được sắp xếp để không có mặt ở nhà Công khi anh Thùy đến xem đất. Sau khi anh Thùy xem xong thực tế nhà và đất đã giao nốt cho Công số tiền cọc là 300 triệu đồng như đã thỏa thuận.
Khoảng một tháng sau vợ chồng anh Thùy, chị Thành liên hệ với Công để hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng thửa đất trên nhưng do sợ việc mình sử dụng sổ đỏ giả bị phát hiện nên Công lấy lý do vợ Công và người nhà không đồng ý bán nữa và muốn trả tiền, chuộc lại sổ.
Vợ chồng anh Thùy, chị Thành đồng ý cho Công chuộc, nhưng yêu cầu Công phải trả đủ số tiền cọc là 700 triệu. Ngày 17/3/2021, Công đã chuyển trả cho chị Thành số tiền 20 triệu đồng, ngày 19/3/2021, Công tiếp tục chuyển trả 20 triệu đồng nhưng sau đó không có tiền trả tiếp và cắt đứt liên lạc.
Đến tháng 5/2021, Công đã bỏ trốn khỏi địa phương. Biết mình đã bị lừa, vợ chồng anh Thùy, chị Thành đã trình báo với cơ quan Công an.
Cáo trạng của VKSND tỉnh Ninh Bình còn thể hiện, tháng 01/2021, Phạm Văn Công còn thuê xe ô tô tự lái của 1 cửa hàng tại TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Đến ngày 02/03/2021, Công đem bán lại xe ô tô trên cho người khác rồi bỏ trốn khỏi địa phương.
Ngay sau đó Công bị truy nã và bị bắt khi đang lẩn trốn tại TP Hồ Chí Minh. Ngày 27/6/2022, TAND TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình đã tuyên phạt Phạm Văn Công 6 năm 0 tháng tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt sản”.
Tại phiên tòa hôm nay (7/3), sau khi xem xét toàn diện, khách quan vụ án, HĐXX đã tuyên phạt Phạm Văn Công 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 3 năm 6 tháng tù về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Tổng hợp với bản án trước đó, bị cáo Phạm Văn Công phải chấp hành hình phạt chung là 22 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 27/01/2022.