Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI), về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, có tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam.
Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu là tiếp tục hỗ trợ đội ngũ doanh nhân Việt Nam, đặc biệt là doanh nhân nữ, ở tầm vóc mới, đảm bảo tương ứng với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Bà Thái Hương - nhà sáng lập Tập đoàn TH - được trao giải thưởng Nữ doanh nhân quyền lực tại Seoul (Hàn Quốc) - Ảnh: TH
Từ những định hướng của Nghị quyết 09/NQ-TW cùng các chính sách cởi mở, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày nay đã lớn mạnh, đặc biệt là doanh nhân nữ.
Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất và là đại diện châu Á duy nhất có mặt trong Top 10 quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.
Qua đó chứng tỏ vai trò của nữ doanh nhân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đang ngày càng được khẳng định và lan tỏa. Nữ doanh nhân Việt Nam ngày nay được cộng đồng doanh nghiệp ví như người thuyền trưởng vững vàng, chèo lái doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách và đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng tự hào.
Ngoài vai trò là lực lượng quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và tạo việc làm cho người lao động, các nữ doanh nhân được đánh giá ngày càng chủ động hơn trong các hoạt động phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp cho cộng đồng, xã hội và cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn đứng vững, đạt mức tăng trưởng cao, truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ, khởi nghiệp và những nữ doanh nhân khác.
Nghị quyết số 09-NQ/TW đã “tiếp lửa” cho phụ nữ trên con đường kinh doanh, đóng góp cho nền kinh tế ngày càng phát triển
Có những nữ doanh nhân mang tâm thế của doanh nhân tầm quốc tế, áp dụng khoa học kỹ thuật cao, công nghệ 4.0 và khoa học quản trị doanh nghiệp trong toàn chuỗi sản xuất, đảm bảo được sự tự chủ, tạo ra những đột phá trong những ngành nghề trụ cột của Việt Nam để tạo ra năng suất và chất lượng sản phẩm chuẩn quốc tế.
Đặc biệt, không chỉ khéo léo chèo lái con thuyền doanh nghiệp, nhiều doanh nhân nữ đã đạt được những thành tựu lớn, được vinh danh nhiều danh hiệu cao quý và các giải thưởng quốc tế, như “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”; “Top 50 doanh nhân quyền lực châu Á”; “Nữ Doanh nhân ASEAN tiêu biểu”, “Nữ doanh nhân quyền lực” tại Diễn đàn Tri thức Thế giới (Hàn Quốc), “Giải thưởng Doanh nhân có trách nhiệm cộng đồng (châu Á)”. Giải vàng Doanh nhân của năm “Stevie Award”; “Top 50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc đang thay đổi các ngành công nghiệp và khu vực”; “Top 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam”; hàng trăm nữ doanh nhân được tặng danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”…
Nếu như điều hành doanh nghiệp đối với đàn ông khó khăn một thì với phụ nữ càng khó khăn gấp nhiều lần. Trước hết, đó là nhận thức của xã hội, gia đình và của bản thân người phụ nữ về cơ hội tham gia kinh doanh còn hạn chế. Phụ nữ cũng đang thiếu kiến thức và kỹ năng kinh doanh; khó khăn trong tiếp cận tài chính…
Nhận thấy những rào cản đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nhân nữ như: Quyết định số 939/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025"; Luật hỗ trợ DNNVV ban hành năm 2017; Nghị định 80/2021/NÐ-CP (năm 2021) của Chính phủ hướng dẫn Luật hỗ trợ DNNVV đã có những chính sách cụ thể, rõ ràng mức ưu tiên hỗ trợ cho doanh nhân nữ... Và đặc biệt Nghị quyết số 09-NQ/TW đã “tiếp lửa” cho phụ nữ trên con đường kinh doanh, đóng góp cho nền kinh tế ngày càng phát triển.
Trao quyền làm chủ kinh tế cho phụ nữ vừa thúc đẩy bình đẳng giới vừa là động lực cho sự phát triển bền vững doanh nghiệp và nền kinh tế, phát huy được tính sáng tạo, thế mạnh cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.