Ngày 7-3, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hải Phòng có thông cáo cho biết đã họp để xem xét, đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hải Phòng thi hành kỷ luật đối với thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên giám đốc Công an Hải Phòng, bằng hình thức khai trừ Đảng.
Sau đó, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hải Phòng đã họp, xem xét và đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với ông Đỗ Hữu Ca bằng hình thức khai trừ Đảng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Bích Ngà, nguyên ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho biết năm 2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành quy định 22 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Quy định nêu rõ đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam hoặc do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật thì tổ chức Đảng có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý, không chờ kết luận hoặc tuyên án của tòa án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán.
Không cần quyết định cho đảng viên, cấp ủy viên trở lại sinh hoạt mới xem xét, xử lý kỷ luật.
Với trường hợp của thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, sau khi bị Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng ở chi bộ tổ dân phố Kiều Sơn, Đảng bộ phường Đằng Lâm, quận Hải An.
Tiếp đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hải Phòng đã chủ động kiểm tra, kết luận và đề nghị cấp thẩm quyền kỷ luật ông Đỗ Hữu Ca bằng hình thức khai trừ Đảng.
Về thẩm quyền xem xét, kỷ luật đối với trường hợp của thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, theo bà Ngà, ông Ca là cán bộ, đảng viên nghỉ hưu và các vi phạm phát hiện sau khi đã nghỉ hưu.
Theo quy định đối với đảng viên đương chức hay từng là ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy, Thành ủy khi có vi phạm, khuyết điểm cần phải xử lý kỷ luật Đảng ở mức cao hơn cảnh cáo (gồm cách chức và khai trừ Đảng) thì cơ quan chức năng của địa phương sẽ đề nghị lên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Sau khi xem xét, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ đề nghị lên Ban Bí thư xem xét, quyết định kỷ luật.
Theo bà Ngà, Ban Bí thư có thẩm quyền chuẩn y danh sách Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành sau khi được bầu hoặc chỉ định nhân sự tham gia các tổ chức Đảng này.
Ông Đỗ Hữu Ca nguyên là ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng nên trong trường hợp vi phạm khuyết điểm cần phải xử lý ở mức khiển trách hay cảnh cáo thì Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố có thể xem xét, quyết định thi hành.
Còn trường hợp vi phạm, khuyết điểm cần phải xử lý kỷ luật Đảng ở mức cao nhất (khai trừ) như đề nghị của cơ quan chức năng TP Hải Phòng thì thẩm quyền thuộc Ban Bí thư xem xét, quyết định.
Theo Công an Quảng Ninh, ông Ca bị bắt liên quan đến vụ án hình sự "trốn thuế", "mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước". Quá trình điều tra, cơ quan công an phát hiện một nhóm đối tượng thành lập các công ty "ma" để mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế.
Ông Ca bị cáo buộc đã có hành vi nhận 35 tỉ đồng để chạy án cho nhóm đối tượng này. Sự việc bị phát hiện, ông Ca khai "không đưa tiền cho ai" mà giữ lại, hiện đã nộp hết cho cơ quan điều tra.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, đã cung cấp thông tin về các vụ án nóng liên quan ông Đỗ Hữu Ca, bà Phương Hằng, trung tâm đăng kiểm.