Kim Hòa, qua hành trình viết, đã kể truyện cổ tích cuộc đời theo cách của mình, với những ấn tượng rất riêng.
Ấn tượng lớp học Cây Me
Chúng tôi vẫn nói đùa, Hòa làm thương hiệu phải xếp tầm xuất sắc. Lớp của Hòa - một lớp học không có gốc me nào, chính xác là gốc me... nhà hàng xóm. Tưởng như không liên quan mà rất liên quan, duyên dáng đi vào những trang văn, trang sách giáo khoa của cô giáo nhỏ Kim Hòa để rồi từ học sinh, độc giả đều yêu quý gọi tên lớp Cây Me.
Học xong Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại ở TP.HCM, Hòa về lại Phan Rang năm 22 tuổi. Được gợi ý của gia đình và bạn bè, chị mở một lớp học nhỏ tại nhà. Lớp bắt đầu chỉ với đúng một học sinh, cũng là chỗ quen thân của đứa bạn trong xóm. Chị không định sẽ dạy lâu, bởi một công việc văn phòng, môi trường làm việc ở thành phố lớn luôn là mơ ước của chị.
Vậy mà, thoắt cái đã 17 năm, những đứa trẻ Hòa dạy từ thời còn tập viết chữ, nhiều đứa vào đại học, có đứa đã lấy vợ, gả chồng. Nhìn lại, Hòa mới thấy lớp học chính là món quà tuyệt vời mình được cuộc đời ban tặng.
Lớp học không chỉ cho Hòa niềm vui công việc. Làm người dạy trẻ nhỏ, tâm hồn chị được mãi mãi thơ trẻ.
"Nỗi buồn ít khi bắt được tôi. Cứ thế, tôi vui sống và viết. Lớp học tặng tôi vô số nhân vật, câu chuyện và cả những bạn đọc "fan cứng" khi tôi sáng tác cho thiếu nhi. Tôi hạnh phúc khi được sống với những trang viết hằng ngày. Tôi hạnh phúc vì được gặp những học trò nhỏ của mình. Được lắng nghe những câu chuyện của các em. Được sống cùng các em, và được cùng các em lớn lên", cô giáo Kim Hòa kể.
Năm 2019, khi quyển sách Chuyện kể ở Lớp Cây Me ra đời, các "fan cứng" của Hòa đã quyết định gọi lớp học nhỏ là lớp Cây Me. Bọn nhóc thích tên ấy lắm.
Tác phẩm sắp in của Hòa có tên là Vương quốc Ngộ Nghĩnh như một sự nối dài của Chuyện kể ở Lớp Cây Me. Cũng như Chuyện kể ở Lớp Cây Me - tập truyện đồng thoại mà Hòa viết về không gian lớp học của mình với nhân vật là những con vật, kể những câu chuyện nhỏ mà những cô cậu học trò nhỏ đã chia sẻ với Hòa, tác phẩm mới này cũng kể những câu chuyện nhỏ xinh như thế, nhưng nhân vật là con người. Một vương quốc chỉ toàn trẻ con, với không gian mở rộng hơn lớp học một chút nhưng trông như một xã hội thu nhỏ. Ở đó, mỗi cô cậu bé cũng là bác sĩ, họa sĩ, thợ làm bánh, nông dân...
Lời ăn tiếng nói và cách cư xử đương nhiên theo cách của những đứa trẻ. Những thông điệp về tình yêu thương, về giá trị nhân văn luôn được gửi gắm khéo léo trong những trang văn nhẹ nhàng, dí dỏm theo phong cách của Hòa.
Sa mạc Phan Rang đâu chỉ có xương rồng. Nguyễn Thị Kim Hòa lại cứ là nhánh xương rồng lầm lũi nhất. Nơi số phận Kim Hòa, những câu chuyện cổ tích về tình yêu, về sự thụ hưởng là một thứ gì đó không tồn tại. Nhưng nhánh xương rồng can trường với sứ mạng mình. Hóa ra khi thu mình thích nghi cùng mùa khắc nghiệt, loài cây sa mạc lại có cơ hội dệt nên màu hoa riêng biệt của mình. Sắc màu và hương vị văn chương Kim Hòa tạo ra mùa cổ tích mới, nồng nàn và quyết liệt.
Nhà văn Võ Diệu Thanh
Ấn tượng Bàn tay vàng trong làng gặt giải
Viết văn luôn được coi là công việc "trời đày". Điều này đúng với rất nhiều nhà văn, và càng đúng hơn với Nguyễn Thị Kim Hòa khi chị bị liệt hai tay do di chứng từ trận sốt bại liệt ngày nhỏ. Có những khi sức khỏe xuống dốc, những lần áp lực với công việc dạy học, vào những lúc nửa đêm về sáng, Hòa vẫn phải nằm dài ra mà viết (chỉ ở tư thế này Hòa mới có thể viết được), để rị mọ từng con chữ giữa cơn đau cột sống.
Những lúc ấy, có khi chị tự hỏi vì sao lại tiếp tục công việc khổ ải này? Tại sao mình lại hành xác mình như vậy? Nhưng, đó chỉ là những suy nghĩ chốc lát thoáng qua. Văn chương vẫn luôn là người bạn đồng hành tuyệt vời nhất với Kim Hòa.
Từ ngày có văn chương, Hòa có thêm những sẻ chia, những người bạn, những chuyến đi, có những giờ phút bản thân mình được đối diện với chính mình trên trang viết. Không phải là những giải thưởng, chính những điều ý nghĩa này giữ Hòa gắn kết với văn chương mà chưa bao giờ có ý định từ bỏ công việc tưởng như có lúc "trời đày".
Độc giả dù yêu quý Kim Hòa cũng khó mà nhớ hết được giải thưởng mà chị gặt được. Hơn 10 năm về trước, từ một cái tên lạ lẫm trong làng văn, Nguyễn Thị Kim Hòa liên tiếp gặt nhiều giải thưởng văn chương uy tín: cuộc vận động sáng tác Văn học thiếu nhi do NXB Kim Đồng phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Thụy Điển tổ chức năm 2012, giải A truyện ngắn tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, giải tư cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ 4. Và nhiều giải cao trong những cuộc thi của báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên... tổ chức khác mà có khi chính tác giả cũng khó mà nhớ hết.
Dù Kim Hòa chỉ tự nhận mình là "một cô giáo làng biết viết văn", nhưng trong tôi, và có lẽ rất nhiều bạn bè của Hòa, ấn tượng về Hòa là sự chân thành, lạc quan, sâu sắc trong từng trang viết lẫn cuộc đời của cô gái nhỏ "luôn tự xác định cho mình một hướng đi, những việc cần làm trong tương lai, để cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn".
Tôi thường cầm đôi bàn tay trắng như trứng gà bóc, bàn tay luôn không chịu lớn nhưng đáng yêu khôn kể. Bàn tay Hòa từng viết: "Khi bạn có một bàn tay cái - gì - cũng - làm - được thì chả nên buồn vì một bàn tay cái - gì - cũng - không - làm - được" trong truyện dài Tay chị tay em (Nhà xuất bản Kim Đồng) mà mỗi khi đọc lại khiến tôi rưng rưng.
Có lần Hòa nhắc lại lời của ông ngoại mình, người không chỉ là ông, là bạn thân mà tựa như một ông Tiên, là người gieo những hạt mầm sống nhân văn trong cô: "Mọi bàn tay trên đời này đều rất đáng yêu. Có bàn tay viết chữ đẹp, lại có bàn tay bắn bi giỏi, có bàn tay giỏi giơ lên phát biểu, cũng có bàn tay giỏi đưa em. Chẳng nên ghét bàn tay vì nó làm không được một điều trong số đó, mà phải yêu nó, phải an ủi nó để nó cố gắng hơn".
"Không sao đâu, con đừng có buồn vì cái tay mình bị bệnh. Lớn lên rồi cái tay sẽ lớn hơn, sẽ mạnh hơn". Cái tay của cô bé ngày xưa ấy mãi vẫn không lớn, không mạnh được như ông nói nhưng cô đã mạnh mẽ đi qua được những điều không vui, chuyện buồn phiền vì sự lạc quan, niềm động viên, an ủi mà ông tặng trao mình thời thơ bé.
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, sinh năm 1984, tại Ninh Thuận. Bắt đầu sáng tác từ năm 2009, chị là cây bút trẻ sung sức với nhiều thể loại như truyện ngắn, truyện thiếu nhi, truyện dài, tản văn...
Kim Hòa đã xuất bản hơn 15 cuốn sách gồm các tập truyện ngắn, truyện dài và tạo nên phong cách viết nhẹ nhàng nhưng nhân văn, sâu lắng trong từng tác phẩm: Tay chị tay em, Đỉnh khói, Con chim phụng cuối cùng, Cửa sổ phía đông, Chuyện kể ở Lớp Cây Me... Tác phẩm của Kim Hòa được dạy nhiều trong sách giáo khoa tiểu học (Bộ Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức và cuộc sống).
Hội Nhà văn Việt Nam vừa có buổi trao giải thưởng Tác giả trẻ, giải thưởng Văn học sông Mekong, giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2022 và bầu ban chấp hành mới chi hội nhà văn tại TP.HCM.
Xem thêm: mth.40865010180303202-aoh-mik-iht-neyugn-net-gnam-gnout-na/nv.ertiout