Giá dầu thế giới đã có phiên tăng thứ 6 liên tiếp, lên mức cao nhất trong 3 tuần qua. Theo Bloomberg ngày 7/3, dầu thô Mỹ WTI hiện tiến sát 81 USD một thùng, giá dầu Brent hiện là 86,6 USD. Trên thị trường Singapore, giá thành phẩm xăng RON 95 và dầu diesel đã vượt 100 USD một thùng từ đầu tháng 3.
Giá thế giới đi lên trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt và kỳ vọng nhu cầu tăng tại Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, khiến chi phí nhập của doanh nghiệp đầu mối bị đội lên và theo đó chiết khấu - mức hoa hồng họ cắt lại cho doanh nghiệp phân phối, bán lẻ - xu hướng giảm. So với giữa và cuối tháng 2, mức chiết khấu dành cho các đơn vị bán lẻ đã giảm gần một nửa.
Chẳng hạn, chiết khấu lấy hàng tại kho khu vực phía Bắc ngày 5/3 dao động 800-850 đồng một lít, dầu diesel 450 đồng. Chiết khấu giảm gần một nửa sau hai ngày, về 400-500 đồng với mỗi lít xăng; dầu 250-350 đồng.
Với mức này, sau khi trừ chi phí vận chuyển, nhân công, hao hụt, các đơn vị bán lẻ cho biết họ lại đang chịu lỗ trên mỗi lít xăng, dầu bán ra.
Chủ doanh nghiệp bán lẻ sở hữu 3 cây xăng tại Hà Nam cho biết, sáng 8/3 nhà cung cấp báo chiết khấu xăng 250 đồng một lít, dầu 150 đồng. So với cuối tuần trước, mức này đã hạ sâu. "Chiết khấu duy trì được mức trên 1.000 đồng một lít được khoảng nửa tháng sau thời gian dài trồi sụt, giờ lại lao dốc, điệp khúc này chắc phá sản mất", bà lo lắng.
Ông Thiện, đại diện một đơn vị bán lẻ tại Hải Phòng, cũng nói mức chiết khấu ông nhận được hôm nay từ nhà cung ứng tại kho Hải Phòng là 400 đồng một lít dầu diesel, còn xăng không có. "Hai ngày nay chiết khấu liên tục giảm, nhà phân phối thông báo xu hướng còn giảm nữa vì giá thế giới đang tăng", ông chia sẻ.
Tại phía Nam, chiết khấu "nhỉnh" hơn khoảng 100-200 đồng mỗi lít, tùy loại nhiên liệu.
Chiết khấu không đủ bù đắp chi phí kinh doanh khiến khâu bán lẻ chịu lỗ hơn một năm qua, cũng là câu chuyện gây tranh cãi kéo dài. Tại nhiều cuộc họp góp ý sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ cho hay hơn một năm cầm cự họ bị lỗ cả nghìn tỷ đồng.
"Không ít doanh nghiệp đã phải bán đất đai, ruộng vườn để cầm cự kinh doanh. Lỗ nhưng chúng tôi vẫn phải bán vì nếu không sẽ bị phạt, xử lý", ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc nêu thực tế.
Các doanh nghiệp bán lẻ đang kiến nghị cần quy định chiết khấu tối thiểu trong giá cơ sở, tỷ lệ 5-6% để họ đủ chi phí, duy trì kinh doanh.
Tại tọa đàm về xăng dầu mới đây, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, cắt chiết khấu đã tạo nên sự thua lỗ của các doanh nghiệp trong chuỗi kinh doanh xăng dầu. Ông cho rằng sửa hay không sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 thì cũng phải xử lý được bất cập này.
Bộ Công Thương cũng từng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối, phân phối điều chỉnh chiết khấu một cách hợp lý, để đảm bảo không bị gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh.
Theo quy định Nghị định 95, đầu mối phải đảm bảo dự trữ lưu thông 20 ngày và thương nhân phân phối là 5 ngày. Nếu thiếu nguồn cung do cắt giảm sản lượng từ sản xuất trong nước, Bộ này đề nghị các thương nhân phân phối chủ động đàm phán, liên hệ với các đầu mối được giao nhập khẩu để bù đắp, bổ sung.
Trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu thiếu hàng để bán, thương nhân cấp hàng chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định.
Năm ngoái ít nhất 3 lần thị trường bất ổn, đứt gãy nguồn cung. Để tránh lặp lại, các chuyên gia cho rằng phải tiến tới "thị trường hơn" trong điều hành, quản lý giá xăng dầu.
"Trước nay chưa từng có thị trường trong kinh doanh xăng dầu. Cơ chế sửa tới dây cần tạo dần các điều kiện để có thị trường thực sự cạnh tranh, bình đẳng giữa các chủ thể tham gia, giảm sự phụ thuốc vào doanh nghiệp đầu mối", ông Vũ Đình Ánh nêu quan điểm.
Còn theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), khâu nào doanh nghiệp có thể quyết thì nên trao quyền nhiều hơn cho họ, tức trả về thị trường nhiều hơn.
Đồng tình, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) nhìn nhận, nếu doanh nghiệp được tự quyết giá bán sẽ cạnh tranh hơn. Ông cũng đề nghị rút ngắn kỳ điều hành để sát giá thế giới và điều hành liên tục cả ngày lễ, bởi nếu không giá trong nước lệch pha với thế giới và "thị trường thế giới không hề nghỉ lễ, Tết".
Từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước qua 6 kỳ điều hành, với 4 lần tăng và 2 lần giảm. Hiện mỗi lít xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) là 23.320 đồng, tương đương ngưỡng giá tháng 9/2022.
Anh Minh