Quan điểm trên được ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết tại Toạ đàm góp ý Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 8/3.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng |
Cụ thể hơn, bà Lưu Thanh Nguyên, Phó Trưởng Ban Pháp chế VAMC cho biết, đối với nội dung VAMC và TCTD mua bán nợ có thoả thuận phân chia, Dự thảo quy định: “3. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thỏa thuận với tổ chức tín dụng phân chia phần giá trị còn lại (nếu có) của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý”. Dự thảo đã bãi bỏ nội dung: trong trường hợp có VAMC và TCTD mua bán có thoả thuận phân chia thì giá mua phải bằng giá trị định giá của tổ chức định giá độc lập và VAMC phải thống nhất với tổ chức tín dụng lựa chọn tổ chức định giá độc lập.
Bà Nguyên cho rằng, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 42 đối với quy định này, VAMC cho rằng giá trị do tổ chức định giá đưa ra chỉ là giá tham khảo để hai bên xem xét quy định giá mua bán phù hợp, kể cả đối với trường hợp tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thảo thuận với TCTD bán nợ phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu (sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý) thì sau khi có kết quả thẩm định giá, hai bên vẫn cần thoả thuận để thống nhất giá mua bán nợ.
“Như vậy, phương án quy định tại Dự thảo, VAMC đánh giá là tối ưu, vừa luật hoá nguyên tắc đã có tại Nghị quyết 42 vừa giảm thiểu rủi ro và tăng tính chủ động cho VAMC trong việc thúc đẩy hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu theo giá trị thị trường”, bà Nguyên nói.
Liên quan đến quy định xét duyệt cấp tín dụng đối với các khoản cho vay tiêu dùng (Khoản 2 Điều 92 Dự thảo), bà Tôn Thị Hải Yến, Phó tổng giám đốc Công ty tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) cho biết, đặc điểm các khoản cho vay tiêu dùng của Công ty tài chính là các khoản vay nhỏ và quy trình vay nhanh gọn nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp bách trong cuộc sống của khách hàng.
Cũng theo bà Yến, nhiều đối tượng khách hàng như sinh viên, người lao động tự do khó có khả năng chứng minh tài chính nên việc yêu cầu khách hàng phải cung cấp tài liệu và dữ liệu chứng minh khả năng tài chính sẽ kéo dài thời gian tiếp cận vốn của khách hàng, dẫn đến khả năng phải tìm tới nguồn vay từ các kênh không chính thống (tín dụng đen), đi ngược với chủ trương ngành ngân hàng góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, phát triển tín dụng khu vực nông thôn.
“Vì vậy, EVNFinance đề xuất Ban soạn thảo xem xét quy định đối với các khoản cho vay tiêu dùng có giá trị nhỏ của Công ty tài chính chỉ cần yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin về khả năng tài chính của khách hàng thay vì cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh khả năng tài chính”, bà Yến nói.
Hay như bà Nguyễn Thị Vân Hoài, Giám đốc cao cấp quản trị quan hệ công, Techcombank cho rằng, trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD, việc áp dụng các biện pháp bảo đảm giữ vai trò đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm khả năng thu hồi vốn của TCTD. Do vậy, cần thiết phải có một hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch để bảo vệ bên cho vay/bên nhận bảo đảm trong các trường hợp bên vay không có khả năng trả nợ hoặc chây ì không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho các TCTD.
Còn bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban Pháp chế BIDV cho biết, theo Khoản 3 Điều 102 thì công ty con của NHTM chỉ được hoạt động trong các lĩnh vực quy định tại khoản 3, trong đó không có lĩnh vực tư vấn giá tài sản đảm bảo cho khách hàng vay vốn tại NHTM. Thực tế, hiện nay có một số công ty AMC là công ty con của NHTM thực hiện thêm dịch vụ tư vấn giá tài sản bảo đảm cho khách hàng vay vốn tại NHTM. Hoạt động của các công ty AMC này có được NHNN chấp thuận không và trên cơ sở nào?
“Nếu được NHNN chấp thuận, đề nghị sửa đổi trong Luật TCTD mới tại Khoản 3 Điều 102 dự thảo nêu trên cho phép TCTD được thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực tư vấn giá tài sản đảm bảo cho khách hàng vay vốn tại chính NHTM đó (không phải hoạt động thẩm định giá theo Luật giá 2012)”, bà Phương nhấn mạnh.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm |
Tham dự tại Toạ đàm, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán: “Các ngân hàng muốn dự thảo Luật sát với thực tiễn hoạt động ngân hàng hơn, có cơ sở pháp lý ổn định, đầy đủ hơn trong giải quyết các vấn đề phát sinh gắn đảm bảo sự phát triển ổn định của hệ thống tín dụng, sự lành mạnh, an toàn, hạn chế và xử lý được nợ xấu trong hoạt động ngân hàng”.
Ông Hùng nêu quan điểm, việc sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo cho hoạt động của các TCTD phát triển an toàn, bền vững thông qua việc lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các TCTD. Xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD, nâng cao chất lượng hoạt động của TCTD; tạo lập nền tảng pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số của TCTD.
“Đặc biệt, trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH 14 sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, việc Luật hóa các chính sách xử lý nợ xấu có ý nghĩa quan trọng, qua đó, tạo được khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu của TCTD một cách đồng bộ, có hiệu lực pháp lý cao, áp dụng ổn định, lâu dài”, ông Hùng nhấn mạnh.