Như Thanh Niên thông tin, tình trạng đòi nợ kiểu khủng bố gây bức xúc trong xã hội thời gian qua. Như trường hợp chị K.L (Giám đốc Công ty kiến trúc O.V) tá hỏa khi thấy hình ảnh của mình bị cắt ghép và bêu ảnh trên Facebook để đòi nợ. Thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo…, những đối tượng đòi nợ còn gửi hình ảnh này cho người thân, bạn bè, đối tác, gây hiểu nhầm và ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, xâm hại nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, thương hiệu của công ty chị K.L.
Quá bức xúc vì không mượn tiền của ai mà chuyện này rơi xuống đầu, chị K.L thu thập tất cả chứng cứ tố cáo lên công an. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thì mới biết bố của một nhân viên trong công ty chị vay mượn tiền qua app vài chục triệu đồng, lãi mẹ đẻ lãi con lên đến hàng trăm triệu đồng nên mất khả năng thanh toán. Nhóm cho vay không những đòi nợ gia đình của người này mà còn "khủng bố" cả những người xung quanh, đặc biệt là giám đốc công ty của người thân đang đi làm.
Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP.HCM), hành vi đòi nợ với thủ đoạn uy hiếp, đe dọa tinh thần người vay qua mạng và bằng cách gọi điện thoại, về bản chất có liên hệ mật thiết với các hoạt động tín dụng đen trên mạng, là biến tướng của tín dụng đen truyền thống. Đặc biệt, thay vì cho vay lãi nặng trực tiếp bằng tiền mặt như trước đây, các băng nhóm tín dụng đen trên mạng thường núp bóng danh nghĩa công ty tài chính, công ty công nghệ, công ty tư vấn luật... để hoạt động. Từ đây, nhóm đối tượng sử dụng nhiều app, website để cho vay lãi nặng trực tuyến; tổ chức mua bán, thu hồi nợ bằng hình thức khủng bố tinh thần người vay và những người thân quen của người này.
Nghiêm trị đối tượng vi phạm
Phản hồi thông tin trên, nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bức xúc cho biết họ cũng bị ám ảnh bởi những cuộc gọi đòi nợ "từ trên trời rơi xuống", bị ghép ảnh biêu riếu khắp nơi dù chưa bao giờ vay tiền ai. "Hiện có rất nhiều người chẳng vay đồng bạc nào, mà chỉ là người làm chung công ty, người quen, họ hàng... cũng bị bọn đòi nợ khủng bố rất kinh khủng. Chúng gọi điện quậy phá liên tục ngày đêm bằng các số sim lạ, sim rác, nhắn tin Zalo, Facebook, đột nhập phá hoại trang web của cơ quan, doanh nghiệp (chẳng có liên quan gì đến vay nợ), đe dọa đánh, giết, gây tai nạn giao thông... đến người thân, trẻ em, người già. Việc này khiến những người vô can bất an, thậm chí bị cơ quan nơi họ làm việc hạch hỏi, gây mất an ninh xã hội. Thiết nghĩ cơ quan công an cần cung cấp đường dây nóng để những người vô can, bị hại kịp thời phản ánh tình trạng các số điện thoại, tài khoản Zalo, Facebook... khủng bố họ", BĐ Huu Nguyen ý kiến.
Còn BĐ H.Kha viết: "Mong cơ quan chức năng cho xét xử công khai, xử lý thật nghiêm những đối tượng này. Có rất nhiều người là nạn nhân bị bọn này chửi bới, xúc phạm, đe dọa, bôi nhọ... Dù người đó có liên quan đến vay nợ của chúng hay không, cứ là bạn bè đồng nghiệp thì chúng nó khủng bố. Đề nghị tổ chức rà soát, xử lý triệt để vấn nạn này".
"Tôi hy vọng cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm những đối tượng này. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chặn những trang web trên Facebook, TikTok mang tính chất cho vay qua app để lừa đảo", BĐ Nguyen Sang ý kiến.
Truy tận gốc tín dụng đen, đòi nợ "khủng bố"
Không chỉ bức xúc, nhiều ý kiến đề nghị lực lượng chức năng mạnh tay, kiên quyết truy đến cùng gốc rễ vấn nạn tín dụng đen, đòi nợ kiểu khủng bố, gây bất ổn cho xã hội thời gian qua. "Pháp luật cần sớm bổ sung hình phạt thật nghiêm khắc đối với hành vi đòi nợ vu khống, nhục mạ người khác qua phương tiện viễn thông, mạng xã hội để răn đe, giữ trật tự xã hội", BĐ Tuấn Trần ý kiến.
BĐ Robin ý kiến: "Theo tôi, cứ quản lý thông tin chủ thuê bao số điện thoại rõ ràng theo đúng quy định, loại bỏ sim rác nghiêm minh thì sẽ chẳng còn lừa đảo, khủng bố, quảng cáo nữa".
"Các bên liên quan cần ngồi lại thì mới giải quyết dứt điểm tình trạng này. Cụ thể, bên bán sim phải có trách nhiệm với sim bán ra, ngân hàng thì phải quản lý được tài khoản vì mục đích cuối cùng của bọn này là chuyển tiền vào tài khoản, phía công an thì phải thật quyết liệt vào cuộc khi có trình báo từ người dân... Nếu làm được như vậy thì sẽ dẹp tận gốc vấn nạn này", BĐ Quoc Thanh góp ý.