Đây là nút giao thông có nhiều giao cắt phức tạp, đóng vai trò kết nối giữa cửa ngõ phía đông với trung tâm TP.HCM. Từ 8h sáng, lượng xe đổ dồn qua đây mỗi lúc một đông đúc từ loạt tuyến đường Điện Biên Phủ (cả hai chiều), đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường Trường Sa, đường Mai Thị Lựu... khiến giao thông rối loạn.
Giảm ùn tắc cửa ngõ TP.HCM
Theo Phòng PC08, tình trạng giao thông tại vòng xoay Nguyễn Bình Khiêm (hay gọi là vòng xoay Điện Biên Phủ) diễn biến phức tạp. Vào giờ cao điểm, lưu lượng lớn xe cộ đi từ hướng cầu Sài Gòn đến vòng xoay này tăng cao, thường xuyên ùn tắc, kẹt xe.
Dòng xe máy, ô tô ken đặc quanh vòng xoay nhích từng chút một khổ sở. Trong khi đó, tại đây hiện không có đèn tín hiệu giao thông để điều tiết, người dân men theo vòng xoay để rẽ về các hướng.
Trước tình hình này, Phòng PC08 đề xuất đối với vòng xoay này cần nghiên cứu dỡ bỏ vòng xoay, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông. Đồng thời tính toán kéo dài dải phân cách trên tuyến đường Điện Biên Phủ (cả hai hướng) về phía vòng xoay hạn chế xe máy đi ngược chiều và quay đầu trước vòng xoay.
Các đơn vị cũng xem xét điều chỉnh đối với khu vực vòng xoay Hàng Xanh. Cụ thể, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ vòng xoay đến đường Bạch Đằng) cần đặt lệch dải phân cách một đoạn khoảng 45m. Vị trí gần giao lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bạch Đằng (hướng từ vòng xoay đến Bạch Đằng) tạo thêm một làn rẽ trái từ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh về đường Bạch Đằng.
Ngoài ra, lắp đặt biển báo cấm dừng, đỗ xe vào giờ cao điểm và biển báo cấm đỗ xe trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (cả hai hướng) đoạn từ vòng xoay đến đường Bạch Đằng.
Dỡ bỏ hay thu nhỏ vòng xoay?
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết các đơn vị đang nghiên cứu dựa trên đề xuất của Phòng PC08 và thực tế ở khu vực này để đưa ra phương án tổ chức giao thông thật sự phù hợp. Với đặc thù vòng xoay nhiều giao cắt, lượng xe lớn thì việc tổ chức giao thông cần tính toán, cân nhắc đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phục vụ người dân đi lại tốt nhất, an toàn nhất.
Chị Nguyễn Hồng Duyên - một người dân thường xuyên đi lại qua khu vực này - chia sẻ đây là một điểm thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm. Có thể tháo dỡ vòng xoay, đồng thời thay thế đèn giao thông để điều tiết giao thông dễ dàng, hiệu quả hơn. Tại đây, có thể lắp thêm các camera để phạt nguội các trường hợp vi phạm giao thông chạy ngược chiều.
Anh Hoàng Văn Tuấn - một người dân sống gần điểm này - lại cho rằng vòng xoay này được xây dựng từ mấy chục năm nay và tháp đồng hồ bốn mặt đã trở thành một biểu tượng gợi nhớ trong lòng người dân. "Để xử lý những xung đột tại đây, có thể cân nhắc thu nhỏ phần vòng xoay lại, lắp thêm đèn tín hiệu giao thông tạo không gian rộng quanh vòng xoay cho dòng xe di chuyển", anh Tuấn nói.
Cần thêm nhiều ý kiến đa chiều
TS Võ Kim Cương - nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM - cho biết trước đây TP.HCM từng cải tạo vòng xoay này theo hướng tổ chức trộn dòng xe giảm giao cắt. Tuy nhiên, do lượng xe nhiều và người dân không tuân thủ luật lệ nên phương án này không hiệu quả.
Trải qua thời gian, tình hình giao thông ở khu vực vòng xoay Điện Biên Phủ ngày càng phức tạp, lượng xe đổ về càng nhiều tăng nguy cơ ùn tắc. Do đó, việc bổ sung đèn tín hiệu giao thông tại đây là cần thiết.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM có thể thử nghiệm lắp đèn giao thông, tính toán thời gian đèn hợp lý để xem hiệu quả như thế nào. Hiện phương án dùng đèn tín hiệu tổ chức giao thông đã mang lại hiệu quả giảm kẹt xe ở những điểm hay ùn tắc như khu vực tượng đài An Dương Vương (quận 5).
Về đề xuất tháo dỡ vòng xoay, TS Cương cho rằng cần nghiên cứu, tham khảo ý kiến từ các nhà quy hoạch, chuyên gia giao thông để có đánh giá đa chiều. Nguyên lý giao thông thì vòng xoay cũng góp phần giãn dòng xe, kéo dài thời gian qua giao lộ để các dòng xe không xung đột với nhau, giảm ùn tắc giao thông.
Phòng CSGT TP.HCM kiến nghị nghiên cứu dỡ bỏ vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), tổ chức giao thông cho xe đi theo đèn tín hiệu qua giao lộ, nhằm giảm ùn tắc khu vực này.
Xem thêm: mth.73232353280303202-oas-iv-uhp-neib-neid-yaox-gnov-od-oaht-taux-ed-mch-pt/nv.ertiout