Đầu tháng 3, vườn bưởi da xanh 4 ha, 15 năm tuổi của ông Huỳnh Văn Quận (56 tuổi, ấp Long Hội, Giao Long, Châu Thành) vừa thu hoạch đợt cuối, trước khi dưỡng hoa cho cây chuẩn bị vụ sau.
25 năm trước, ông Quận là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn bỏ cây nhãn, trồng bưởi da xanh. Mỗi ha bưởi tốn chi phí đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng. Từ khi trồng cây đến lúc thu hoạch mất gần 5 năm.
Khoảng 5-7 năm trước, thời điểm bưởi da xanh có giá 40.000-50.000 đồng một kg, đa số người trồng bưởi lãi lớn. Bình quân, mỗi tháng vườn ông Quận thu hoạch 5-10 tấn bưởi, lợi nhuận trên 300 triệu đồng, đặc biệt hai tháng cận Tết Nguyên đán hàng năm, lợi nhuận tăng gấp đôi.
Hai năm gần đây, bưởi da xanh liên tục rớt giá, thương lái mua "xô" (thu mua hết các kích cỡ lớn, nhỏ) tại vườn dao động 15.000-20.000 đồng một ký.
Vụ thu hoạch vừa rồi, vườn nhà ông Quận hái hơn 7 tấn trái, chỉ bán được giá 21.000 đồng một ký. Ông cho biết do diện tích vườn lớn, cộng với gia đình tự chăm sóc, "lấy công làm lời" nên còn có chút lãi. Phần lớn các hộ khác trên địa bàn có diện tích nhỏ lẻ vài nghìn m2 đều không có lãi vì giá phân thuốc, nhân công chăm sóc tăng cao.
Cách vườn ông Quận hơn hai km, bà Trần Thị Thu Hoa (64 tuổi) cũng đang chăm sóc vườn bưởi 1,1 ha. Xen lẫn những gốc bưởi trong vườn là những cây dừa xiêm xanh, điều vừa được trồng sau Tết.
"Cây dừa xiêm sau 3 năm sẽ thu hoạch, lại chịu được hạn mặn, ít tốn công chăm sóc, nên nếu cây bưởi còn rớt giá kéo dài, nông dân chắc sẽ bỏ bưởi để trồng dừa", bà Hoa nói.
Bến Tre hiện có khoảng gần 10.000 ha bưởi da xanh, chiếm hơn 30% diện tích bưởi ở miền Tây (32.000 ha), hàng năm cho gần 200.000 tấn trái, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, hơn 3.300 ha.
Ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, thông tin ngoài tiêu thụ nội địa, cây bưởi da xanh toàn tỉnh hiện có 16 vùng trồng xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ, Trung Quốc gắn 30 mã số với diện tích gần 370 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Châu Thành.
Theo ông Nam, dù cuối tháng 11 năm ngoái, tỉnh này là địa phương đầu tiên xuất lô bưởi da xanh đi Mỹ, hơn 100 tấn. Tuy nhiên, ông cho biết phần lớn diện tích bưởi xuất khẩu hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
"Kể từ sau đợt dịch, do thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc vẫn chưa mở cửa, bưởi cũng như nhiều nông sản khác vì vậy rớt giá kéo dài", ông Nam nói.
Do thời gian bưởi giảm giá khá lâu, cộng với tình trạng hạn mặn xâm nhập sâu, bất thường những năm gần đây, nhiều người dân đã hết "mặn mà" với cây bưởi; chuyển sang trồng các loại cây khác như dừa, có khả năng thích nghi cao hơn với hạn mặn. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang tập trung hướng dẫn, đào tạo nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ để đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn như Mỹ, EU.
Cũng theo Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thời gian qua, việc thu mua xuất khẩu bưởi da xanh đi các thị trường khó tính như Mỹ dù là thành công bước đầu, vẫn còn nhiều việc phải làm. Hiện tiêu chuẩn xuất bưởi phải đạt trọng lượng từ 1,2 kg đến 1,8 kg mỗi trái.
Tuy nhiên, do tỷ lệ thu mua xuất khẩu chiếm tỷ lệ còn thấp, người dân sẽ gặp khó khăn với lượng bưởi không đạt chuẩn còn lại. Trong khi đó, các thương lái thu mua bưởi xô bán nội địa chỉ cần tiêu chuẩn bưởi 0,5 kg trở lên.
Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre đang soạn lại mẫu hợp đồng giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã trong liên kết chuỗi mua bán hàng xuất khẩu làm cơ sở pháp lý khi có các vấn đề phát sinh về sau. "Về lâu dài, mục tiêu là xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của nông dân lẫn doanh nghiệp", ông Nam nói.
Hoàng Nam