Sáng ngày 9-3, HĐND TP.HCM có buổi giám sát về tình hình quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn TP. Nội dung này được phục vụ cho chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời vào thời gian tới.
HĐND TP.HCM giám sát về tình hình quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật ở TP. Ảnh: ĐÀO TRANG. |
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM chủ trì giám sát. Tham dự buổi giám sát có Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Võ Khánh Hưng; ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban Giao thông).
Tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Thanh Vân yêu cầu Sở GTVT TP, Ban Giao thông thông tin về việc quản lý các công trình, hạ tầng trên địa bàn TP. Đặc biệt là thông tin về sự cố cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh trong thời gian vừa qua.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông báo cáo tại buổi giám sát HĐND TP.HCM. Ảnh: ĐÀO TRANG. |
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, cho biết cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng từ năm 2001 và đã khai thác 20 năm nay. Tuy nhiên, trong quá trình bàn giao dự án có một số bất cập về hồ sơ, bản vẽ thiết kế nên trong quá trình thi công dự án ở giai đoạn sau có một số khó khăn.
Theo đó, ngay sau khi xảy ra sự cố, Ban Giao thông đã phải phối hợp với các đơn vị liên quan để khảo sát, tìm lại hồ sơ của dự án này.
Ông Phúc cũng cho biết cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh có đất nền yếu nên thời điểm thi công có bốn cáp dự ứng lực dưới cầu để cố định. Bản thân các đơn vị thi công cũng không nắm được dưới lòng đất có các cáp dự ứng lực này.
Ngay khi phát hiện sự cố, Ban Giao thông và Sở GTVT cũng đã mời các đơn vị liên quan để cập nhật hồ sơ thiết kế, đo đạc, thử tải. Đồng thời lên phương án đảm bảo an toàn giao thông và xử lý sự cố này nhanh nhất có thể.
“Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh đã được sử dụng 20 năm và cũng đến lúc phải bảo trì, bảo dưỡng. Bản thân tôi cũng suy nghĩ liệu rằng TP hay cả nước còn có các cây cầu có cáp ngầm tương tự như vậy hay không?
Các công tác quản lý hồ sơ về các dự án giao thông, cầu đường là vô cùng quan trọng, trong khi đó không ít dự án không có hồ sơ, hoặc chưa được bàn giao. Vì vậy, TP cần phải xây dựng một dữ liệu chung để các đơn vị liên quan cùng sử dụng” – ông Phúc nhấn mạnh.
Đoàn giám sát HĐND TP tham quan Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP. Ảnh: ĐÀO TRANG. |
Ông Phúc cho biết việc xây dựng số hóa dữ liệu chung là để phục vụ cho các đơn vị khi triển khai dự án hoặc ngầm hóa thuận lợi, không gặp khó khăn. Đồng thời, TP cũng cần thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo an toàn giao thông.
Đại diện UBND TP Thủ Đức cũng cho biết việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung là cấp thiết. Bởi lẽ trên địa bàn TP có rất nhiều công trình, nhiều dự án được giao hồ sơ đầy đủ, song không ít dự án chưa kịp bàn giao thì công ty đó đã giải thể. Như vậy, việc quản lý các dự án sẽ bị gặp khó.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện Sở GTVT đang quản lý khoảng 600 cây cầu, chưa tính số cây cầu ở các quận huyện.
Ông Đường cho biết do đặc thù của công tác đầu tư xây dựng ở TP trải dài nhiều năm, các hồ sơ tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, có một số dự án thiết kế cũ để tìm lại hồ sơ hoàn công cũng khó, có dự án bàn giao chuyển đổi nhiều đơn vị đã không còn hồ sơ.
Theo đó, Sở GTVT sẽ làm việc với nhiều đơn vị liên quan để cập nhật vào hồ sơ để đưa vào cơ sở dữ liệu chung về các dự án giao thông, có thể quản lý trên mạng.
Tại đây, Ban Đô thị HĐND TP cũng đề nghị Sở GTVT TP hướng dẫn cụ thể cho các quận huyện để quản lý những cây cầu, dự án thuộc địa phận quận huyện quản lý. Trong đó, Sở GTVT có cập nhật, số hóa dữ liệu hồ sơ của các cây cầu ở quận huyện vào hệ thống không?
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết các công trình trên dù ai quản lý cũng cần phải nắm hồ sơ. Dưới góc độ quản lý của Sở GTVT TP sẽ có hướng dẫn cụ thể cho các quận huyện.
Kết luận buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Thanh Vân yêu cầu các đơn vị cần sớm triển khai, số hóa dữ liệu các công trình để phục vụ trên toàn TP.