Theo đó, Thẩm phán TANDTC Lương Ngọc Trâm vừa ký thông báo về việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của ông Nguyễn Hồng Lam.
Thông báo nêu, TANDTC nhận được đơn của ông Lam đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án hình sự phúc thẩm số 166/2022/HSPT ngày 29/4/2022 của TANDCC tại Đà Nẵng, đã xử phạt ông 13 năm tù về tội Tham ô tài sản; trong đơn, ông cho rằng bị kết án oan. Sau khi nghiên cứu đơn và các tài liệu có liên quan, TANDTC có ý kiến như sau:
Năm 2012, ông đang giữ chức vụ là Trưởng phòng Phòng Tổ chức kế hoạch đã cùng với Nguyễn Xuân Tứ (Phó trưởng phòng Phòng Tổ chức kế hoạch) và Nguyễn Đông Dương (kế toán ngân sách Phòng Tổ chức kế hoạch) chiếm đoạt tiền mà mình có trách nhiệm quản lý bằng việc tạm ứng tiền ngân sách sai nguyên tắc, đưa vào tài khoản của Hội đồng giải phóng mặt bằng (do Phòng Tổ chức kế hoạch làm cơ quan thường trực ứng), không hoàn ứng lại cho Nhà nước, mà đã sử dụng toàn bộ số tiền 524.300.000 đồng để chi tiêu cá nhân.
Trong vụ án này, ông là người trực tiếp ký Lệnh chi tiền số 02 ngày 11/01/2012, ký vào Giấy lĩnh tiền mặt ngày 12/01/2012 ở mục chủ tài khoản.
Để che giấu hành vi phạm tội khi bàn giao chức vụ Trưởng phòng cho ông Trần Ngọc Phận, ông cùng với Nguyễn Xuân Tứ, Nguyễn Đông Dương bàn bạc và thực hiện việc hợp thức hóa số tiền đã chiếm đoạt bằng cách ghi sai nội dung của khoản tiền tạm ứng này.
Tiếp đó, khi ông giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện, ông đã ký Quyết định số 1827/QĐ-UB ngày 09/8/2018 xuất ngân sách cấp kinh phí cho Phòng Lao động Thương binh và Xã hội để làm thủ tục hoàn ứng sai nguyên tắc, nhằm xóa dấu vết phạm tội của ông cùng Tứ và Dương.
Tòa án cấp phúc thẩm và Tòa án cấp sơ thẩm kết án ông và Nguyễn Xuân Tứ, Nguyễn Đông Dương về tội Tham ô tài sản là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan.
Trước đó, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 70/2020/HS-ST, ngày 21/12/2020 của TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt Nguyễn Hồng Lam 15 năm tù về tội “Tham ô tài sản”; Nguyễn Xuân Tứ 9 năm 6 tháng tù về tội “Tham ô tài sản” và 6 tháng tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, Nguyễn Đông Dương 7 năm tù về tội “Tham ô tài sản”.
Sau đó, bị cáo Lam có đơn kháng cáo kêu oan, còn 2 bị cáo Tứ và Dương kháng cáo xin giảm hình phạt.
Các bị cáo Lam, Tứ, Dương tại phiên tòa sơ thẩm
Đến ngày 29/4/2022, TANDCC tại Đà Nẵng đã mở phiên tòa phúc thẩm và ra Bản án số 166/2022/HSPT nói rõ việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội và không oan.
Cùng với đó, HĐXX cấp phúc thẩm cũng đã xem xét toàn diện các tình tiết có trong hồ sơ vụ án, quá trình xét hỏi, tranh luận; xem xét các căn cứ theo quy định của pháp luật để giảm án cho các bị cáo. Cụ thể, Nguyễn Hồng Lam bị xử phạt 13 năm tù; Tứ 7 năm tù; Dương 4 năm tù cùng về tội “Tham ô tài sản”. Riêng bị cáo Tứ còn bị xử phạt 6 tháng tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tố chức”.
Theo nội dung vụ án, vào năm 2005, ông Lam được bổ nhiệm là Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Đức Cơ. Năm 2011 ông Tứ là Phó Trưởng phòng, ông Dương là kế toán của Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện.
Vào năm 2007, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ (thời điểm này), giao ông Lam làm chủ tài khoản, ông Tứ là kế toán của Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện. Đến tháng 10/2010, Hội đồng GPMB huyện đã ngừng hoạt động, không được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng dự án xây dựng mở rộng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ mà chỉ được thực hiện các dự án trước đó chưa làm xong.
Đến năm 2012, UBND huyện Đức Cơ giao cho Phòng Tài chính-Kế hoạch thực hiện dự án mua sắm thiết bị cho Đài tưởng niệm Nghĩa trang Liệt sĩ huyện. Trong đó, có nội dung đi công tác đến tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng để xem chuông đồng, hạc đồng…
Thời điểm này, kinh phí hoạt động thường xuyên của phòng đã không còn. Để phục vụ cho chuyến công tác này, cũng như mục đích tiêu xài của các cá nhân từ tiền ngân sách Nhà nước, các đối tượng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để tạm ứng tổng số tiền gần 525 triệu đồng. Số tiền này, được rút ra từ ngân sách nhà nước thông qua Hội đồng GPMB huyện (thời điểm này, Hội đồng GPMB huyện đã ngừng hoạt động).
Để che giấu hành vi phạm tội của mình, các đối tượng đã lập thủ tục hoàn ứng trái quy định bằng cách lập quyết định xuất ngân sách bổ sung cho Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện để lập thủ tục hoàn ứng. Nhưng vì không có chứng từ kèm theo nên không quyết toán được và hành vi phạm tội bị phát hiện.
Trong vụ án này, Lam được xác định đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để ký lệnh chi số tiền nói trên về tài khoản của Hội đồng GPMB. Lúc này, bản thân Lam biết việc tạm ứng như vậy là sai trái nhưng vẫn thực hiện, bỏ mặc Tứ và Dương sử dụng số tiền này. Đến sau này, dù đã làm Chủ tịch UBND huyện nhưng Lam lại một lần nữa để Tứ, Dương tham mưu, đề xuất quyết định cấp ngân sách huyện hoàn ứng số tiền các bị can đã bàn bạc với nhau rút ra từ năm 2012.
Đối với Tứ, là người trực tiếp tham mưu bàn bạc cùng Lam để tạm ứng số tiền ngân sách, sau đó lại in lệnh chi tiền đưa cho Dương ký với tư cách là kế toán rồi trình Lam ký. Tứ đã sử dụng một phần số tiền này cho chuyến công tác và mục đích cá nhân.
Đến năm 2018, Tứ cùng Dương bàn bạc cách thức hoàn ứng… Khi đoàn Thanh tra tỉnh yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan đến việc tạm ứng trái quy định thì Tứ đã chỉ đạo cho L.X.N đánh máy lại bản photo QĐ số 42 sau đó bị can này nhờ ông H.C ký nháy. Chưa dừng lại ở đó, Tứ còn chỉ đạo S.H photo chữ ký của ông Võ Thanh Hùng (Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ thời điểm đó) rồi điền số, ngày, tháng và đóng dấu của UBND huyện Đức Cơ vào.
Đối với Dương, mặc dù ban đầu không tham gia cùng Tứ và Lam bàn bạc cách thức tạm ứng tiền từ ngân sách thông qua Hội đồng giải phóng mặt bằng của huyện nhưng sau khi nhận tiền về với tư cách là kế toán trưởng, Dương nhận thức được việc tạm ứng số tiền trên là trái quy định do đó Dương đã giữ số tiền này mà không nhập quỹ, không mở sổ theo dõi. Số tiền này Dương đã chi hết nhưng không chứng minh được các khoản chi.