Ngày 9/3, tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, liên quan đến tình trạng nhiều phụ huynh bị lừa chuyển khoản hàng chục đến cả trăm triệu đồng khi nhận thông tin con mình phải nhập viện cấp cứu, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản các đối tượng sử dụng là mạo danh nhân viên bệnh viện, giáo viên và những người liên quan nói học sinh bị tai nạn cấp cứu, yêu cầu chuyển khoản gấp để thanh toán viện phí.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, các đối tượng chia vai nhau để cùng lừa các phụ huynh trong mỗi vụ việc, có người mạo danh giáo viên, người đóng vai bác sỹ và những người liên quan khác.
Do đó, Công an TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình để tuyên truyền về các thủ đoạn lừa đảo. Công an Thành phố cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn phụ huynh cẩn trọng và chọn lọc khi tiếp nhận, xử lý thông tin, khi cần nắm thông tin về con em mình, các phụ huynh cần liên hệ trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm.
Theo đại diện Công an TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 9/3, Công an đã tiếp nhận 4 tin báo từ cơ quan báo đài, 3 tin báo tố giác của người dân về vụ việc trên. Trong đó, ngày 8/3, có hai phụ huynh ở huyện Củ Chi cũng bị các đối tượng gọi điện thoại, lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Tuy nhiên, do nắm bắt thông tin qua báo chí, nhà trường nên không chuyển tiền.
Về việc lộ thông tin của phụ huynh, học sinh, đại diện Công an TP Hồ Chí Minh đánh giá, các trường học, cơ quan Nhà nước có quy trình, quy định quản lý thông tin chặt chẽ, có kiểm tra độ bảo mật và an toàn. Thông tin, số điện thoại phụ huynh có thể bị lộ lọt những vấn đề liên quan đến lỗ hổng bảo mật của các doanh nghiệp, công ty khác. Một giả định khác là nhân viên doanh nghiệp thu thập và bán lại dữ liệu cá nhân khách hàng.
"Khi đến cửa hàng, khu vui chơi, ăn uống, trung tâm học tập, phụ huynh, học sinh cần khai báo thông tin để làm thẻ khách hàng hoặc đăng ký. Việc này cũng có nguy cơ làm lộ lọt thông tin", Thượng tá Lê Mạnh Hà nêu dẫn chứng.
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh khẳng định, dữ liệu phục vụ công tác chuyển đổi số của ngành Giáo dục được bảo mật nghiêm ngặt, có phân công trách nhiệm cụ thể và ghi nhận dấu vết hệ thống. Do đó, việc lộ lọt thông tin phụ huynh không xuất phát từ ngành Giáo dục.
Theo ông Hồ Tấn Minh, khi nhận thông tin phản ánh về những cuộc gọi lừa đảo, Sở đã chủ động kiểm chứng toàn bộ thông tin của học sinh, phụ huynh. Ông Hồ Tấn Minh cho hay, tâm lý của phụ huynh thường rất hoang mang khi nghe tin con mình gặp chuyện bất trắc nên theo phản xạ sẽ làm theo những gì người khác yêu cầu.
"Phụ huynh cần cẩn trọng khi xem những thông tin trong một số nhóm, group hoặc các trang mạng. Trong quản lý, mỗi lớp đều có giáo viên chủ nhiệm nên nếu nhận được thông tin nào liên quan đến con mình, cần gọi cho giáo viên chủ nhiệm để xác minh trước", ông Hồ Tấn Minh nói.
Trước đó, ngày 6/3, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu rà soát, chấn chỉnh công tác truyền thông liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình học sinh, sinh viên.
Theo đó, đây là hình thức lừa đảo mới, đánh vào tâm lý lo lắng của phụ huynh học sinh với sức khỏe của con. Trước thông tin này, phụ huynh cần hết sức bình tĩnh, điện thoại xác minh lại với nhà trường. Đặc biệt, nếu trường hợp con nằm viện cấp cứu phía bệnh viện, nhà trường sẽ có thông báo trực tiếp với phụ huynh học sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!