Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 7.3, Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết hiện nay trên địa bàn TP.HCM xuất hiện một số đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông qua thủ đoạn mạo danh là giáo viên hoặc nhân viên bệnh viện liên hệ trực tiếp các phụ huynh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn, đang nhập viện cấp cứu, yêu cầu phải chuyển tiền nhanh để đóng viện phí.
Công an TP.HCM khuyến cáo, khi nhận thông tin về việc con, cháu mình bị tai nạn, người dân cần bình tĩnh, liên hệ cơ quan liên quan, trường học để kiểm chứng thông tin. "Trường hợp không có căn cứ rõ ràng (thông báo thu viện phí của cơ sở khám chữa bệnh - NV), người dân tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng để phòng ngừa việc bị đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản", Công an TP.HCM nhấn mạnh và lưu ý: khi bị đối tượng lừa đảo hoặc phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất (công an phường, xã, thị trấn, công an quận, huyện, TP.Thủ Đức) hoặc liên hệ trực ban Công an TP.HCM qua số điện thoại 069.3187.344; trực ban Phòng Cảnh sát hình sự qua số điện thoại 069.3187.200 để cung cấp thông tin, phối hợp công an nhanh chóng điều tra, xử lý.
Gọi lừa phụ huynh chuyển tiền vì có 'con đang cấp cứu' ở Bệnh viện Nhi đồng 1
Lừa đảo quá lộng hành!
Là một bạn đọc (BĐ) Thanh Niên, anh L.T.H.Minh chia sẻ: "Bọn lừa đảo bây giờ quá táo tợn, không còn nhân tính nữa. Chúng mang sinh mạng của con em người ta ra để lừa thì cha mẹ nào không hoảng hốt, bất ngờ và lo lắng. Rồi chỉ cần thiếu tỉnh táo một chút là sập bẫy của chúng ngay. Rất mong công an triệt phá nhanh các vụ này, để đem lại bình an cho mọi người".
BĐ N.L.Thanh chia sẻ thêm: "Trước đây tôi từng nhận được nhiều cuộc gọi lừa đảo kiểu: "Anh có bưu kiện sắp hết hạn, cần chuyển tiền để lãnh gấp", "tuyển cộng tác viên bán hàng online", "thông báo trúng thưởng…", "chị mua hàng online, anh đóng tiền nhận giúp cho chị"… Nhưng chuyện nói "con anh đang cấp cứu, phải mổ gấp, anh chuyển tiền ngay để mổ cho kịp" thì bây giờ mới thấy. Phải nói là quá sức tưởng tượng! Điều mà tôi lo lắng nhất là tại sao bọn chúng biết số điện thoại cá nhân của tôi, biết tên tôi, nơi làm việc, biết thông tin về gia đình tôi… Nghĩ mãi vẫn chưa ra "lộ" từ đâu".
"Tại sao bọn lừa đảo dám gọi điện thoại công khai, không che số điện thoại? Vì chúng sử dụng sim rác, sim không khai báo hồ sơ? Vì sao vẫn chưa xử lý triệt để sim rác?", BĐ Robin nêu vấn đề.
Gia đình và nhà trường cần gắn kết hơn
Nhiều BĐ khuyên nhau "cần hết sức cảnh giác với bọn lừa đảo". BĐ Hùng H. khuyên: "Nếu gặp trường hợp trên, bạn nên hết sức bình tĩnh và gọi cho giáo viên chủ nhiệm của con hoặc cho nhà trường để kiểm tra thông tin. Và bạn sẽ biết sự thật ngay. Nếu bạn không biết số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm hoặc nhà trường thì bạn quá thiếu sót rồi. Bạn phải tăng cường kết nối với nhà trường, vì còn nhiều vấn đề quan trọng khác nữa. Chuyện liên quan đến con em mình, bạn đừng lơ là như vậy. Khi đã kiểm tra, biết được sự thật, bạn nên báo cho công an, nhà trường biết, để những nơi này thông báo cho nhiều người biết, nhằm ngăn chặn bọn lừa đảo".
BĐ Uyen lưu ý: "Tuyệt đối không chuyển tiền cho bất kỳ ai mà mình không biết rõ. Nhất là những người cứ hối chuyển gấp, vì hầu hết là lừa đảo". Còn BĐ lananhle thì nhắc: "Bọn lừa đảo bây giờ có rất nhiều chiêu trò, bạn không tỉnh táo là coi chừng dính bẫy. Thay vì lên mạng đọc mấy cái vô bổ thì nên đọc các báo chính thống có những cảnh báo lừa đảo để biết mà phòng ngừa".
BĐ Phuc Nguyen kể: "Chiều nay ở Q.12, TP.HCM cũng có một ông suýt mất tiền cả trăm triệu cho bọn lừa đảo. May mắn cho ông ấy là khi vào ngân hàng chuyển khoản, vì khách đông nên không chuyển khoản nhanh được và ông này được khuyên nên cẩn thận. Đề nghị cần phải có khung hình phạt thật nặng đối với bọn lừa đảo như này, và cả bọn trộm cướp, cho vay nặng lãi... nữa".
Trong khi đó, nói về việc "phải chuyển tiền đóng viện phí trước thì mới được mổ", BĐ Nguyentri cho rằng: "Với các trường hợp cần mổ cấp cứu, bệnh viện sẽ ưu tiên cứu người bệnh thay vì chờ thanh toán viện phí. Do đó mọi người nên bình tĩnh, đừng hấp tấp mà bị lừa gạt". BĐ tranvanha.thcstanxuan kể: "Các y, bác sĩ luôn tận tâm cứu người. Tôi từng chứng kiến một bệnh nhi ở khoa Hồi sức Bệnh viện Nhi Đồng 1 bị bệnh rất nặng, không có tiền đóng viện phí, gia đình định xin về nhưng đội ngũ y bác sĩ vẫn hết lòng cứu chữa với tinh thần cứu người là trên hết".
Liên tiếp nhiều vụ lừa đảo 'chuyển tiền cấp cứu' hàng trăm triệu đồng