Sau khi Bộ VH-TT&DL thông báo về việc Chính phủ Trung Quốc đã đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt II (từ 15-3), nhiều doanh nghiệp du lịch đã khởi động, lên kịch bản để đón nguồn khách này quay trở lại.
Trong tháng 2-2023, Việt Nam đón khoảng 933.000 lượt khách nước ngoài, một mức cao kỷ lục kể từ đầu dịch COVID-19, trong đó khách du lịch Trung Quốc đạt 55.000 lượt, dù Việt Nam vẫn chưa được Trung Quốc đưa vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn.
Thời điểm thích hợp đón khách Trung Quốc
Từ ngày 8-1, Trung Quốc đã bắt đầu mở cửa cho người dân đi du lịch nhưng trong số 20 quốc gia Trung Quốc cho phép mở tour trở lại có 11 nước ở châu Á - Thái Bình Dương mà không có Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp du lịch thất vọng. Tuy vậy, khách làm ăn, thương mại, tự túc... từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng đã khá nhộn nhịp.
Phó tổng giám đốc một hãng hàng không trong nước cho biết từ sau tháng 1-2023 đến nay, vẫn có các chuyến bay charter giữa hai nước đưa các đoàn doanh nghiệp, thương nhân. Khách Trung Quốc thích biển xanh, cát trắng nên nhu cầu du lịch biển khá cao, những điểm đến của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu này đều hứa hẹn sự nhộn nhịp thời gian tới.
Dù Việt Nam đã mở cửa đón khách quốc tế trở lại từ hơn một năm nay, nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết thị trường nguồn của họ vẫn tập trung vào Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Việc từng thị trường được tháo gỡ các nút thắt sẽ cho doanh nghiệp hồi phục mảng quốc tế. Một số doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2023 là dựa trên sự kết nối trở lại thị trường Trung Quốc và tăng trưởng của thị trường Ấn Độ.
Ông Từ Quý Thành, tổng giám đốc Công ty Liên bang Travel, chuyên thị trường các nước nói tiếng Hoa, cho biết trong sáng 9-3, khi thông tin chính thức được các cơ quan chức năng hai nước xác nhận, nhiều doanh nghiệp rất vui mừng dù hai bên sẽ còn phải làm rõ các bước điều kiện kỹ thuật về thủ tục nhập cảnh, visa, khách nhóm thì đi ra sao...
"Mở cửa từ tháng 3 cũng là thời điểm phù hợp cho du lịch Việt Nam. Bởi muốn có khách đoàn nhiều phải bắt đầu từ mùa hè. Điều này đồng nghĩa các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch có khoảng hai tháng để lên kế hoạch đón khách giải quyết vấn đề thị trường, sản phẩm, giá cả...", ông Thành nhận định.
Ông Lại Minh Duy, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cho biết khách Trung Quốc đến các tỉnh phía Nam chủ yếu là khách đường hàng không và là nhóm khách hàng mà các công ty du lịch, lữ hành phía Nam nhắm đến. Từ khi mảng du lịch quốc tế hồi phục trở lại, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đều đầu tư sản phẩm để đón khách, kéo dài thời gian lưu trú cho khách khi đến thành phố.
"Chúng tôi vẫn xác định thành phố là điểm cửa ngõ để từ đây khách nối tiếp hành trình về các khu vực khác và dòng khách Trung Quốc cũng nằm trong cơ cấu này. Do đó, dòng khách Trung Quốc mà thành phố sẽ đẩy mạnh khai thác là khách thương nhân, các đoàn khách doanh nghiệp", ông Duy cho biết.
Sau 1-3 tháng sẽ nhộn nhịp
Ông Đào Trọng Tùng - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp lữ hành đón khách Trung Quốc tại Khánh Hòa - cho hay Khánh Hòa có kinh nghiệm đón khách Trung Quốc từ trước nên sẽ không gặp nhiều khó khăn khi đón nguồn khách này trở lại. Khánh Hòa có gần 1.150 cơ sở lưu trú với hơn 55.000 phòng cùng nhiều resort khách sạn 4-5 sao nên dù lượng khách Trung Quốc có quay trở lại đông như năm 2019 vẫn có thể đón được.
"Có ít chuyến bay thương mại từ Trung Quốc đến Khánh Hòa. Phần lớn là chuyến bay thuê bao. Tuy nhiên, các đơn vị đón chuyến bay thuê bao tại các thành phố Trung Quốc rất cố gắng làm hình ảnh, quảng bá du lịch Khánh Hòa đến với du khách Trung Quốc", ông Tùng nói và cho rằng ngành du lịch Khánh Hòa cần chú trọng đầu tư các sản phẩm dịch vụ ăn uống, thư giãn, điểm tham quan...
Ông Võ Quang Hoàng, chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Khánh Hòa, cũng cho biết các đơn vị du lịch và các khách sạn luôn trong tâm thế sẵn sàng đón khách, trong đó có du khách Trung Quốc.
Thời gian qua nhiều khách sạn đã tự giác sơn sửa, bảo dưỡng và đăng ký thẩm định lại sao. "Nếu sự ổn định về nguồn khách quốc tế kéo dài khoảng một tháng, các đơn vị làm du lịch Khánh Hòa đều vận hành trở lại hoàn toàn", ông Hoàng nói.
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Kỳ Nghỉ Đà Nẵng (đơn vị chuyên đón khách Trung Quốc), ngày 15-3 là mốc mở cửa đón khách đoàn Trung Quốc sang, nhưng để đoàn qua đông và ổn định cần phải có thời gian khoảng 1-3 tháng sau. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị để không bị động. "Phía Việt Nam cũng nên tháo rào cản về thị thực cho khách Trung Quốc", vị này cho biết
Bà Đỗ Thị Vân Anh - giám đốc Công ty TNHH Khang Thái Vietnam Travel - cho hay đơn vị đã làm việc với đối tác Trung Quốc, dự kiến 26-3 và đầu tháng 4 sẽ đón một vài chuyến bay từ Trung Quốc sang, lịch trình tour du lịch cho du khách vẫn không thay đổi, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị tốt về chất lượng dịch vụ để đón khách Trung Quốc quay trở lại.
Chẳng hạn, phần quảng bá du lịch nên có tiếng Trung để dễ dàng truyền tải thông điệp hơn và đặc biệt là phải có lực lượng hướng dẫn viên tiếng Trung để đáp ứng nhu cầu đón khách. "Ngoài ra đặc thù khách Trung đi theo đoàn đông và họ khá "ồn ào" có thể gây ảnh hưởng đến các du khách khác. Vì vậy địa phương, doanh nghiệp cần phải bàn luận đưa ra phương án điều tiết giao thông, đảm bảo môi trường du lịch khi đón khách Trung", bà Vân Anh nói.
Khánh Hòa: khách Trung Quốc chiếm 70% lượng khách quốc tế
Theo số liệu Sở Du lịch Khánh Hòa, vào năm 2019 - trước khi dịch COVID-19 xảy ra, Khánh Hòa đón hơn 2,5 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm hơn 70% lượng khách quốc tế của tỉnh. Sau thời gian bị tạm hoãn do dịch bệnh, đầu năm 2023, Khánh Hòa đã đón một số chuyến bay charter từ Trung Quốc đến Việt Nam nhưng khách du lịch không nhiều.
Việc Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn sẽ tạo động lực khôi phục thị trường du lịch "màu mỡ" này. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa - cho biết phương án đón khách Trung Quốc đã được ngành du lịch chuẩn bị từ lâu. Ngành du lịch địa phương này cũng đã có kế hoạch xúc tiến thị trường khách Trung Quốc trong năm 2023.
Tuy nhiên, mọi nguồn khách đều quan trọng, quan điểm của ngành du lịch là đa dạng thị trường khách quốc tế, và kế hoạch xúc tiến các thị trường được thực hiện theo đúng lộ trình đã đề ra.
Về vấn đề xe du lịch trên 29 chỗ được vào trung tâm thành phố giờ cao điểm phải có phù hiệu xe du lịch, theo bà Thanh, sở sẽ mở hai lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho lái xe, nhân viên phục vụ trên ô tô vận tải khách du lịch và phương tiện đường thủy nội địa từ ngày 13 đến 18-3. Bên cạnh đó sẽ mở các lớp đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân viên du lịch.
M.CHIẾN
Mỹ, Úc bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 với du khách Trung Quốc
Theo tờ Washington Post, Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ dỡ bỏ các yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với du khách Trung Quốc từ ngày 10-3, sau khi số ca mắc bệnh, nhập viện và tử vong do COVID-19 ở Trung Quốc đang giảm.
Trước đó, từ ngày 5-1, Mỹ đã công bố các biện pháp hạn chế đối với du khách từ Trung Quốc sau khi Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Theo đó, du khách từ Trung Quốc, Hong Kong và Macau (Trung Quốc) phải xét nghiệm hai ngày trước khi khởi hành đến Mỹ và cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay.
Úc cũng vừa thông báo sẽ bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành đối với du khách đến từ Trung Quốc, Hong Kong và Macau từ nửa đêm 11-3. Hàn Quốc áp dụng từ 12-3 trong khi Nhật đã thực hiện từ tuần trước.
UYÊN PHƯƠNG
Việt Nam coi trọng hợp tác du lịch với Trung Quốc
Ngày 9-3, trong họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, khi được hỏi về thông tin Trung Quốc sắp nối lại khách đoàn đến Việt Nam, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết du lịch là một lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước.
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc là quốc gia có lượng khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác du lịch hàng đầu của Trung Quốc trong khu vực.
"Trong thời gian qua, chúng tôi đã duy trì trao đổi chặt chẽ với Trung Quốc về việc thúc đẩy hợp tác du lịch, trong đó có du lịch theo đoàn", bà Hằng nói và cho biết Việt Nam mong muốn hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để cùng nhau thúc đẩy du lịch hai nước sớm phục hồi và phát triển lành mạnh vì lợi ích của hai bên và đáp ứng nhu cầu của người dân hai nước.
Cũng tại họp báo, đại diện Bộ Ngoại giao đã lên tiếng hoan nghênh Nga xem xét việc đơn giản hóa thị thực cho công dân Việt Nam.
DUY LINH - THANH HIỀN
Tin vui về việc đón khách Trung Quốc được bà Nguyễn Phương Hòa - cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - xác nhận với Tuổi Trẻ Online tối 8-3.
Xem thêm: mth.9331528001303202-couq-gnurt-naod-hcahk-nod-gnas-nas/nv.ertiout