Hơn 2 năm về trước, hai nhà nghiên cứu của Google đã thúc đẩy tập đoàn này phát hành một chatbot được xây dựng dựa trên công nghệ hiện đại nhất lúc bấy giờ. Nó có thể tự tin tranh luận về triết học, tán gẫu về các chương trình truyền hình yêu thích và thậm chí là chơi chữ.
Hai nhà nghiên cứu, Daniel De Freitas và Noam Shazeer, cho biết các chatbot được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo này sẽ có thể cách mạng hóa cách con người tìm kiếm và tương tác máy tính, vậy nên Google cần sớm tích hợp nó vào trợ lý ảo Google Assistant và ra mắt bản demo công khai.
Tuy nhiên, các Giám đốc điều hành Google khi đó không cùng chung tầm nhìn với họ. Ai nấy đều cho rằng chương trình này không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về an toàn và công bằng AI.
Daniel De Freitas và Noam Shazeer sau đó quyết định nghỉ việc vào năm 2021 để thành lập công ty riêng chuyên nghiên cứu công nghệ. Họ nói với các đồng nghiệp cũ rằng bản thân rất thất vọng vì không thể giới thiệu công cụ AI của mình tại Google ra công chúng.
Giờ đây, Google có lẽ đã hối hận với cách tiếp cận thận trọng của mình. Nó lặng lẽ nhìn đối thủ của mình là Microsoft công bố kế hoạch kết hợp công cụ tìm kiếm Bing với công nghệ đằng sau ChatGPT - thứ đã khiến cả thế giới kinh ngạc với khả năng trò chuyện hệt như con người. Sinh ra từ một startup 7 năm tuổi có tên OpenAI, ChatGPT được phát triển dựa trên chính những tiến bộ ban đầu mà Google tạo ra.
Nhiều tháng sau khi ChatGPT ra mắt, Google rục rịch phát triển chatbot của riêng mình dựa trên công nghệ mà De Freitas và Shazeer đã nghiên cứu trước đó. Nó được đặt tên là Bard - một công cụ có thể trò chuyện và giao tiếp tương tự ChatGPT. Một ảnh chụp màn hình cho thấy người dùng còn có thể hỏi Bard các câu hỏi như cách cho trẻ em tắm hoặc loại thực phẩm nào nên ăn vào bữa trưa.
Cách tiếp cận thận trọng của Google được hình thành sau nhiều năm AI gây tranh cãi. Bản thân các Giám đốc điều hành rất cảnh giác với những rủi ro mà bản demo sản phẩm mang lại, chẳng hạn như ảnh hưởng tới danh tiếng. Ngoài ra, tập đoàn này cũng sợ ‘tự bắn vào chân mình’ bởi trong chatbot nói riêng hay khái niệm ‘dịch vụ hội thoại’ nói chung, điều cấm kỵ nhất là quảng cáo - lĩnh vực đem lại nguồn thu chính cho Google.
“Google đang vật lộn để tìm sự cân bằng giữa mức độ rủi ro và tham vọng duy trì vị thế dẫn đầu trên thế giới”, Gaurav Nemade, cựu Giám đốc sản phẩm của Google, nhận định.
Theo đại diện phát ngôn Google, luôn có một khoảng cách lớn giữa nguyên mẫu nghiên cứu và sản phẩm đáng tin cậy, an toàn cho mọi người dùng. Google khẳng định cần suy nghĩ thấu đáo hơn các startup nhỏ khi phát hành công nghệ AI.
“Đây sẽ là một hành trình dài — cho tất cả mọi người, trên toàn lĩnh vực”, Sundar Pichai, CEO Google nói. “Điều quan trọng nhất Google có thể làm ngay bây giờ là tập trung xây dựng một sản phẩm tuyệt vời và phát triển nó một cách có trách nhiệm”.
Nỗ lực đối với chatbot của Google bắt đầu từ năm 2013, khi người đồng sáng lập Larry Page thuê kỹ sư khoa học máy tính Ray Kurzweil để truyền bá tư tưởng rằng một ngày nào đó máy móc sẽ vượt qua trí thông minh của con người. Google sau đó cũng mua lại DeepMind - một công ty chuyên về trí tuệ nhân tạo.
Hồi năm 2018, Google tuyên bố không sử dụng công nghệ AI vào lĩnh vực vũ khí quân sự. Động thái trên được đưa ra sau khi bản hợp đồng giữa Google và Bộ Quốc phòng Mỹ bị chỉ trích dữ dội. Nó có tên Project Maven, giúp Google có thể tự động xác định và theo dõi các mục tiêu máy bay không người lái.
Tập đoàn này sau đó hủy bỏ dự án. Ông Pichai cũng công bố bộ 7 quy tắc nhằm hạn chế rủi ro xoay quanh công cụ AI, trong đó có việc yêu cầu chúng phải chịu trách nhiệm trước người dùng.
Vào thời điểm đó, kỹ sư De Freitas bắt đầu ấp ủ dự án về AI. Ông tham vọng có thể xây dựng thành công một chatbot có thể bắt chước con người trò chuyện - thứ đột phá hơn bất kỳ sáng kiến nào trước đây.
Trong nhiều năm, dự án này, ban đầu có tên Meena, luôn được giữ bí mật, phần vì Google quan ngại rủi ro của các chatbot. Trước đó, Microsoft đã buộc phải chấm dứt phát hành một chatbot có tên Tay vào năm 2016 vì sự cố kỹ thuật.
Mãi đến năm 2020, những thông tin đầu tiên về Meena mới được tiết lộ. Nhóm kỹ sư đứng đằng sau Meena cũng muốn sớm phát hành, ngay cả khi chỉ ở định dạng hạn chế. Tuy nhiên, lãnh đạo Google lại từ chối đề xuất với lý do chatbot không đáp ứng đủ các quy tắc về an toàn và công bằng.
Dẫu vậy, dự án vẫn tiếp tục trong âm thầm. Ông Shazeer, kỹ sư phần mềm lâu năm tại đơn vị nghiên cứu AI Google Brain, bắt đầu tham gia nhóm phát triển, đổi tên nó thành LaMDA (Language Model for Dialog Applications) và tích hợp bên trong nhiều dữ liệu và tính năng mới. Shazeer cũng có công phát triển Transformer - một loại mô hình AI mới được cho là có thể hỗ trợ các chương trình đứng đằng sau chatbot.
Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Google, Jeff Dean, đã nỗ lực nâng đỡ quá trình phát triển AI có trách nhiệm. Hồi tháng 5/2021, công ty cam kết tăng gấp đôi quy mô nhóm kỹ sư, đồng thời hỗ trợ giúp chatbot trở nên chính xác hơn, ít rủi ro hơn.
“Ưu tiên cao nhất của chúng tôi, khi tạo ra các công nghệ như LaMDA, là giúp chúng giảm tối đa rủi ro”, hai phó Chủ tịch Google cho biết trong một bài đăng trên blog.
Từ năm 2020, De Freitas và Shazeer tìm cách tích hợp LaMDA vào Google Assistant - một ứng dụng ra mắt 4 năm trước đó trên điện thoại thông minh Pixel và hệ thống loa gia đình. Hơn 500 triệu người đang sử dụng Assistant mỗi tháng để thực hiện các tác vụ cơ bản như kiểm tra thời tiết và lên lịch các cuộc hẹn.
Tuy nhiên, lãnh đạo Google sau đó quyết định ngừng cung cấp chatbot dưới dạng bản demo công khai. Việc Google miễn cưỡng phát hành LaMDA ra công chúng khiến De Freitas và Shazeer thất vọng. Đích thân CEO Pichai đã can thiệp, yêu cầu cặp đôi ở lại và tiếp tục nghiên cứu LaMDA song không hề hứa sẽ phát hành chatbot ra công chúng. Kết quả, 2 vị kỹ sư đã rời đi vào cuối năm 2021.
“Nó đã gây ra một chút xáo trộn bên trong Google,” ông Shazeer. “Chúng tôi nghĩ có lẽ mình sẽ may mắn hơn nếu tung ra chatbot khi là một công ty khởi nghiệp”.
Mới đây nhất, “cơn sốt” Chat GPT khiến Google giật mình. Nó vội cho thử nghiệm Bard, đồng thời đầu tư khoảng 300 triệu USD vào công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo Anthropic nhằm cố gắng khẳng định vị thế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
“Bard sẽ là chỉ dấu cho sự sáng tạo, là bệ đỡ cho ham muốn hiểu biết. Nó giúp bạn giải thích cho một đứa trẻ 9 tuổi các khám phá mới của kính Thiên Văn James Webb và sau đó tự rèn luyện kỹ năng của riêng chúng”, CEO Google, ông Sundar Pichai nói.
Theo thỏa thuận, Google sẽ nắm giữ khoảng 10% cổ phần và đầu tư tài chính cho Anthropic. Động lực một phần đến từ việc các công ty công nghệ lớn cần quyền truy cập nền tảng điện toán đám mây để xử lý các mô hình AI khổng lồ do các nhóm như Anthropic phát triển.
Theo các chuyên gia, việc Google đưa điện toán sử dụng nhiều dữ liệu của Anthropic tới các trung tâm dữ liệu là nhằm bắt kịp Microsoft - tập đoàn cho đến nay đã đạt quá nhiều bước tiến trên thị trường AI bùng nổ nhờ đầu tư vào OpenAI. Google cũng đang làm việc với các công ty khởi nghiệp khác như Cohere và C3 để cố gắng cải thiện chỗ đứng trong làng trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng sự đột phá của AI có thể làm lung lay vị thế “vua tìm kiếm” của Google.
“Câu hỏi lớn nhất là liệu Google có tiếp tục dẫn đầu mảng tìm kiếm hay không khi biến AI trở thành trọng tâm phát triển mới. Lần đầu tiên sau 15 năm, Google phải đối mặt với một thách thức thực sự. Đây cũng là lần đầu tiên họ chậm một bước so với nhịp phát triển chung của thị trường”, Matt Naeger, Giám đốc chiến lược và tiếp thị tại Merkle, cho biết.
Có ý kiến cũng cho rằng việc vội vàng thông báo cho người dùng về một sản phẩm chưa ra mắt rộng rãi như Bard là dấu hiệu cho thấy tình trạng khẩn cấp ở mức “báo động đỏ” tại Google. Rõ ràng công ty này vẫn chưa có kế hoạch cụ thể ra mắt Bard trong tương lai gần, song sự xuất hiện và phổ biến rộng rãi của ChatGPT đã buộc Google phải thay đổi cách tiếp cận.
“Những công ty khổng lồ ở Thung lũng Silicon như Google và Meta đang lo ngại về sự phát triển của ChatGPT. 80% doanh thu Alphabet trong năm 2021 đến từ quảng cáo Google và khi mức độ phổ biến của ChatGPT tăng theo cấp số nhân, nó có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận”, Manish Sinha, CMO của nhà sản xuất cáp quang STL, cho biết.
Dẫu vậy, với vị thế hiện tại, khả năng Google bị đánh bại được cho là tương đối nhỏ. Hơn nữa, nếu thành công với Bard, gã khổng lồ này sẽ càng có thêm nhiều sức mạnh cạnh tranh trong cuộc đua AI.
Theo: WSJ, Bloomberg