Ngày 9-3, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov tuyên bố rằng Nga không liên quan đến dự luật đại diện nước ngoài của Georgia vốn đã gây ra các cuộc biểu tình ở nước này.
Người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov. Ảnh: TASS |
“Điện Kremlin không truyền cảm hứng cho bất cứ điều gì và hoàn toàn không liên quan gì đến việc này” – hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Peskov nói với các phóng viên.
Ông Peskov cho rằng Mỹ là quốc gia tiên phong trong những luật như vậy. “Nếu chúng ta hiểu đúng, một trong những phiên bản dự luật (của Georgia) thực ra rất giống luật của Mỹ về vấn đề này. Phiên bản sau không giống với luật của Mỹ cho lắm và nhẹ nhàng hơn nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi chắc chắn không có liên quan đến chúng” - ông Peskov nêu rõ.
Ông nói thêm rằng tình trạng bất ổn ở Georgia là đáng lo ngại. “Dù sao đây cũng là quốc gia láng giềng của chúng tôi, và mặc dù chúng tôi không thực sự duy trì quan hệ với Georgia, nhưng chúng tôi chắc chắn lo ngại về tình hình ở đó. Điều chắc chắn quan trọng đối với chúng tôi là sự bình yên ở biên giới và tất nhiên, tình hình hiện tại chưa được mong muốn” - ông lưu ý.
Sau khi hàng ngàn người biểu tình xuống đường phản đối dự luật - vốn yêu cầu các tổ chức nhận tiền từ nước ngoài phải đăng ký hoạt động như đại diện nước ngoài, ngày 9-3, đảng Giấc mơ Georgia cầm quyền ở nước này cuối cùng quyết định rút dự luật vô điều kiện khỏi Quốc hội nhằm giảm sự đối đầu trong xã hội.
Các quan chức chính phủ trước đó cho rằng dự luật cần thiết để loại trừ ảnh hưởng và gián điệp nước ngoài khỏi chính trường Georgia. Theo họ, người dân Georgia có quyền biết ai tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại nước này, theo hãng tin Reuters.
Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng dự luật mở đường cho các biện pháp mạnh tay của chính quyền với các ý kiến đối lập. Liên minh châu Âu (EU) đã phê phán dự luật và cảnh báo nếu được thông qua, nó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa Georgia và khối này.
Các ý kiến chỉ trích thì cho rằng dự luật có thể tác động tiêu cực đến triển vọng gia nhập EU của quốc gia từng nằm trong thành phần của Liên bang Xô viết trước đây.