Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (chương trình EPS) đợt 1 tạm dừng tuyển chọn lao động Hàn Quốc đối với 8 thành phố, thị xã và huyện ở 4 tỉnh.
Vì sao tạm dừng tuyển người sang Hàn Quốc?
Theo đó, các địa phương trong danh sách gồm hai huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), TP Chí Linh (Hải Dương), các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa (Thanh Hóa) và thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu việc tạm dừng tuyển chọn lao động tại một số địa phương căn cứ theo Bản ghi nhớ về chương trình EPS và mục tiêu, lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp giai đoạn 2020 - 2022.
Qua đó, các địa phương bị tạm dừng tuyển có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.
Việc tạm dừng tuyển chọn không áp dụng đối với lao động đăng ký dự tuyển ngành ngư nghiệp, người làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước đúng thời hạn và người lao động cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong khoảng thời gian miễn xử phạt.
Hạn chế số người làm việc bất hợp pháp
Theo ông Nguyễn Gia Liêm - phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), những người lao động phá bỏ hợp đồng rồi cư trú bất hợp pháp ở lại Hàn Quốc đa phần vì lợi ích cá nhân. Việc này đồng thời tước đi cơ hội của các thanh niên khác muốn đi làm việc tại Hàn Quốc.
"Người lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc sẽ không được cơ quan pháp luật bảo vệ khi có các vấn đề xảy ra. Với những vấn đề phát sinh như khi bị người sử dụng lao động đối xử không tốt hoặc không được trả lương, những người này sẽ không được cơ quan chức năng can thiệp, hỗ trợ.
Đồng thời, khi làm cư trú, làm việc bất hợp pháp, người lao động lúc nào cũng lo sợ bị cảnh sát bắt giữ, trục xuất hoặc có thể bị bắt giam, bị phạt.
Qua thực tế, chúng tôi thấy nhiều trường hợp rất đau xót. Họ bị những người sử dụng lao động đối xử rất tệ mà không dám nói hoặc không có ai đứng ra bảo vệ.
Cơ quan chức năng luôn khuyên người lao động nên đi theo chương trình chính thống của Hàn Quốc tổ chức. Hàn Quốc đã có những chính sách rất cởi mở dành cho những người lao động chấp hành đúng hợp đồng cũng như pháp luật", ông Liêm nói.
Cũng theo ông Liêm, cơ quan chức năng đã đề ra nhiều giải pháp hạn chế tình trạng này như tuyển chọn, đào tạo lao động thật kỹ trước khi đi Hàn Quốc. Người lao động ở nước sở tại được hỗ trợ đầy đủ, kịp thời để yên tâm làm việc.
Bên cạnh đó, người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng để đảm bảo việc thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn. Song song đó, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân không cư trú ở lại nước ngoài trái pháp luật.
Chiều 13-2, TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử đường dây tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép dưới “vỏ bọc” chuyên gia.
Xem thêm: mth.94720911101303202-hnit-nob-o-couq-nah-id-gnod-oal-neyut-gnud-mat/nv.ertiout