Chị Nguyễn Thị Kim Xuyến (37 tuổi, ngụ ấp 5, xã Tam An, huyện Long Thành, Đồng Nai) cho biết trong lúc vợ chồng chị đi vắng, một nhóm khoảng 6-7 người đưa xe cuốc đến cưỡng chế, đập phá cổng, tường rào nhà chị. Khi hàng xóm báo tin, gia đình chị chạy về thì bờ tường đã sập.
Đập nhà dù không có quyết định cưỡng chế
Kể lại sự việc, chị Xuyến nói vụ việc chính quyền tổ chức cưỡng chế nhà chị khoảng 14h ngày 6-3.
"Khi tôi về hỏi có quyết định cưỡng chế hay không thì không ai trả lời. Vì vậy tôi tới đứng trước đầu xe cuốc ngăn chặn nhưng bị nói là chống người thi hành công vụ, rồi có 2-3 người đưa tôi ra cho xe cuốc làm tiếp", chị Xuyến nói.
Sau đó, chồng chị Xuyến về tới hỏi nhóm người trên nguyên nhân cưỡng chế nhà mình nhưng vẫn không nhận được câu trả lời, sau đó họ lên xe rời đi.
"Họ đập nhà rồi mới bắt tôi ký vào đơn tự ý tháo dỡ, không có quyết định cưỡng chế hay văn bản gì hết", chị Xuyến nói thêm.
Đến ngày 9-3, vợ chồng chị Xuyến lần lượt lên xã nộp đơn khiếu nại. Cán bộ xã hướng dẫn nộp đơn ở bộ phận một cửa, sau đó có người kêu lên lấy đơn về.
Theo chị Xuyến, căn nhà gỗ bên trong và cổng nhà được xây dựng vào khoảng tháng 3-2022 trên đất trồng cây lâu năm, mua lại của nhóm người phân lô, bán nền. Lúc đó có địa chính xã tới lập biên bản nhưng không xử phạt.
Chị thắc mắc: "Nếu tháo dỡ thì làm từ lúc đó, chứ sao đến bây giờ mới làm? Trong khi tôi chưa nhận được bất kỳ quyết định cưỡng chế nào từ chính quyền trước đó, tại sao lúc vợ chồng tôi vắng nhà lại cho xe cuốc phá nhà như vậy?".
Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Lê Văn Tiếp, chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết: "Xã Tam An hoàn toàn không báo cho huyện phương án cưỡng chế vụ việc trên. Huyện sẽ cho kiểm tra lại".
Do chủ nhà vắng mặt?
Giải thích vì sao đưa lực lượng cưỡng chế mà người bị cưỡng chế không được biết và lãnh đạo UBND huyện cũng không biết, ông Phạm Văn Út, phó chủ tịch UBND xã Tam An, nói: "Do tình trạng xây dựng trái phép nên xã phải chấn chỉnh và xử lý theo thẩm quyền nên không báo cho UBND huyện. Ngoài căn nhà của chị Xuyến, chiều 6-3 lực lượng chức năng xã còn phá dỡ một căn nhà khác gần đó".
Ông Út cho biết qua kiểm tra, tổ kiểm tra xây dựng của xã Tam An phát hiện tại thửa đất số 210, tờ bản đồ số 32 (ấp 5, xã Tam An) của gia đình chị Xuyến là công trình nhà gỗ xây dựng trái phép với diện tích khoảng 100m2, kết cấu khung cột, kèo cây, xây dựng trong những ngày nghỉ.
Tuy nhiên, lúc kiểm tra chủ đất vắng mặt, nhiều lần liên hệ chủ đất đều không được. Do vậy, xã đã dán thông báo nhiều lần trước công trình này yêu cầu chủ nhà đến UBND xã Tam An làm việc và tự ý tháo dỡ công trình.
Trường hợp chủ căn nhà không đến làm việc và tự ý tháo dỡ công trình thì xã sẽ tổ chức tháo dỡ để khắc phục hậu quả nhanh, nhằm đảm bảo công tác quản lý trật tự xây dựng và ngăn chặn hành vi xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp.
Không ủng hộ việc xây dựng trái phép nhưng cách chính quyền đưa xe cuốc đập tường nhà khi vắng chủ rồi rút đi có hợp lý và có phản cảm không? Ông Út nói: "Khu vực ấp 5 là "điểm nóng" về xây dựng trái phép mà huyện yêu cầu phải xử lý, chấn chỉnh.
Vì vậy, để xử lý nhanh các vi phạm, xã đã thành lập đoàn tháo dỡ nhanh với nhiều thành phần tham gia. Những vụ cưỡng chế, tháo dỡ nhanh không có quyết định cưỡng chế và xã không thông báo cho huyện biết. Riêng vụ việc nhà chị Xuyến, nếu gia đình chủ động xuất hiện thì đã không xảy ra sự việc đáng tiếc trên".
Phải có quyết định cưỡng chế, tháo dỡ
Nói về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Thành Huân (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết việc cưỡng chế, xử lý công trình vắng chủ trên thực tế khá phức tạp, để tránh những phiền toái và thực hiện đúng tinh thần của pháp luật, cần phải thận trọng khi xử lý.
Theo điểm a, khoản 2, điều 118 Luật xây dựng quy định đối với trường hợp công trình thuộc diện phải có quyết định phá dỡ, cưỡng chế phá dỡ thì phải có quyết định phá dỡ hoặc quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng. Trong vòng 7 ngày từ khi lập biên bản, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải gửi quyết định xử lý vi phạm hành chính cho người vi phạm.
Nếu người vi phạm không chấp hành thì ra quyết định cưỡng chế phá dỡ hoặc quyết định phá dỡ. "Nên trong trường hợp này, UBND xã chỉ lập biên bản nhưng không ra bất kỳ quyết định nào là chưa đúng quy định", luật sư Huân nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư Huân, căn cứ khoản 1, khoản 2 điều 95 Luật nhà ở 2014, trong trường hợp chủ nhà không tự nguyện phá dỡ công trình thuộc thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của UBND cấp huyện, hoặc sở xây dựng thì thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thuộc về chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh. Do đó, UBND xã "xác nhận việc xử lý xây dựng không phép theo kế hoạch của xã nên không báo cho huyện về phương án cưỡng chế, đập nhà" mà tự ý thực hiện cưỡng chế là trái thẩm quyền.
Trong quá trình phá dỡ tài sản không bị tháo dỡ sẽ phải được kiểm kê công khai và niêm phong, nếu không thực hiện hoặc bỏ sót quy trình này khiến tài sản không thuộc diện phá dỡ của chủ nhà bị mất, thất thoát thì người ra quyết định cưỡng chế đó chịu trách nhiệm bồi thường.
Trong trường hợp chính quyền đã áp dụng đúng trình tự, thủ tục, các quyết định cưỡng chế ban hành đúng thẩm quyền mà chủ nhà cố tình tránh mặt thì sau thời gian theo quy định (trong quyết định cưỡng chế) thì cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành các hoạt động phá dỡ mà không cần sự có mặt, đồng ý của chủ nhà…
Chủ biệt thự không chịu tháo dỡ hoàn toàn vì 'không tìm ra thợ'. Ngày 20-2, UBND TP Quảng Ngãi đã ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 'biệt phủ' xây dựng trái phép trên đất lúa.
Xem thêm: mth.64865036101303202-ehc-gnouc-hnid-teyuq-oc-auhc-ihk-ahn-ehc-gnouc-coud/nv.ertiout