Giá nhiên liệu tăng cao và sự khắt khe về tiêu chuẩn khí thải đang thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô tìm giải pháp mới để phát triển các loại động cơ hoạt động hiệu quả hơn. Xu hướng này giúp động cơ "chấm nhỏ" ngày một thịnh hành, đẩy động cơ "chấm lớn" lui dần vào quên lãng.
Thị trường Việt Nam không phải ngoại lệ. Cách đây chừng 10 năm, người tiêu dùng nghe nhiều về động cơ 2.5L, 3.0L hay 3.5L, nhưng giờ đây, nhóm xe phổ thông chủ yếu sử dụng động cơ dung tích dưới 2.5L.
"Chấm nhỏ" nhưng công suất lớn
Ví dụ điển hình là Honda CR-V. Năm 2018, những người mong chờ Honda CR-V thế hệ thứ 5 cảm thấy thất vọng khi xe phân phối tại Việt Nam không còn tùy chọn động cơ 2.0L và 2.4L, mà thay thế bằng động cơ 1.5L tăng áp. Nhưng xét về mặt thông số, động cơ 1.5L tăng áp cho công suất 188 mã lực, ngang bằng động cơ 2.4L hút khí tự nhiên (188 mã lực) và cao hơn động cơ 2.0L hút khí tự nhiên (153 mã lực), trong khi lượng nhiên liệu tiêu thụ lại thấp hơn.
Mitsubishi Xpander, mẫu MPV 7 chỗ ngồi, từng bị hoài nghi về khả năng vận hành vì sử dụng động cơ 1.5L. Thế nhưng, mẫu xe này vẫn được khách hàng Việt Nam đón nhận, liên tục nằm trong top đầu bảng xếp hạng xe bán chạy.
Với một mẫu xe thiên hướng thực dụng như Xpander, động cơ "chấm lớn" rõ ràng không phù hợp. Theo giới chuyên gia, khách hàng Việt Nam thường có xu hướng chọn một động cơ đủ dùng và ít tiêu hao nhiên liệu.
Xe "chấm nhỏ" ngày càng phổ biến
Thời gian gần đây, thị trường dần phổ biến loại động cơ 1.0L tăng áp (dung tích nhỏ nhất trên thị trường ô tô Việt Nam) có sức mạnh tương đương động cơ 1.5L hút khí tự nhiên.
Ford là hãng xe tiên phong phân phối động cơ này tại Việt Nam trên Fiesta và EcoSport. Đáng chú ý, động cơ 1.0L tăng áp chỉ có ở bản cao cấp nhất của Fiesta và EcoSport, trong khi bản thấp dùng động cơ 1.5L hút khí tự nhiên. Lý do là bởi động cơ 1.0L tăng áp cho khả năng vận hành ấn tượng, vượt trội về mô men xoắn và tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Năm 2021, thị trường Việt Nam đón nhận thêm hai mẫu xe sử dụng loại động cơ này, đó là Nissan Almera và Toyota Raize.
Sử dụng thực tế Nissan Almera, người dùng Phương Duy (Quảng Ninh), đánh giá: "Thời điểm xe vừa ra mắt, rất nhiều người định kiến máy 1.0L tăng áp yếu. Nghe máy ‘chấm nhỏ’ thì yếu thế thôi, nhưng vận hành thực tế vô cùng ổn, và đặc biệt là tiêu hao ít nhiên liệu".
"Nissan Almera chạy rất thoát xe, không ù lì. Mỗi lần cần tăng tốc thì đạp ga là tăng tốc. Đặc biệt là thời điểm bộ tăng áp hoạt động, xe rất bốc và lướt. Vận hành ở tốc độ 120km/h mà động cơ vẫn có thể lên nữa dễ dàng. Tôi hay đi trong nội thành thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), mỗi ngày 25-30km, mức tiêu hao trung bình chỉ rơi vào khoảng 5 lít/100km", anh nói.
Xét về thông số, công suất cực đại của Nissan Almera chỉ 99 mã lực, khá lép vế so với Vios và City, lần lượt 107 và 119 mã lực. Tuy nhiên, để đạt được công suất cực đại, Nissan Almera khá nhanh nhẹn và thanh thoát khi động cơ chỉ cần chạm ngưỡng vòng tua máy 5.000 vòng/phút.
Honda City và Toyota Vios cần nhiều thời gian hơn để động cơ có được công suất đạt cực đại, ngưỡng 6.000 vòng/phút. Nghĩa là, để tăng tốc thoát đi cũng như khả năng vận hành trong phố linh hoạt, nhìn chung Nissan Almera không hề lép vế.
Bên cạnh đó, thông số về mô men xoắn cũng quyết định đến khả năng sức kéo của động cơ, đó là phản ứng mệnh lệnh của người lái thông qua bàn đạp chân ga và phản hồi từ động cơ là yếu tố không nên bỏ qua.
Nếu Nissan Almera với mô men xoắn cực đại 152-160 Nm tùy phiên bản AT, MT tại dải tua 2.400-4.000 vòng/phút, thì Vios với mô men xoắn cực đạt 140 Nm tại 4.200 vòng/phút mới có thể đạt đến mức cực đại, Honda City có mô men xoắn cực đại chỉ 145 Nm tại 4.300 vòng/phút. Như vậy, mô men xoắn cực đại của Almera cao hơn City và Vios cũng như đạt mức cực đại sớm hơn.
Sau khi phân tích đầy đủ các thông số cấu thành nên tính linh hoạt trong vận hành của từng mẫu xe, có thể thấy rằng, Nissan Almera tuy trang bị động cơ dung tích xy lanh nhỏ, nhưng không hề lép vế và yếu đuối khi xét về khía cạnh vận hành một cách đầy đủ nhất.
Động cơ "chấm nhỏ" tiết kiệm nhiên liệu hơn là điều không phải bàn cãi. Nissan Almera "ăn" ít xăng hơn ở cả 3 điều kiện vận hành (trong đô thị, ngoài đô thị và kết hợp) so với Vios và City, đặc biệt là điều kiện trong đô thị.
Cụ thể, Almera CVT cao cấp "ăn" 6,36 lít/100km, Toyota Vios G CVT "ăn" 7,83 lít/100km và Honda City "ăn" 7,29 lít/100km.
Qua đó có thể kết luận, số "chấm" động cơ không hẳn là con số quyết định tất cả về khả năng vận hành mạnh hay yếu. Nó còn phụ thuộc vào yếu tố cấu thành nên, như công suất cực đại, mô men xoắn cực đại, vòng tua động cơ để đạt cực đại...
Các hãng ô tô có đủ năng lực để sản xuất ra nhiều cỡ động cơ khác nhau, nhưng còn phụ thuộc mẫu xe đó dùng vào việc gì, khách hàng mục tiêu là ai để trang bị loại động cơ phù hợp.
Là "xe điện chạy xăng", Nissan Kicks mang nhiều tham vọng của hãng xe Nhật Bản, tuy nhiên cần thêm thời gian để thuyết phục số đông khách hàng Việt Nam.
Xem thêm: mth.71551221101303202-man-teiv-o-toh-teh-auhc-nav-ohn-mahc-oc-gnod-gnud-ex/nv.ertiout