Chiều 10-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính - trưởng Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia - chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo, đánh giá kết quả công tác năm 2022 và thảo luận nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Dự phiên họp có Đại tướng Phan Văn Giang - bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn còn một số tồn tại, hạn chế cần rút kinh nghiệm và khẩn trương khắc phục.
Ông chỉ ra, nhận thức về công tác này có nơi, có lúc còn chưa ngang tầm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chưa đáp ứng được yêu cầu; xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho phòng thủ dân sự còn hạn chế.
Công tác dự báo, cảnh báo còn hạn chế; thông tin, tuyên truyền ở một số địa phương chưa đến được người dân, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biển đảo xa bờ.
Phương án ứng phó với từng loại thảm họa, sự cố có nơi xây dựng chưa sát với điều kiện, tình hình thực tế của địa bàn; phương châm "bốn tại chỗ", "ba sẵn sàng" nhiều nơi còn tính hình thức; công tác huấn luyện, diễn tập có nội dung chưa sát thực tiễn…
Theo Thủ tướng, dự báo tình hình biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường; ô nhiễm môi trường, dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhiều thách thức đang đặt ra cho công tác phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Do đó Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu của công tác phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phải góp phần quan trọng bảo vệ an ninh, an toàn, tính mạng, bình yên cuộc sống của nhân dân, góp phần đẩy mạnh hợp tác quốc tế một cách thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu chủ động nắm bắt, phân tích tình hình, không để bị động, bất ngờ về chiến lược; quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Cùng đó, phát huy vai trò, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và nhân dân.
Hoạt động phòng thủ dân sự phải dựa vào dân, dân làm gốc, người dân là trung tâm, là chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và người dân tham gia thực hiện chính sách.
Đồng thời phải chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước; thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ" kết hợp với chi viện, hỗ trợ của trung ương, các địa phương và cộng đồng quốc tế.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng thủ dân sự trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thủ tướng nhấn mạnh, chiến lược phòng thủ dân sự phải gắn với quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, vùng, ngành, địa phương; công trình phòng thủ dân sự phải chú trọng tính lưỡng dụng.
Cứu được 5.385 người gặp thiên tai, sự cố
Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra gần 8.000 vụ thiên tai, sự cố, gây thiệt hại lớn về người.
Riêng thiệt hại vật chất do thiên tai khoảng 5.065 tỉ đồng, gấp 2,8 lần so cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, đã có hàng trăm ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ, gần 22.000 lượt phương tiện tham gia ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Qua đó, xử lý hiệu quả 5.378 vụ, cứu được 5.385 người và 342 phương tiện...
Cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức về hiểm họa sâu xa của ma túy. Phòng, chống tội phạm về ma túy phải "phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát, ngay tại cơ sở".