Ngày 11-3, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn cần tăng cường việc bảo mật thông tin người bệnh đang điều trị tại các khoa, phòng, tránh trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo.
Đây là động thái mới nhất từ ngành y tế TP.HCM trước tình trạng một số người dân bị kẻ gian tung tin gia đình có trẻ em hoặc người thân bị tai nạn phải vào viện cấp cứu nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đề nghị khi phát hiện việc giả mạo thông tin, giấy tờ liên quan đến việc điều trị bệnh cho bệnh nhân tại đơn vị, các cơ sở báo cáo ngay về Thanh tra Sở Y tế và Công an TP để được hướng dẫn và xử lý kịp thời.
Qua các trường hợp giả mạo nêu trên, theo ông Thượng, có thể thấy thủ đoạn lừa gạt ngày càng tinh vi và nhắm trực tiếp vào đối tượng phụ huynh học sinh. Sở Y tế TP khuyến cáo người dân, nhất là các bậc phụ huynh hãy cẩn trọng trước những thông tin giả mạo của các đối tượng.
Khi tiếp nhận thông tin liên quan đến các vấn đề về điều trị bệnh tại các cơ sở y tế và nghi ngờ có dấu hiệu giả mạo, lừa gạt, ông Tăng Chí Thượng đề nghị người dân ngoài việc báo tin kịp thời đến cơ quan công an, cũng nên thông báo đến đường dây nóng của Sở Y tế qua số 0967.77.10.10 hoặc số 028.3930.7916, và cả đường dây nóng của các bệnh viện để được hỗ trợ xác nhận thông tin.
Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM phát thông báo khi phát hiện có một số trường hợp người dân bị kẻ gian tung tin gia đình có trẻ em hoặc người thân bị tai nạn phải vào viện cấp cứu nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, các đối tượng sử dụng một trong các phương thức lừa đảo như mạo danh là giáo viên hoặc nhân viên bệnh viện liên hệ trực tiếp các phụ huynh báo tin về việc học sinh bị tai nạn, đang được nhập viện cấp cứu tại bệnh viện, yêu cầu người nhà phải chuyển gấp tiền để đóng viện phí thực hiện phẫu thuật cho học sinh.
Bên cạnh đó còn ghi nhận các đối tượng làm giả giấy tờ bệnh viện chứng nhận tình trạng sức khỏe của người bệnh tại các cơ sở y tế nhằm mục đích thu lợi bất chính.
Điển hình như vào ngày 9-3, theo báo cáo từ Bệnh viện Nhi đồng 1, phòng trợ giúp xã hội của bệnh viện đã phát hiện một trường hợp giả mạo giấy chứng nhận của bệnh viện để kêu gọi quyên góp ủng hộ tiền điều trị.
Cũng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vào ngày 6-3, chỉ trong vòng 1 giờ khoa cấp cứu của bệnh viện liên tiếp nhận 2 cuộc gọi của phụ huynh học sinh hỏi về 3 trường hợp học sinh (đang học tại các trường phổ thông cơ sở quốc tế trên địa bàn TP) để xác nhận thông tin con, em đang cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Cả 3 trường hợp này đều được Bệnh viện Nhi đồng 1 xác nhận là không có thật.
Hay tình trạng mạo danh là giáo viên hoặc nhân viên bệnh viện liên hệ trực tiếp các phụ huynh báo tin về việc học sinh bị tai nạn, đang được nhập viện cấp cứu tại bệnh viện, yêu cầu người nhà phải chuyển gấp tiền để đóng viện phí thực hiện phẫu thuật cho học sinh xảy ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
'Tại sao kẻ lừa đảo biết chính xác họ tên, lớp, trường học của học sinh và số điện thoại cha mẹ để gọi điện lừa đảo?, Vì sao phụ huynh không gọi ngay cho nhà trường khi nhận được cuộc gọi mạo danh giáo viên lừa đảo?"... bạn đọc Tuổi Trẻ Online hỏi.