Ngày 11-3, tại tỉnh Bến Tre đã diễn ra hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2022 và phương hướng đến 2025.
Tham dự có Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch UBND TP.HCM ông Phan Văn Mãi, Phó chủ tịch UBND TP.HCM ông Võ Văn Hoan cùng lãnh đạo các tỉnh thành vùng ĐBSCL.
"TP.HCM cần ĐBSCL"
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM ý thức rằng sự phát triển của TP.HCM có sự đóng góp rất lớn của ĐBSCL và các vùng khác.
“Chúng tôi không thể phát triển nhanh và bền vững nếu thiếu sự hợp tác, hỗ trợ của ĐBSCL. Đây không phải là dịp mà TP.HCM đến hỗ trợ các địa phương mà TP.HCM cần ĐBSCL và các vùng. Chúng tôi thật sự có trách nhiệm trong mối quan hệ hợp tác bình đẳng này. Các nội dung chúng ta ký kết hợp tác phải thật sự có trọng tâm và tập trung triển khai phát triển phát triển năng lực nội tại của vùng để thực sự có hiệu quả." - Chủ tịch TP.HCM chia sẻ.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận tại hội nghị |
Qua phát biểu của các địa phương tại hội nghị cho thấy có 3 vấn đề nổi lên là kết nối giao thông giữa TP.HCM và ĐBSCL làm sao để tập trung và nhanh hơn. Thứ 2 là kết nối cung cầu đầu tư. Đây là việc rất quan trọng trước mắt và lâu dài, đặc biệt thế mạnh của ĐBSCL là kinh tế nông nghiệp. Thứ 3 là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực y tế.
Chủ tịch TP.HCM khẳng định TP.HCM sẽ tập trung cùng với các địa phương triển khai các vấn đề nêu ra.
Để hợp tác thực sự có hiệu quả, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng các địa phương cần lưu ý cách thức triển khai
"Tôi đề nghị mỗi địa phương thật sự quan tâm chỉ đạo công tác này. Theo đó cần phân công một đồng chí Phó chủ tịch tịch trực tiếp chỉ đạo nội dung hợp tác này và chủ động rà soát, đề xuất nhiệm vụ giải pháp. Thời gian qua cả TP.HCM và các địa phương chưa có quan tâm chỉ đạo đúng mức. Bên cạnh đó TP.HCM sẽ xây dựng cơ chế trao đổi thông tin cập nhật tiến độ chương trình hợp tác" - ông Mãi cho biết.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tham quan các gian hàng triển lãm |
Cũng theo ông Mãi, thành phần quan trọng góp phần thành công trong hợp tác là nhà đầu tư, hiệp hội... do đó Chủ tịch TP.HCM mong muốn các đơn vị quan tâm nghiên cứu quy hoạch vùng để có quyết định đầu tư.
"TP.HCM cam kết với các doanh nghiệp của TP là sẽ tạo điều kiện, nghiên cứu chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp đầu tư vào ĐBSCL và TP.HCM cũng mong muốn lãnh đạo các địa phương quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp đến đầu tư.
Trong quá trình phát triển TP.HCM có cơ cấu lại kinh tế của TP, sẽ có dịch chuyển đầu tư và các lĩnh vực khác. Nếu chúng ta phối hợp tốt thì có thể dòng dịch chuyển đó sẽ về ĐBSCL" - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh thành vùng ĐBSCL ký kết các thỏa thuận hợp tác kết nối |
Trước đó phát biểu về kết quả hợp và định hướng thảo luận tại Hội nghị, ông Võ Văn Hoan – Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết trong những năm qua, TP.HCM và các tỉnh thành vùng ĐBSCL đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực: đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục, thông tin và truyền thông, các hoạt động an sinh xã hội...
Ông Võ Văn Hoan – Phó chủ tịch UBND TP.HCM |
Các doanh nghiệp của TP.HCM đã tìm kiếm được cơ hội và lợi ích khi đầu tư tại vùng ĐBSCL, đặc biệt trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp. Thị trường tiêu thụ của TP.HCM có được đảm bảo nguồn cung cấp sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn và ổn định.
Tại hội nghị lãnh đạo 13 tỉnh thành ĐBSCL đã nói về những khó khăn vướng mắc và đề xuất TP.HCM và các tỉnh cùng tháo gỡ để cùng phát triển.
Cần giải bài toán nguồn nhân lực
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị TP.HCM sẽ nghiên cứu, hỗ trợ cho An Giang đầu tư xây dựng Trung tâm đầu mối ở An Giang để chế biến nông thủy sản gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo vùng sinh thái nước ngọt.
Thứ hai, là tiêu thụ hàng hóa nông thủy sản tỉnh tại thị trường TP.HCM và thành lập các hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh An Giang.
Thứ ba, đầu tư vào lĩnh vực du lịch như: đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm của tỉnh, kết nối du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang |
Thứ tư, xây dựng và vận hành Khu nông nghiệp công nghệ cao tỉnh An Giang quy mô khoảng từ 500 – 1.000ha. Và An Giang cũng mong muốn được hỗ trợ thành lập và vận hành Khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh An Giang;.
Ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho rằng kết nối nguồn lực lao động là vấn đề cần được quan tâm hiện nay. “Nếu muốn phát triển công nghiệp vùng Đông Nam Bộ nói chung và TP.HCM nói riêng thì không thể thiếu nguồn lực động. ĐBSCL cung cấp nguồn lao động cho TP HCM và ngược lại TP HCM cung cấp đội ngũ chất lượng cao cho ĐBSCL để cùng nhau phát triển.
Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ông Lê Văn Hẳn cũng mong muốn TP.HCM hỗ trợ nguồn nhân lực y tế và các nguồn nhân lực khác.
“Qua đợt dịch COVID-19 thì bài học sâu sắc Trà Vinh rút ra được là các tỉnh Đông Nam Bộ bị quá tải về các nhà máy xí nghiệp. Nên chăng chúng ta chuyển các nhà máy về ĐBSCL để giải quyết lao động cho các địa phương, dân khỏi phải lên TP.HCM, Bình Dương để thuê nhà, lao động chi phí rất cao. Đây là giải pháp căn cơ khi đó chúng ta giải quyết được hậu lao động xa” – ông Hẳn đề xuất
Bên cạnh đó Chủ tịch tỉnh Trà Vinh cũng nêu ra điểm nghẽn cần tháo gỡ là đầu ra nông sản.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ông Lê Văn Hẳn |
“Nông dân ĐBSCL sản xuất rất giỏi nhưng cứ gặp điệp khúc được mùa mất giá. Tôi nghĩ nên chăng có chương trình hợp tác trong sản xuất, giải quyết đầu ra nông sản để giảm bớt gánh nặng cho nông dân.
Nếu cứ giữ mãi xu thế sản xuất nông nghiệp như hiện nay thì chúng ta khó giàu, nhất là tỉnh nào lúa càng nhiều thì giá trị chung không cao. Một chiếc điện thoại bằng cả chục tấn lúa. Do đó tôi hi vọng chúng ta có chương trình phát triển công nghiệp nhiều chừng nào tốt chừng đó” – ông Hẳn đề xuất.
Đề xuất cho cơ chế để ĐBSCL tự vay vốn
Ngoài ra ông Hẳn còn điểm nghẽn làm ảnh hưởng đến việc mời gọi đầu tư là vấn đề hạ tầng giao thông.
“Chúng tôi mời gọi doanh nghiệp nhiều nhưng nhà đầu tư thấy điều kiện hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nên doanh nghiệp đi cũng nhiều. Tôi tin chắc khi có cơ cấu hạ tầng giao thông tốt thì doanh nghiệp về đầu tư nhiều”- ông Hẳn chia sẻ
Còn ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, hiện nay, ĐBSCL đang phải đối mặt nhiều thách thức. Các điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng đang được đầu tư, nhưng còn chậm đưa vào khai thác làm cho vùng thiếu nguồn lực mới để phát triển, nhất là hệ thống giao thông kết nối với TP.HCM vẫn còn hạn chế, mất nhiều thời gian lưu chuyển hàng hóa, chi phí vận chuyển gia tăng.
Ông Nghĩa khẳng định, việc xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL là nhu cầu tất yếu khách quan, hội đủ yếu tố: Thiên thời - địa lợi- nhân hòa, mở ra cơ hội lớn trong khai thác tối đa tiềm năng lợi thế giữa các địa phương.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp |
“Để phát huy sức mạnh mối liên kết này, Đồng Tháp đề xuất các địa phương trong vùng cùng kiến nghị Chính phủ cho cơ chế riêng để TP.HCM và các tỉnh, thành phố tự vay vốn làm dự án hạ tầng giao thông trên tinh thần đối ứng nhanh, hiệu quả, tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng. Bên cạnh đó là quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (giải pháp quan trọng nhất); kết nối tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đóng góp không chỉ cho địa phương mà cho cả vùng” - Chủ tịch Đồng Tháp kiến nghị…
Nhất trí, ông Lâm Hoàng Nghiệp – Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng cho rằng cần thiết sớm đầu tư hạ tầng giao thông vùng và kết nối TP.HCM.
“Bên cạnh việc đầu tư tuyến cao tốc dọc - ngang thì việc cũng cần quan tâm đầu tư đường bộ ven biển. Tuyến rất hiệu quả cần thiết và rất có hiệu quả đối với ĐBSCL và cả TP.HCM.
Ngoài ra đường thuỷ nội địa cũng rất tiềm năng, nhưng thời gian qua chưa được quan tâm khai thác hết. Do đó tôi mong rằng trong liên kết sắp tới chúng ta sẽ có cơ chế để phát huy tiềm năng đường thuỷ và cả tìm năng về nguồn vật liệu xây dựng. Ngoài ra tôi nghĩ rằng, trong cơ chế chính sách đặc thù của TP.HCM cũng nên lồng ghép cơ chế chính sách giúp ĐBSCL (xây dựng hạ tầng)”...