Ngày 11.3, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử vụ "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành. Trong buổi làm việc sáng nay, phần xét hỏi tập trung vào mối quan hệ cho vay giữa bà Thành và ông Đặng Nghĩa Toàn - người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Theo cáo trạng, Thành và đồng phạm dùng các thủ đoạn gian dối để thực hiện 27 phi vụ lừa đảo, qua đó chiếm đoạt 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng và nhiều cá nhân.
Riêng với ông Đặng Nghĩa Toàn, cơ quan tố tụng xác định Thành vay của ông này tổng cộng 122 tỉ đồng. Hình thức vay là ông Toàn sẽ gửi vào NCB, PVcomBank và VietABank rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành giữ.
Đổi lại, vợ, chồng ông Toàn được Thành trả ngay một khoản lãi ngoài từ 4,2 - 4,5%/tháng. Đến hạn, Thành trả sổ tiết kiệm cho vợ, chồng ông Toàn để tới ngân hàng rút tiền gốc, lãi suất ngân hàng Thành được hưởng.
Tuy nhiên, sau khi có sổ, Thành cùng đồng phạm giả chữ ký của vợ, chồng ông Toàn, lập khống hợp đồng nhằm cầm cố các sổ tiết kiệm để vay vốn các ngân hàng, từ đó chiếm đoạt tiền.
Trước tòa, ông Đặng Nghĩa Toàn cho biết quen Nguyễn Thị Hà Thành vào khoảng năm 2017. Khi đó, Thành giới thiệu là nhân viên huy động vốn của các ngân hàng lớn, nhưng không nói cụ thể ngân hàng nào.
Tại NCB, ông Toàn nói trong các lần đến đây làm thủ tục, thấy bị cáo đi lại trong phòng giám đốc và khu vực quầy giao dịch của các nhân viên, chỉ đạo việc mở sổ tiết kiệm nên nghĩ rằng bị cáo là thành phần lãnh đạo ngân hàng, có quyền hành.
Khi mở sổ tiết kiệm, ông Toàn khẳng định đã thực hiện đúng quy trình theo sự hướng dẫn của nhân viên ngân hàng. Theo đó, ông mang tiền đến, nộp tiền vào số tài khoản rồi mới yêu cầu gửi tiền vào sổ tiết kiệm. Cách này nhằm tránh rủi ro không truy vết được việc gửi tiền.
Hoàn tất các thủ tục, ông Toàn được cấp sổ tiết kiệm đóng dấu NCB cùng các phiếu thu. "Tôi hiểu là sau khi gửi tiền vào ngân hàng thì ngân hàng sẽ có trách nhiệm bảo vệ số tiền đó cho tôi, tôi rất yên tâm", ông Toàn nói.
Thời điểm biết bị lừa, ông Toàn cho hay đã trình báo cơ quan công an, đồng thời đến NCB làm việc. Phía ngân hàng cam kết nếu kết quả giám định chữ ký trên hồ sơ vay vốn không phải của ông thì sẽ trả lại tiền, nhưng đến nay "vẫn chưa trả đồng nào".
Vị "đại gia" còn cho rằng mình không bị bị cáo Thành lừa. "Tôi biết quy định ngân hàng rất chặt chẽ, muốn làm bất cứ thủ tục gì liên quan sổ tiết kiệm cũng cần CMND, chữ ký và chính chủ. Tôi rất yên tâm khi gửi tiền vào ngân hàng, không nghĩ bị chính các cán bộ ngân hàng phản bội", ông nói.
Về phía mình, Nguyễn Thị Hà Thành cũng nói bản thân nhận thức "không lừa đảo ai", chỉ vay nợ nhưng chưa có khả năng trả.
Đáng chú ý, giữa ông Toàn và Thành có sự mâu thuẫn trong lời khai, liên quan đến số tiền mà Thành đã trả cho ông Toàn.
Bị cáo Thành nói đã trả ông Toàn 80 tỉ đồng, gồm 35 tỉ đồng tiền lãi và 45 tỉ đồng tiền gốc. Trong đó, tiền lãi được trả 2 lần, đều bằng tiền mặt. Một lần Thành mang bao tải tiền 20 tỉ đồng, đến nhà riêng của ông Toàn trả. Một lần Thành giao 15 tỉ đồng cho ông Toàn ở quán cà phê trên phố Lê Đại Hành (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cả 2 lần đều không viết giấy xác nhận, bởi hai bên đã làm việc lâu và nhiều lần với nhau.
Ngược lại, ông Toàn bác bỏ lời khai trên. Ông nói không cho bị cáo Thành vay tiền mà chấp nhận đưa sổ tiết kiệm là bởi ham tiền thưởng. Ông cũng khẳng định chưa hề nhận 80 tỉ đồng từ Thành khai. Theo ông này, mọi lời khai đều phải có căn cứ chứng cứ nhưng ông thấy lời khai của bị cáo Thành không hề có chứng cứ.
Vụ án này, tòa án từng nhiều lần trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, trong đó có việc làm rõ vai trò của ông Đặng Nghĩa Toàn, có hay không dấu hiệu đồng phạm lừa đảo của ông này với bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành. Thực chất quan hệ vay nợ giữa hai người là như thế nào.
Đến nay, viện kiểm sát xác định vợ, chồng ông Toàn không biết việc Thành cầm cố các sổ tiết kiệm để vay vốn. Chữ ký của vợ, chồng ông Toàn trên các hồ sơ vay vốn là bị làm giả… Do vậy, không có căn căn cứ kết luận ông này biết và giúp sức cho Thành dùng sổ tiết kiệm của mình để chiếm đoạt tiền của 3 ngân hàng.
Liên quan đến phần giải quyết dân sự, vợ, chồng ông Toàn đề nghị tòa án buộc các ngân hàng trả lại 122 tỉ đồng cùng tiền lãi của số tiền này (hiện đang bị các ngân hàng phong tỏa).