Mỗi bài dự thi là câu chuyện riêng chứa đựng những nghĩa tình trân quý, những nỗi niềm khiến người đọc rơi nước mắt.
Từ gần 1.100 bài dự thi, ban tổ chức đã chọn ra 60 bài vào chung khảo. Hầu hết các bài dự thi vào chung khảo đều được ban giám khảo đánh giá "bài nào cũng xúc động, rất xứng đáng đoạt giải".
Ban giám khảo chung khảo đã chấm điểm và ban tổ chức đã chọn ra được các tác phẩm cao điểm nhất, xứng đáng nhất để trao giải.
Những câu chuyện giản dị, chân thành
Cảm động - đó là cảm xúc chung của ban giám khảo khi đọc các bài viết trong cuộc thi "Về nhà". Có lẽ vì thế mà buổi chấm thi chung kết "Về nhà" ngày 8-3 đã diễn ra đầy thân tình, ấm cúng.
Ba tác phẩm đoạt giải cao nhất không khó lựa chọn vì đều đạt điểm cao từ tất cả mọi người. Đó là bài Cha ơi, ra đón con của tác giả Hiền Dương; Nghỉ làm, về nhà nha má của Sayna; Đã bao nhiêu tháng chạp ngang qua ngõ, ghé lại thềm như tín hiệu mùa xuân của tác giả Phương Bối.
Mười tác phẩm đoạt giải khuyến khích đã được thảo luận, cân nhắc. Các thành viên ban giám khảo cũng thẳng thắn chia sẻ góc nhìn riêng về những bài viết mình đồng cảm.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bày tỏ: "Nhiều bài viết khiến tôi rơi nước mắt, thương người dân còn nhiều vất vả, cả năm chỉ chờ Tết để được về quê sum họp. Dù chia sẻ mộc mạc, hình ảnh giản dị, nhưng tình cảm vô cùng chân thành. Khi đọc, ta hiểu thêm mỗi cảnh ngộ, càng thấy thương nhau".
Là người đã đọc 1.100 câu chuyện gửi về trong suốt hai tháng, biên tập viên Thái Hòa không khỏi có lúc quá tải, nhưng với chị, hai chữ "về nhà" luôn gợi những cảm xúc không thể thay thế:
"Nhà luôn là nơi chốn cuối cùng để ta nương tựa. Thời điểm cuộc thi rơi vào trước và sau Tết nên không ngạc nhiên khi đa số bạn đọc tập trung vào chủ đề Tết về nhà. Mỗi người một góc nhìn, một câu chuyện, chứa chan tình cảm. Cũng giống khái niệm Tết, "về nhà" luôn nhắc nhớ điều gì rất rung động. Đó cũng là sự lan tỏa tích cực mà cuộc thi mang lại".
Về với tình thân
Là người từng trải qua nhiều biến cố và mất mát người thân, diễn viên Hứa Vĩ Văn đặc biệt đồng cảm với hai chữ "về nhà".
Anh xúc động chia sẻ: "Văn đã chiêm nghiệm rất nhiều về sinh lão bệnh tử. Chúng ta phải đón nhận mất mát thế nào và làm sao để bước tiếp?
Khi ta luôn nhớ về những người thân còn sống hay đã mất, họ sẽ mãi trong tim ta không thể xóa nhòa, đó chính là về nhà. Văn rưng rưng với những bài viết về tình thân và sự chia ly, nhất là những câu chuyện đầy bi kịch nhưng vẫn lấp lánh nguồn năng lượng tích cực.
Đó là vẻ đẹp của trái tim vỡ vụn, của tâm hồn đã kinh qua biến cố, là vốn sống cho ta ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Không ngờ các bài dự thi "Về nhà" chứa đựng nhiều bài học quý giá đến vậy".
Với nhà báo Nguyễn Trường Uy, "Về nhà" không phải một cuộc thi văn chương mà là nơi để chia sẻ, lan tỏa năng lượng tích cực cho cộng đồng. Về nhà không chỉ về một nơi chốn, mà là về với tình thân, với gia đình.
"Có lẽ bạn đọc đều đồng cảm với đề tài của cuộc thi nên 1.100 bài viết, mỗi người một chia sẻ khác nhau nhưng đều hướng về giá trị gia đình, giá trị tình thân và từ đó giúp chúng ta luôn nghĩ về những người thân yêu của mình.
Đó là những giá trị đẹp mà "Về nhà" mang lại. Những nỗi niềm riêng của các bài dự thi thành một câu chuyện chung, đẹp và ý nghĩa lan tỏa đến tất cả mọi người", ông nhận định.
13 tác phẩm đoạt giải "Về nhà"
Giải nhất: Cha ơi, ra đón con (tác giả Hiền Dương)
Giải nhì: Nghỉ làm, về nhà nha má (Sayna)
Giải ba: Đã bao nhiêu tháng chạp ngang qua ngõ, ghé lại thềm như tín hiệu mùa xuân (Phương Bối)
10 giải khuyến khích:
Luôn có ai đó để cửa chờ mình (Em Nguyên),
Ruộng cỏ khô để dành (Trâm Oanh),
Chỉ là, tôi lớn lên, nhưng nội thì già đi(Phố Hương),
Chuyến xe thiếu có một người...(Hoàng Hải Lâm),
Tết mồ côi đầu tiên(Đoan Trường),
Về nhà thôi! (Bùi Thanh Tuấn),
Về thu xếp lại(Yên Hà),
Nhà là xe, lên xe là về nhà (Nguyễn Tấn Lộc),
Tết này tôi đã có chốn đi về (Vân Thanh),
Từ những chuyến đi về (Tâm Thao).
Ban giám khảo chung kết cuộc thi "Về nhà" gồm: nhà báo Nguyễn Trường Uy - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, diễn viên Hứa Vĩ Văn và nhà báo Lê Thị Thái Hòa - biên tập viên Tuổi Trẻ.
Buổi lễ tổng kết và trao giải dự kiến sẽ diễn ra vào sáng 18-3 tại Đường sách TP.HCM.
Bố tôi có tất cả sáu anh chị em, trên bố là bác cả lấy chồng tận Yên Bái, sau đến cô ba, tên Đậm, dưới cô Đậm còn hai cô cùng một chú út.
Xem thêm: mth.54683200111303202-ped-neyuhc-uac-gnuhn-aot-nal-ahn-ev/nv.ertiout