Chọn ngành theo truyền thống sản xuất gia đình
Trần Thiện Khả (Trường THPT Vĩnh Thuận) cho biết gia đình có truyền thống nuôi trồng thủy sản lâu đời nên bạn muốn theo học ngành này để phát triển quy mô kinh doanh, làm giàu cho gia đình.
ThS Nguyễn Hứa Duy Khang - phó trưởng phòng đào tạo Trường đại học Cần Thơ - cho rằng nam sinh này đã thể hiện mong muốn phát triển truyền thống sản xuất kinh doanh của gia đình để chọn ngành học. Đây là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn, phù hợp và dễ thành công.
Ngành nuôi trồng thủy sản hiện nay đang có nhiều trường đào tạo: Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Kiên Giang, Trường đại học Bạc Liêu, Trường đại học Nông Lâm TP.HCM…
"Nếu trúng tuyển và theo học ngành nuôi trồng thủy sản, sau khi ra trường em có thể giúp gia đình nâng giá trị sản phẩm thủy sản gia đình mình đang nuôi và giúp được cho quê hương Vĩnh Thuận phát triển hơn nữa", thầy Khang chia sẻ.
Võ Tấn Kiệt (Trường THPT Minh Thuận) đến dự buổi tư vấn với tâm thế muốn tìm hiểu sâu về nhóm ngành đã và đang phát triển ở Kiên Giang là du lịch. "Em muốn được học trường gần nhà để ra trường làm việc tại địa phương thì em có thể học ngành nào chuyên sâu về du lịch?", Kiệt hỏi.
TS Nguyễn Văn Thành - phó hiệu trưởng Trường đại học Kiên Giang - cho hay hiện trường đang đào tạo hai nhóm ngành liên quan tới du lịch để thí sinh lựa chọn.
Thứ nhất, nhóm ngành du lịch thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Với ngành này, sinh viên sẽ được học kiến thức chuyên về quản lý du lịch, thiết kế tour du lịch… Sinh viên ra trường có thể trở thành nhà quản lý du lịch, tham gia vào các hoạt động tại các công ty du lịch.
Thứ hai, chuyên ngành kinh tế du lịch. Nếu có định hướng trở thành nhà kinh tế trên lĩnh vực du lịch thì có thể chọn theo học ngành này.
"Tùy theo năng lực học tập và sở thích của mình, thí sinh có thể chọn ngành học phù hợp. Trong hai ngành trên phương thức xét tuyển cơ bản giống nhau, tuy nhiên chuyên ngành kinh tế du lịch mức độ cạnh tranh cao hơn", thầy Thành chia sẻ.
Sẽ có nhiều ưu thế khi chọn ngành marketing
Một nữ sinh cho hay dù biết mình không hoạt bát nhưng muốn theo đuổi ngành marketing để quảng bá cho các hoạt động kinh tế tại địa phương. Tuy nhiên, bạn đang băn khoăn vì thấy nhiều người chọn học ngành này. Nếu chọn ngành này trong năm năm tới có tìm việc được hay không?
Tư vấn cho nữ sinh này, ThS Nguyễn Thái Châu, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết nhiều bạn trẻ chọn ngành marketing vì ngành học này trang bị kiến thức quản trị marketing, giúp doanh nghiệp phát triển, quảng bá thương hiệu…
"Những bạn đang có mong muốn khởi nghiệp từ cơ sở sản xuất, công việc kinh doanh của gia đình mình có thể chọn học marketing sẽ rất phù hợp. Học ngành này các bạn có thể giúp phát triển thương hiệu sản phẩm của gia đình mình bằng cách quảng bá trên các công cụ truyền thông, từ đó tiếp cận được đông đảo khách hàng để bán được nhiều sản phẩm", thầy Châu nói.
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết thêm nếu suy nghĩ người làm marketing phải mạnh dạn, hoạt bát… là chưa đúng.
"Người làm marketing là những người làm việc âm thầm lặng lẽ đằng sau các sự kiện marketing. Một người có tính hơi nhút nhát cũng có thể sâu lắng tạo ra được những câu chuyện marketing độc đáo. Khi nào nền kinh tế, mọi người còn giao dịch với nhau, ngày đó marketing vẫn còn đất dụng võ", thầy Bảo khẳng định.
Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2023 từ ngày 10-4
Theo ThS Hoàng Thúy Nga - chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), dự kiến thí sinh sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2023 từ ngày 10-4. Trong thời điểm đó, thí sinh đồng thời phải đăng ký các điều kiện ưu tiên trong xét tuyển đối tượng và khu vực. Thí sinh nộp hồ sơ các loại giấy tờ minh chứng ưu tiên cho các thầy cô tại điểm tiếp nhận nơi các em đang học.
Sau khi thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tất cả thí sinh dù đăng ký bằng phương thức nào cũng đều bắt buộc phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển lại trên hệ thống của bộ.
Thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển sớm theo quy định của các trường đại học bằng cách nộp hồ sơ trực tiếp cho các trường. Các trường sẽ công bố kết quả xét tuyển sớm trước khi thí sinh đăng ký trên cổng thông tin của bộ.
"Năm ngoái có nhiều thí sinh mất cơ hội trúng tuyển do các em hiểu nhầm rằng khi đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm ở các trường đại học được thông báo kết quả trúng tuyển rồi nên không đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống của bộ nữa. Việc này dẫn đến các trường không thể xét tuyển cho thí sinh được", cô Nga lưu ý.
Nhiều học sinh lo lắng học một ngành sẽ khó có việc làm và muốn học song ngành để có thêm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp đại học.