Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số... Các năm qua, VN duy trì và triển khai các chương trình can thiệp dinh dưỡng cho các nhóm đối tượng; các chương trình phòng, chống bệnh không lây nhiễm, người dân có cải thiện về sức khỏe, thể chất. Các chỉ số sức khỏe người dân được cải thiện.
Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc công bố năm 2021, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp, còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc là 19,6% (mức dưới 20% được xếp vào mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới). Chiều cao người Việt đã có sự thay đổi. Ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi, chiều cao trung bình đạt 168,1 cm (năm 2020), tăng 3,7 cm so với năm 2010; nữ thanh niên là 156,2 cm (năm 2020), tăng 1,4 cm so với năm 2010.
Với mục tiêu giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, thể lực và trí tuệ của người Việt, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt "Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045". Theo đó, đến năm 2030, chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi theo giới tăng từ 2 - 2,5 cm đối với nam và 1,5 - 2 cm đối với nữ so với năm 2020. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp, còi trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống dưới 17% vào năm 2025 và dưới 15% vào năm 2030.
Các chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh đang được triển khai, góp phần cho các gia đình sinh con khỏe mạnh, nâng cao chất lượng dân số. Trong đó, về tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đã hướng dẫn sử dụng gói dịch vụ xét nghiệm miễn phí, là cơ sở để các địa phương triển khai sàng lọc sơ sinh cho các đối tượng được hỗ trợ là các trường hợp thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội; người dân tại thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo, vùng nhiễm chất độc dioxin.
Đặc biệt, với người cao tuổi, Bộ Y tế đã ban hành "Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030" (người cao tuổi là người từ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số. Theo đó, củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; phòng, chống bệnh không lây nhiễm và khám, chữa bệnh cho người cao tuổi; xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi.
Đồng thời, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đang xây dựng bộ tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi. Môi trường thân thiện với người cao tuổi bao gồm cả thiết kế cơ sở hạ tầng và nhà ở phù hợp; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thể chất và xã hội của người cao tuổi như tiếp cận không gian công cộng bên ngoài và hệ thống giao thông công cộng...