Buổi sáng, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra tại Trường ĐH Kiên Giang (huyện Châu Thành). Chiều cùng ngày, chương trình được tổ chức tại Trường THPT Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận).
Tại hai chương trình, các chuyên gia đã nhắc nhở học sinh nhiều quy tắc khi đăng ký xét tuyển nhằm tối ưu cơ hội trúng tuyển và hạn chế những trường hợp "đậu" thành "rớt" một cách đáng tiếc.
Tuyển sinh 2023: Lưu ý cách đặt nguyện vọng 1
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM - cho biết trong mùa xét tuyển năm 2022, có khá nhiều học sinh mắc sai sót khi đăng ký và sắp xếp nguyện vọng trên hệ thống. Bởi từ năm 2021 trở về trước, học sinh chỉ cần đăng ký và sắp xếp nguyện vọng xét tuyển theo phương thức thi tốt nghiệp THPT, không cần đưa vào nguyện vọng từ các phương thức xét tuyển sớm.
Theo quy định năm 2022, tất cả các nguyện vọng dù theo phương thức nào cũng đều phải đưa lên hệ thống chung. Do sơ suất, có nhiều thí sinh dù đã được trường ĐH thông báo đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm - chẳng hạn đủ điều kiện trúng tuyển bằng điểm học bạ - nhưng rốt cuộc kết quả không được chấp nhận vì bạn ấy không nhập nguyện vọng này vào hệ thống.
"Trong năm 2023, các em vẫn phải đưa tất cả nguyện vọng của các phương thức xét tuyển lên hệ thống", ông Hùng nói.
Lưu ý thêm về cách đặt nguyện vọng, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng cho rằng nếu đủ điều kiện trúng tuyển sớm và muốn học luôn ngành đã trúng tuyển sớm, thí sinh phải đặt nguyện vọng này lên đầu - nguyện vọng 1. Khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1, các nguyện vọng xếp sau sẽ không còn giá trị.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM - nhắc nhở trong thời gian đăng ký và điều chỉnh thứ tự nguyện vọng, những ngành nào, trường nào thí sinh thích nhất thì nên được đặt lên nguyện vọng 1. Dù điểm số nguyện vọng ấy của bạn có thể chưa chắc trúng tuyển, nhưng nếu là ngành bạn đam mê và mong muốn được học nhất thì cần được đặt lên đầu.
Trả lời câu hỏi của thí sinh về trường hợp đồng điểm, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi cho rằng trong một số trường hợp đồng điểm khi danh sách sắp đủ chỉ tiêu, một vài trường ĐH sẽ đặt ra các tiêu chí phụ. Một trong những tiêu chí phụ thường được dùng là ưu tiên các bạn trúng tuyển nguyện vọng 1 hơn so với nguyện vọng 2, 3.
Tuy nhiên, ông Khôi cho biết trong những năm gần đây, khi điểm thi lấy lẻ đến 0,05 thì số trường hợp đồng điểm tương đối ít. Chẳng hạn, với Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nếu xảy ra trường hợp đồng điểm trúng tuyển và tranh nhau những suất cuối cùng, số lượng thí sinh cũng chỉ từ khoảng 4-7 bạn. Khi đó, trường thường nhận hết các thí sinh này mà không xét thêm tiêu chí phụ.
Học gì để về xây dựng quê hương?
Tại buổi tư vấn ở Trường THPT Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận) vào chiều 11-3, ban tư vấn nhận được nhiều câu hỏi từ phía học sinh bày tỏ mong muốn sau khi tốt nghiệp ĐH sẽ trở về xây dựng tỉnh nhà Kiên Giang. Bạn Võ Tuấn Kiệt - học sinh Trường THPT Vĩnh Thuận - nhận thấy Kiên Giang có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch. "Em muốn học du lịch ở gần nhà và về làm cho Kiên Giang thì nên cân nhắc hướng đi nào?", Tuấn Kiệt hỏi.
TS Nguyễn Văn Thành - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang - tư vấn hai hướng mà Kiệt có thể cân nhắc. Một là theo đúng chuyên ngành du lịch, ở đây bạn có thể học các kiến thức về tour, điểm đến... đi sâu vào chuyên ngành. Một hướng khác là học về kinh tế du lịch. Các kiến thức theo học sẽ nghiêng về kinh tế, giúp người học có tư duy phát triển kinh tế từ du lịch. Theo hướng này, góc nhìn cho sinh viên sẽ rộng hơn nhưng mức độ va chạm, cạnh tranh cũng lớn hơn.
Bạn Thiện Khả - học sinh Trường THPT Vĩnh Thuận - lại băn khoăn học gì để có thể "nâng cấp" sự nghiệp kinh doanh của gia đình đang có. Tại Kiên Giang, gia đình của Khả đang nuôi tôm, cua, cá... và bạn mong muốn từ những gì học được ở bậc ĐH có thể về quê phát triển hơn nữa quy mô và chất lượng nuôi trồng thủy sản của gia đình.
ThS Nguyễn Hứa Minh Khang - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cần Thơ - cho biết chọn nghề để tiếp nối truyền thống gia đình là một trong nhiều hướng chọn ngành, chọn nghề. Ông Khang giới thiệu cho Khả thêm về ngành nuôi trồng thủy sản, hiện được đào tạo tại khá nhiều trường ĐH ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Kiên Giang, Trường ĐH Bạc Liêu...
Trong ngành nuôi trồng thủy sản, sinh viên được học các kiến thức về sinh học, các kỹ thuật trong nhân giống, dinh dưỡng, nuôi dưỡng, quản lý sức khỏe vật nuôi, sử dụng trang thiết bị hiện đại trong ao nuôi... Sinh viên cũng được học thêm những kiến thức về thị trường và kinh tế. "Từ những kiến thức này, các em có thể góp phần nâng cao được giá trị thủy sản của gia đình, giúp ích cho quê hương", ThS Nguyễn Hứa Minh Khang chia sẻ.
Thử nghiệm công việc của chuyên gia vật nuôi
Trong không gian thoáng đãng tại khuôn viên Trường ĐH Kiên Giang, địa điểm tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng 11-3, các gian tư vấn từ hàng chục trường ĐH trong khu vực đã tạo nên không khí đa sắc cho các thí sinh tìm hiểu ngành nghề.
Ấn tượng nhất có lẽ là tại gian tư vấn của bộ môn khoa học vật nuôi thuộc Trường ĐH Kiên Giang, khi sinh viên và giảng viên nhà trường đem đến một số loại vật nuôi dễ thương như chó, thỏ, cá... và học sinh có thể được hướng dẫn thử trải nghiệm một vài công việc của một chuyên gia về vật nuôi trong tương lai.
Để không phải "học ngược"
Phát biểu tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng 11-3, ông Trần Quang Bảo, giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang, cho rằng trong quá trình chọn ngành, chọn nghề, chọn trường, học sinh cần có sự kết hợp giữa nhiều yếu tố như sở thích, năng lực bản thân, nguyện vọng làm việc, điều kiện gia đình và nhất là nhu cầu của xã hội.
Ông lưu ý học sinh cần cân nhắc thật kỹ, tránh tốt nghiệp ĐH xong lại không tìm được việc hoặc không cảm thấy phù hợp mà nguyên nhân lớn là vì bạn chưa nghiên cứu kỹ ngành nghề. Nhiều trường hợp đã phải đi "học ngược": học lại các cấp học như trung cấp để tìm việc. "Vì vậy quá trình tìm hiểu thông tin trong giai đoạn này là rất quan trọng", ông Bảo nói.
Chờ đợi chương trình tại Đầm Dơi sáng 12-3
Sáng 12-3, "chuyến xe" tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ lăn bánh đến tỉnh Cà Mau. Buổi tư vấn trực tiếp diễn ra tại Trường THPT Thái Thanh Hòa (khóm 5, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi).
Tại đây, đại diện Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), các chuyên gia từ nhiều trường ĐH lớn tại TP.HCM, Cần Thơ và các trường quân đội cũng giải đáp những thắc mắc cho học sinh về kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như giúp các bạn hiểu rõ về ngành, nghề, trường trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2023.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp cùng Sở GD-ĐT Cà Mau và tỉnh đoàn địa phương tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup. Phụ huynh, học sinh ở xa có thể theo dõi livestream chương trình trên tuoitre.vn hoặc kênh YouTube báo Tuổi Trẻ.
Mức học phí dự kiến của các trường đều được công khai trong đề án tuyển sinh đăng trên website trường. Tuy nhiên đề án tuyển sinh thường khá dài và đôi khi hơi khó hiểu.