1. Lần nào vào Facebook cá nhân của anh Trịnh Minh Nghĩa (Nam Định), tôi cũng mỉm cười, hoan hỉ với niềm hạnh phúc "già đi cùng người thương" của họ. Cưới nhau gần 30 năm, cậu con trai đã sắp cưới giống ba mẹ ngày xưa nhưng anh chị cứ nồng đượm yêu thương như hồi mới về chung một nhà.
Bí quyết của anh là gì vậy? Anh lại cười tươi rói. "Là sự kính trọng, biết ơn dành cho nhau", anh nói. Anh chị đều là giáo viên, họ dạy khác trường và khác huyện nhưng cùng sống ở TP Nam Định, lại là đồng nghiệp nên hiểu khó khăn của nhau.
Cách dạy con của họ cũng nề nếp theo kiểu nhà giáo, mọi thứ chỉn chu. "Anh chị để cho con tự quyết cuộc sống, hôn nhân, tình yêu của con", anh nói khi kể về "chàng trai" của mình. Như chuyện con đi Nhật học, anh chị chỉ định hướng và tôn trọng quyết định của con, sau đó thì hết lòng ủng hộ.
Dạy con là chuyện khó. Đôi khi đây chính là "vấn đề" khiến mối quan hệ vợ chồng bị nứt rạn khi có quá nhiều quan điểm khác biệt. Anh chị không để chuyện này xảy ra vì họ luôn ngồi lại cùng nhau để nói với nhau quan điểm, phân tích, lắng nghe để cùng thực hiện.
Theo anh Nghĩa, "tấm gương" hòa hợp từ chính bố mẹ của cả anh và chị là tấm bản lề khiến anh chị được neo vào, học theo và làm tốt vai trò của mỗi người. Thực ra, khi mỗi người hiểu rõ giá trị của mình và giá trị của người thân thương bên cạnh thì sẽ tin tưởng, gắn kết, không cần phải nói nhiều cũng hiểu cũng cảm thông, chia sẻ được.
Từ cái tình (thương) tạo nên sự gắn bó mà cả hai không thể thiếu nhau trên hành trình dài, luôn mãn nguyện với cuộc sống của mình. "Đó chính là cái nghĩa vợ chồng như ông bà mình dạy", anh tâm đắc.
2. Người thương cũng là bạn. Chú Thanh (Cần Thơ) nói về những ngày đầu nhìn thấy cô ở sân trường thời đất nước mới thống nhất. Đó là chuyện tình dài bằng thời gian quê hương liền một dải. Cô chú sắp kỷ niệm 50 năm ngày yêu nhau, cả hai móm mém trong niềm hạnh phúc.
"Thời đó ai cũng nghèo, cái ăn cái mặc còn khó nên đi học được là cả một sự cố gắng", chú nói. Cô chú đều là người đã đi qua những giai đoạn khó khăn nhất của đất nước và cả của đời người. Hồi trước 1975, cô chú còn nhỏ và theo ba má trốn bom, tránh đạn. Rồi sau đó ba má cô chú đều tham gia cách mạng. Truyền thống gia đình và hoàn cảnh chung ấy khiến hai người hiểu, đồng cảm nhau hơn trên nhiều mặt.
Cô nói "có thể nói tình yêu của cô chú là tình yêu đầu cũng là tình yêu cuối dành cho nhau", rồi cười thật tươi vì cả hai đã bước vào tuổi gần tròn 70 và con cháu đều đã lớn.
Có bao giờ cô chú căng thẳng với nhau vì điều gì không? "À, tất nhiên là có chứ. Vợ chồng nào chú nghĩ cũng có khó khăn, cũng có lúc sóng gió, chỉ là ít hay nhiều thôi. Quan trọng là mình vững tay chèo và luôn nhớ về những tháng ngày đầu đến với nhau, những điều tốt mà người kia có và đã dành cho mình".
Cô tiếp lời bảo: "Giống như có lúc giận chú quá, cô nghĩ sao ông ấy có thể vô tâm khi nói ra câu đó. Nhưng rồi cô nhớ lại lúc mình bệnh, chú đã tận tụy nấu từng bát cháo, khuyên ráng ăn, uống thuốc cho khỏe. Tự dưng cái nguôi giận và hiểu rằng người thương của mình cũng có lúc nóng giận, và rằng ông ấy đâu có vô tâm. Cơm sôi nhỏ lửa là vậy".
Theo cô chú, để đi được lâu dài với người thương thì mình phải thương đúng người. Chọn một người hợp tính, tử tế thì mình và họ sẽ cùng thăng tiến trên mọi bước đường, khi có họ mình sẽ được hạnh phúc và thành công hơn.
3. Bí quyết để giữ lửa yêu thương, để băng qua những khó khăn, tha thứ và giúp nhau vượt qua những cảm xúc tiêu cực trong đời sống, cũng như mối quan hệ vợ chồng, thực ra không ngoài việc "cùng nhau nuôi dưỡng".
Ngôi nhà - tổ ấm - đi cùng nhau cho đến "răng long đầu bạc" - nghĩa vợ chồng, tất cả những điều ấy nếu chỉ một bên làm và bên kia không nỗ lực, thậm chí luôn phá nát sự cố gắng của người còn lại thì khó có thể lâu dài.
Nói như anh Trịnh Minh Nghĩa trong câu chuyện kể về bố mẹ của mình, đó là "tương kính như tân". Dù có với nhau mấy mặt con hay thuở ban sơ mới về, họ đều gọi nhau là anh em, là "bố thằng Nghĩa" hay "mẹ mấy đứa nhỏ". Dù có bực bội cỡ nào cũng không dùng vũ lực hay gọi "mày tao" khiến mối quan hệ bị đứt đoạn.
"Chén nước đã đổ khó hốt lại cho đầy", tình cảm cũng như thế. Đó là chưa nói cách ứng xử của bố mẹ sẽ ảnh hưởng tới con cái rất nhiều. Nghĩ về con cái, chúng có thể là "bản sao" hoàn hảo của mình để mỗi năm mỗi tháng cùng đi với nhau đều là sự trân trọng, biết ơn. Được như thế tự khắc sẽ lâu bền.
Chung thủy là vitamin vui vẻ
Đổ vỡ tình cảm, hôn nhân tan nát phần lớn vì sự thiếu chung thủy của người bạn đời. Không chung thủy, ngoài việc ngoại tình thường rất khó chấp nhận thì đó còn là sự "khác biệt" quá lớn giữa chính con người ấy lúc trẻ và khi đã có tuổi.
"Có những người vợ/ người chồng hồi còn son trẻ rất chí thú làm ăn nhưng khi có chút tài sản lại đâm ra không tốt, cờ bạc, rượu chè, có mối quan hệ ngoài luồng. Chính người ấy đã phản bội lại bản thân khi đổ đốn như vậy. Và đó là con đường dẫn tới những hậu quả kinh khủng cho một gia đình", anh Phương (Quảng Ngãi) nói.
Trong những cuộc trò chuyện với những cặp đôi về việc "già đi cùng người thương", chúng tôi đều nghe những đôi vợ chồng trẻ nói ngưỡng mộ thời ông bà mình. Có lẽ thời ấy mọi người kiên nhẫn hơn nên thường sẽ gắn kết nhau tốt hơn.
Với nhà thơ Lê Minh Quốc, thở theo con nghĩa là từ lúc hạt mầm bé xíu xuất hiện trong bụng mẹ, mọi thứ trong đời ba mẹ đều đồng hành với con.
Xem thêm: mth.4693959021303202-gnouht-iougn-gnuc-id-aig/nv.ertiout