Trong tuần qua, bài viết “2 đề xuất quan trọng về chính sách BHXH” trên báo Pháp Luật TP.HCM thông tin về hai đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, cụ thể là người lao động (NLĐ) đóng BHXH từ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu; số tiền rút BHXH một lần tối đa không quá 50% đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.
Một số bạn đọc cho rằng với đề xuất khi rút BHXH một lần chỉ nhận được 50% là không phù hợp, chưa đảm bảo quyền lợi của NLĐ. Ngoài ra, việc giảm thời gian tham gia BHXH xuống còn 15 năm để được nhận lương hưu thì phải thay đổi chính sách hưu trí để NLĐ đảm bảo được cuộc sống khi về già.
Nên để cho người lao động quyết định
Khi được hỏi ý kiến về đề xuất rút BHXH một lần sẽ giữ lại quá 50%, chị Nguyễn Thị Hồng (công nhân may làm việc tại Khu công nghiệp Long Hậu - Hòa Bình, tỉnh Long An) cho biết trước đây chị ở nhà làm nông, hơn 30 tuổi chị mới xin vào công ty ở khu công nghiệp này làm công nhân may gia công. Vì công việc cần sự tỉ mỉ nên đa phần ở vị trí của chị chỉ tuyển người độ tuổi khoảng 40.
Người dân đến cơ quan BHXH tại TP.HCM để làm thủ tục liên quan đến BHXH. |
Chị Hồng chia sẻ: “Nếu bị cho thôi việc hoặc công ty không ký tiếp hợp đồng với những người trên 40 tuổi thì chúng tôi rất khó tìm được việc làm mới. Khi chúng tôi nghỉ việc sẽ rút BHXH một lần để có vốn kinh doanh, buôn bán nhỏ ổn định cuộc sống”.
“Nếu không cho tôi rút hết số tiền BHXH một lần mà chỉ rút được một nửa thì số tiền muốn rút không được nhiều, lúc ấy cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Tôi được biết với đề xuất giữ lại 50% là để sau này NLĐ được nhận trợ cấp. Thế nhưng số tiền trợ cấp ấy là bao nhiêu, liệu có giúp NLĐ đủ trang trải cuộc sống sau này không. Thay vì vậy, hãy để NLĐ tự quyết định và tự lo cuộc sống cho mình sau này” - chị Hồng nói.
Chị Trần Thị Cẩm Nhung (nhân viên kế toán tại một công ty ở quận Bình Tân, TP.HCM) nêu ý kiến: Tiền mà NLĐ và doanh nghiệp đóng BHXH thực chất cũng là tiền lương của NLĐ. Khi làm việc, NLĐ sẽ được tham gia bảo hiểm để phòng khi mất việc sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp, được hưởng ốm đau, tai nạn nếu không may bị tai nạn, bệnh tật.
Riêng việc đóng BHXH để về già có lương hưu thì đúng là xa với nhiều người. Bởi nếu muốn nhận lương hưu thì phải đủ điều kiện về độ tuổi và năm đóng BHXH. Nếu NLĐ đã quyết định nhận BHXH một lần, họ cũng đã tính toán xem khả năng của mình có đủ điều kiện không, việc họ quyết định rút BHXH một lần cũng được tính toán chuyển đổi nghề nghiệp để lo cuộc sống sau này.
“Nếu NLĐ nào muốn tiếp tục tham gia để được nhận lương hưu thì sẽ không nhận và đóng BHXH tiếp. Theo tôi, việc này nên để cho NLĐ quyết định có rút hay không chứ đừng đưa ra những quy định để hạn chế quyền lợi của họ” - chị Nhung nói.
Cần đảm bảo quyền lợi khi nhận lương hưu
Bạn đọc Thành Nguyễn bình luận: “Trên thực tế, có nhiều người trẻ không có điều kiện hoặc không muốn tham gia BHXH. Tuy nhiên, lúc lớn tuổi muốn được nhận lương hưu nhưng không đủ thời gian tham gia BHXH. Vì thế, việc giảm năm đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm là hợp lý, dù lương hưu ít nhưng cũng có một khoản để an tâm tuổi già không phải lệ thuộc nhiều vào con cái”.
“Nếu NLĐ không có lương hưu, khi về già sẽ rất cực nhọc. Chỉ có ai rơi vào hoàn cảnh đó mới hiểu. Tôi nghĩ bất cứ ai cũng đều muốn về già có lương hưu nhưng cái mà nhiều người lo ngại là chế độ lương hưu vẫn còn thấp nên họ không muốn theo. Thế nên các ngành, cơ quan chức năng cần có sự điều chỉnh mức lương hưu theo thời giá thực tế để mỗi NLĐ khi nghỉ hưu được an nhàn, không phải lo cảnh cơm áo gạo tiền” - bạn đọc Trần Hùng ý kiến.
Bạn đọc Phan Văn Thuận nêu: “Theo tôi, việc thay đổi giảm số năm là để hạn chế người tham gia rút BHXH một lần, thiệt thòi cho họ khi về già. Thế nhưng cần phải xem xét lại tuổi nghỉ hưu sao cho hợp lý hơn. Tôi lấy ví dụ người tham gia BHXH được 15 năm, năm 50 tuổi họ thất nghiệp, không có thu nhập nên không tham gia BHXH nữa. Nếu đề xuất mới quy định tham gia BHXH 15 năm thì được hưởng lương hưu nên họ không được rút BHXH một lần. Như thế, họ phải chờ đến 10 năm nữa mới được hưởng lương hưu. Vậy là chưa hợp lý”.
Nhiều người sẽ được hưởng lương hưu khi về già
Theo Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện còn khoảng 9 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu không có lương hưu và cũng chưa được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Trong khi đó, quy định hiện hành chỉ trợ cấp xã hội đối với người đủ 80 tuổi trở lên. Như vậy, còn một khoảng cách khá lớn giữa tuổi nghỉ hưu và tuổi được hưởng trợ cấp xã hội.
Theo quy định hiện nay, thời gian tham gia BHXH 20 năm dẫn đến nhiều người không đủ kiên nhẫn, rời bỏ hệ thống BHXH. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số người hưởng BHXH một lần lớn và có xu hướng tăng nhanh. Nếu giảm năm đóng BHXH xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm sẽ giúp giảm số người rút BHXH một lần ít nhất trên 10.000 người đến trên 40.000 người/năm.
Thời gian đóng BHXH ngắn thì mức lương hưu có thể thấp. Tuy nhiên, với khoản lương hưu được nhận hằng tháng, người dân vẫn đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già… PV