Xuất hiện căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Ukraine
* Quan hệ Mỹ - Ukraine đang rạn nứt? Trong bài viết đăng ngày 12-3, báo chính trị Mỹ Politico nhận định sự đoàn kết giữa Washington và Kiev liên quan chiến sự Ukraine "đang dần rạn nứt".
Mỹ và Ukraine nhìn chung sát cánh với nhau kể từ khi chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết hỗ trợ Ukraine "lâu nhất có thể" trong việc chống lại chiến dịch quân sự của Nga.
Tuy nhiên, sau hơn một năm chiến sự, ngày càng có nhiều khác biệt đằng sau hậu trường giữa Washington và Kiev về mục tiêu đặt ra trong cuộc chiến, cách thức và thời điểm cuộc xung đột kết thúc.
Theo Politico, dựa trên các cuộc trao đổi với 10 quan chức, nhà lập pháp và chuyên gia, họ nhận thấy những điểm căng thẳng mới đang nổi lên trong quan hệ Mỹ - Ukraine: vụ phá hoại đường ống dẫn khí tự nhiên Nord Stream; việc Ukraine không chịu rút khỏi thành phố Bakhmut; và kế hoạch của Ukraine nhằm lấy lại bán đảo Crimea mà Nga đã tuyên bố sáp nhập năm 2014.
Ngoài ra, một số chính khách Mỹ cũng "càu nhàu" về việc Ukraine liên tục yêu cầu Mỹ cung cấp vũ khí.
Chẳng hạn việc chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky không chịu từ bỏ thành phố Bakhmut, khu vực Donetsk, đông Ukraine, sau nhiều tháng giao tranh ác liệt đã khiến một số quan chức trong chính quyền ông Biden lo ngại rằng Kiev đang "tiêu tốn quá nhiều nhân lực và đạn dược" đến mức không thể tổ chức một cuộc phản công chống lại lực lượng Nga ở những nơi khác vào mùa xuân.
* Cả Nga, Ukraine báo cáo thương vong cao ở Donetsk. "Trong vòng chưa đầy một tuần, bắt đầu từ hôm 6-3, chúng tôi đã tiêu diệt được tổng cộng hơn 1.100 binh sĩ Nga chỉ riêng ở thành phố Bakhmut (khu vực Donetsk, đông Ukraine)" - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong bài phát biểu hằng đêm hôm 12-3, theo Hãng tin Reuters.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng của họ đang tiến hành thêm các hoạt động quân sự ở khu vực Donetsk. Bộ này nói rằng Nga đã tiêu diệt hơn 220 quân nhân Ukraine trong 24 giờ qua.
"Ở hướng Donetsk, hơn 220 quân nhân Ukraine, một xe chiến đấu bộ binh, ba xe chiến đấu bọc thép, bảy xe khác, cũng như một khẩu lựu pháo D-30 đã bị phá hủy trong ngày" - Bộ Quốc phòng Nga thông tin.
Tuy nhiên, Hãng tin Reuters nói rằng họ chưa thể xác minh độc lập các thông tin này.
* Ông Biden lên kế hoạch hạn chế khoan dầu ở Alaska, vòng Bắc Cực. Ngày 12-3, Hãng tin AP (Mỹ) dẫn thông tin từ một quan chức trong chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết ông Biden sẽ ngăn chặn hoặc hạn chế khoan dầu ở khu vực Alaska và Bắc Băng Dương.
Kế hoạch được tiết lộ trong bối cảnh chính quyền ông Biden tuần trước nói rằng họ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có phê duyệt dự án dầu Willow khổng lồ của Công ty năng lượng ConocoPhillips (Mỹ) ở tây bắc Alaska hay không.
Theo AP, kế hoạch có hai phần. Đầu tiên, ông Biden sẽ cấm khoan trong khu vực gần 12.140km2 ở Bắc Băng Dương, đóng cửa phần còn lại của vùng biển liên bang để không cho thăm dò dầu mỏ.
Sau đó, chính quyền sẽ phát triển các quy định mới cho khu vực rộng hơn 52.609km2 trong khu dự trữ dầu mỏ quốc gia ở Alaska.
Anh tăng chi tiêu quốc phòng để đối phó Nga, Trung Quốc
* 8 người chết sau khi 2 tàu lật úp ngoài khơi California. Ngày 12-3, giới chức Mỹ cho biết ít nhất 8 người (chưa rõ quốc tịch) đã thiệt mạng sau khi hai tàu đánh cá bị lật ngoài khơi bờ biển thành phố San Diego, bang California, Mỹ. Đây được coi là vụ vận chuyển người di cư trái phép vào Mỹ.
Theo Hãng tin Reuters, các đội phản ứng khẩn cấp của San Diego bắt đầu hoạt động tìm kiếm và cứu hộ vào tối 11-3, sau khi nhận được cuộc gọi 911 từ một người nói tiếng Tây Ban Nha báo tin về những chiếc tàu đánh cá gặp nạn ngoài khơi bờ biển của San Diego.
Ông James Gartland, người đứng đầu lực lượng cứu hộ San Diego, mô tả khu vực hai tàu bị lật là nơi "nguy hiểm" do có các bãi cạn và dòng chảy rút xa bờ.
Ông gọi đây là một trong những thảm kịch vận chuyển người di cư trái phép trên biển tồi tệ nhất ở California.
* Anh chi 6 tỉ USD cho quốc phòng để đối phó Nga, Trung Quốc. Ngày 12-3, Thủ tướng Anh Rishi Sunak công bố khoản đầu tư 5 tỉ bảng Anh (hơn 6 tỉ USD) vào quốc phòng.
Đây là một phần trong kế hoạch nhằm đối phó với các mối đe dọa địa chính trị đang nổi lên từ Nga và Trung Quốc, theo Hãng tin AFP.
Khoản đầu tư này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cảnh báo vào tháng 1 rằng các lực lượng vũ trang Anh đang "trống rỗng và thiếu kinh phí".
Khoản đầu tư - một phần trong bản cập nhật chiến lược quốc phòng "Làm mới Đánh giá tích hợp năm 2023" (IR23) - sẽ giúp bổ sung kho đạn dược, hiện đại hóa doanh nghiệp hạt nhân của Vương quốc Anh và tài trợ cho giai đoạn tiếp theo của chương trình tàu ngầm trong AUKUS. IR23 cũng đặt mục tiêu tăng chi tiêu quốc phòng Anh lên 2,5% GDP trong dài hạn.
* Fed hỗ trợ các ngân hàng sau vụ Ngân hàng SVB sụp đổ. Ngày 12-3, Hãng tin Bloomberg (Mỹ) dẫn các nguồn thạo tin cho biết Cục Dự trữ liên bang (Fed) - tức Ngân hàng Trung ương Mỹ - đang xem xét nới lỏng những điều khoản cho các ngân hàng tiếp cận cửa sổ chiết khấu của mình để ngăn chặn sự sụp đổ khác tương tự vụ Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB).
Cửa sổ chiết khấu (discount window) là công cụ cho vay của ngân hàng trung ương nhằm giúp các ngân hàng thương mại giải quyết nhu cầu thanh khoản trong ngắn hạn.
Thực tế, một số ngân hàng đã bắt đầu sử dụng cửa sổ chiết khấu này vào hôm 10-3 sau khi SVB đóng cửa.
Động thái trên sẽ nâng cao năng lực của các ngân hàng trong việc đáp ứng yêu cầu rút tiền của người gửi tiền mà không phải bù lỗ bằng cách bán trái phiếu và các tài sản khác vốn đã giảm giá trị trong bối cảnh lãi suất tăng.
Đạn bày bán theo bịch
Các bịch đạn được bày bán đầy rẫy tại Triển lãm súng Des Moines, bang Iowa, ngày 11-3. Bất chấp những nỗi đau giết chóc do súng đạn, nhiều người Mỹ vẫn thích có súng. Theo thống kê, khoảng 44% người trưởng thành ở Mỹ sống trong một gia đình có súng và khoảng 1/3 sở hữu một khẩu súng cá nhân - Ảnh: REUTERS
Cựu thủ tướng Anh thăm Việt Nam; EU thừa nhận cạn kiệt biện pháp trừng phạt Nga; Bỉ cấm nhân viên cài TikTok trên thiết bị công... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 11-3.