Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đậu Anh Tuấn - phó tổng khư ký, trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đã nhấn mạnh như vậy. Ông Tuấn nói:
- Chúng tôi nhận thấy nhiều ngành công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Như ngành ô tô, doanh số bán hàng sụt giảm. Các lĩnh vực điện tử, dệt may, da giày cũng gặp khó mà nguyên nhân chính là từ thị trường thế giới và khó khăn chi phí vốn.
Đây là các ngành cần nhiều vốn lưu động, trong khi lãi suất hiện đang bị đẩy lên quá cao. Dự đoán các lĩnh vực công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn sẽ đối mặt nhiều khó khăn trong năm 2023.
Rất lo sức khỏe doanh nghiệp
* Theo ông, tình hình sức khỏe doanh nghiệp hiện nay có đến mức đáng lo ngại? Không ít doanh nghiệp lớn cắt giảm hàng nghìn lao động, còn doanh nghiệp nhỏ rời bỏ thị trường?
- Chúng tôi đang hết sức lo ngại tình hình sức khỏe của doanh nghiệp.
Các ngành nghề công nghiệp liên quan đến xây dựng như công nghiệp thép, vật liệu xây dựng, gỗ, nội thất cũng đang gặp nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản đóng băng đã ảnh hưởng lớn đến đơn hàng trong các lĩnh vực này. Nhiều doanh nghiệp đã phải cho công nhân tạm nghỉ việc do không có việc.
Với những diễn biến như thế này thì nguy cơ các chỉ số sản xuất công nghiệp sụt giảm và tình trạng mất việc làm tăng là điều có thể xảy ra. Trong hai tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã ít hơn số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
* Những rào cản về môi trường đầu tư kinh doanh, quy định chồng chéo, các thủ tục kinh doanh... vẫn đang còn gây khó khăn cho doanh nghiệp?
- Chúng tôi tiếp tục ghi nhận những quy định làm khó cho doanh nghiệp một cách bất hợp lý. Ví dụ như có doanh nghiệp bưu chính phản ánh, quy định của nghị định xử phạt vi phạm hành chính xử phạt doanh nghiệp ngay cả khi giảm giá cho khách hàng so với giá đã công bố.
Hay như nghị định về xúc tiến thương mại thì có quy định doanh nghiệp không được cho thuê địa điểm làm hội chợ triển lãm khi chưa được UBND cấp tỉnh đưa vào danh mục được tổ chức. Hay sự chồng chéo giữa quy định về đăng ký lưu hành và chứng nhận hợp quy thức ăn chăn nuôi bổ sung và thuốc thú y đã kéo dài nhiều năm nay.
Cần tiếp tục giãn nộp thuế doanh nghiệp
* Cộng đồng doanh nghiệp có kiến nghị và nêu ra những khó khăn nào nhiều nhất tới VCCI và các hỗ trợ của Chính phủ vừa có liệu đã giải quyết được khó khăn hay chưa?
- Chúng tôi nhận được khá nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp, tập trung vào ba vấn đề.
Thứ nhất là vấn đề dòng tiền, hay cụ thể hơn là thuế và tín dụng. Lãi suất cao khiến một số doanh nghiệp không dám vay vốn lưu động để nhập nguyên liệu sản xuất kinh doanh, làm giảm nhu cầu đầu tư các dự án mới. Do đó, giảm lãi suất là điều cần nhất vào lúc này.
Một biện pháp gần đây được Chính phủ áp dụng là cho giãn thời điểm nộp thuế. Chúng tôi rất ủng hộ giải pháp này vì nó có tác dụng như một khoản vay ngắn hạn giá rẻ. Giải pháp chính sách này đã được thực hiện 3 năm qua, chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sớm quyết định áp dụng cho năm 2023.
Thứ hai là thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ đang có dấu hiệu gia tăng. Gần đây, do tâm lý sợ sai, nhiều cơ quan nhà nước đã áp dụng rất máy móc các quy định. Ví dụ có địa phương đang hiểu máy móc các nghị quyết 18 về đất đai nên đã không cho doanh nghiệp thuê đất trả tiền một lần, trong khi đây là quyền lựa chọn của doanh nghiệp theo Luật đất đai hiện hành.
Thứ ba là các ách tắc thời gian qua về đấu thầu, mua sắm công và đầu tư công. Một số doanh nghiệp thường xuyên cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các cơ quan nhà nước gần đây cũng phản ánh tình trạng không bán được hàng do các vướng mắc về thủ tục đấu thầu, mua sắm công. Đây cũng là một nút thắt cần sớm được giải quyết để các nguồn lực được khơi thông.
Chờ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dài hạn
* Hỗ trợ của Chính phủ thời gian qua rất ý nghĩa, song nhiều doanh nghiệp cho rằng cần chính sách tín dụng thiết thực và hiệu quả hơn. Ông đánh giá thế nào?
- Đúng là thời gian qua Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, khi nhận được các khoản hỗ trợ ngắn hạn, bất chợt mà không có trong kế hoạch kinh doanh thì thường các doanh nghiệp sẽ sử dụng để chi trả tăng thêm cho người lao động hoặc sửa sang nhà xưởng, mua sắm thêm một số trang thiết bị. Điều này cũng tốt nhưng chưa đạt hiệu quả tối ưu.
Trong khi đó, nếu một khoản hỗ trợ dài hạn được biết trước thì doanh nghiệp thường sẽ lên kế hoạch để đầu tư, mang lại hiệu quả cao hơn.
Do đó, chúng tôi vẫn tin rằng việc đưa ra các biện pháp hỗ trợ như cấp bù lãi suất tín dụng đã tốt sẽ còn tốt hơn nữa nếu các điều kiện và thủ tục để được hưởng hỗ trợ được quy định và thực thi minh bạch rõ ràng và dự đoán được.
* Theo ông, những vấn đề trọng tâm nhất mà cộng đồng doanh nghiệp cần hỗ trợ lúc này là gì?
- Trong ngắn hạn, các vấn đề về lãi suất, thuế và đầu tư công cần nhanh chóng được xử lý để giúp nền kinh tế trong nước được phục hồi, tránh tắc nghẽn như thời gian qua.
Về dài hạn, cần tiếp tục các chương trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chúng tôi muốn nhấn mạnh yếu tố ổn định pháp lý, các ngành các cấp không điều hành giật cục, mọi sự thay đổi ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp cần có lộ trình để doanh nghiệp có kế hoạch thích ứng.
Xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm giảm trên 13%
Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng 2-2023 có tín hiệu khởi sắc khi bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 2 ước đạt 49,46 tỉ USD, tăng 6,1% so với tháng trước và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, nếu tính chung hai tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 96,06 tỉ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10,4% và nhập khẩu giảm tới 16%.
Điểm sáng là cán cân thương mại hàng hóa hai tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 2,82 tỉ USD.
B.NGỌC
* Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (phó vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê):
Gỡ khó ngay cho sản xuất trong nước
Không chỉ ngành sản xuất ô tô, nhiều lĩnh vực khác như thị trường bất động sản trầm lắng, sản xuất vật liệu xây dựng gặp khó tiêu thụ, các trung tâm thương mại vắng hơn trước đây...
Điều này có thể do một số nguyên nhân: thị trường bất động sản hiện nay gặp khó khăn, lãi suất ngân hàng tăng cao.
Về tiêu dùng, một bộ phận hộ gia đình đang phải chịu những ảnh hưởng do giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng kéo dài từ 2022; thu nhập giảm sút do có thành viên trong độ tuổi lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm... Niềm tin của người tiêu dùng đã liên tục sụt giảm thời gian qua khi giá cả tăng cao.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, chỉ số sản xuất (IIP) và chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 2 đã tăng so với tháng 1 cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã bắt đầu cải thiện sau suy giảm kéo dài từ cuối năm 2022.
Tổng cầu cuối cùng bao gồm chi tiêu dùng cuối cùng, tích lũy tài sản và xuất khẩu ròng.
Hai tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 994.200 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2022 giảm 1,1%).
Chi tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước hai tháng đầu năm 2023 đạt kết quả khả quan, tổng chi ngân sách nhà nước tháng 2-2023 ước đạt 112.700 tỉ đồng; lũy kế hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 242.000 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Về tích lũy tài sản hai tháng đầu năm 2023 cũng đạt kết quả tăng trưởng khá. Điều đó thể hiện, tính chung hai tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 8,3% kế hoạch, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI đăng ký mới tính đến ngày 20-2-2023 ước đạt 1,76 tỉ USD, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy với kết quả 2 tháng đầu năm 2023, có thể nói mức độ suy giảm tổng cầu chưa ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng GDP trong quý 1 và cả năm 2023.
Việc đưa ra gói kích cầu tiêu dùng cuối cùng là chưa thực sự cần thiết. Tuy nhiên, kinh tế thế giới biến động khó lường. Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2023 khoảng 6,5%,
Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt; triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao; nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung vào các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2023 và đầu năm 2024. Đặc biệt, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, gỡ vướng về dòng tiền cho doanh nghiệp phát triển...
“Sản phẩm chúng tôi để vào được siêu thị bán trong thị trường nội địa gặp muôn vàn khó khăn, lại bị sắp xếp nằm ở vị trí rất khó thấy nên hàng bán rất chậm” - ông Cù Văn Thành - tổng giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới - nói.
Xem thêm: mth.32652403221303202-peihgn-hnaod-ort-oh-hcab-pac-nac/nv.ertiout