Việc một cuộc suy thoái ngấp nghé xảy ra có thể không có gì mới mẻ với nhiều người đã ngoài 40 nhưng lại là lần đầu tiên đối với những công dân trẻ tuổi, khiến họ phải vật lộn tìm cách quản lý chi tiêu.
Khảo sát do PwC thực hiện trên 9.180 người tiêu dùng ở 25 quốc gia và vùng lãnh thổ vào tháng 12-2022 cho thấy 40% người thế hệ gen Z rất lo ngại về tình hình tài chính hiện tại của bản thân và có ý định thực hành tiết kiệm chi phí trong 6 tháng tới. Tỉ lệ này ở lứa millennials thậm chí còn cao hơn - 43%.
Nhìn chung ở tất cả các lứa tuổi tham gia khảo sát của PwC, tỉ lệ có ý định thực hành tiết kiệm chi phí trong 6 tháng tới lên đến 96%, với 42% dự kiến sẽ giảm đáng kể chi tiêu của họ cho tất cả các khoản.
Chẳng hạn, họ sẽ ít đi du lịch hơn, chuyển sang một nhãn hiệu rẻ hơn cho từng sản phẩm cụ thể, thậm chí thôi không mua một sản phẩm mà họ từng dùng thường xuyên.
Đối với các mặt hàng tạp hóa - lĩnh vực lẽ ra ít có khả năng bị cắt giảm nhất, có tới 24% người tiêu dùng cho biết họ sẽ giảm chi tiêu khoản này, so với chỉ có 12% dự định làm vậy trong cuộc khảo sát hồi tháng 6.
Tương tự, số người dự định tăng mua sắm trực tuyến trong vòng nửa năm tới đã giảm từ 50% hồi tháng 6 xuống 43%, dự định mua sắm trực tiếp cũng giảm từ 33% xuống 23%.
Về tình hình mua sắm thực tế trong 3 tháng cuối năm ngoái, 68% người được khảo sát nói rằng giá tăng có tác động lớn nhất đến trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng của họ, 48% cho biết việc giá hàng gia dụng tăng cao là vấn đề họ thường xuyên gặp phải khi mua sắm trực tuyến.
Tại Nhật, giá cả tăng cao đang làm tổn thương người tiêu dùng, đặc biệt là người trẻ. Tổng số tiền tiết kiệm tích lũy trong những năm COVID lên đến 64 ngàn tỉ yen (498 tỉ USD) cũng không giúp gì mấy cho kích thích tiêu dùng, theo báo cáo đầu tháng 2 của Văn phòng Nội các Nhật Bản.
Với Jumpei Shintani, một nhân viên văn phòng 29 tuổi ở Tokyo, làn sóng tăng giá ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của anh.
Là người không bao giờ nấu ăn ở nhà mà luôn ăn ở ngoài hoặc mua đồ ăn sẵn ở các cửa hàng tiện lợi, gần đây anh "sốc khi thấy giá món gà rán tăng", Shintani nói với Japan Times.
Gà rán nằm trong số 12.054 mặt hàng dự kiến sẽ tăng giá tại Nhật trong năm nay do chi phí nguyên vật liệu và hậu cần cao, theo kết quả một khảo sát 195 doanh nghiệp đồ uống và thực phẩm, do công ty nghiên cứu tín dụng Teikoku Databank thực hiện, Kyodo News dẫn lại.
Trong số đó, giá của 5.463 mặt hàng, chẳng hạn thực phẩm đông lạnh và hải sản, được nâng trong tháng 2; 2.716 mặt hàng thực phẩm, bao gồm cả bánh kẹo, dự kiến sẽ tăng giá trong tháng 3; và 3.192 mặt hàng sẽ tăng giá vào tháng 4. Teikoku dự đoán việc tăng giá từ 2.000 đến 3.000 mặt hàng mỗi tháng sẽ tiếp tục cho đến mùa hè này.
Đối mặt với tình trạng lạm phát quá cao, một bộ phận người trẻ Hàn Quốc cũng đã áp dụng cách chi tiêu thận trọng hơn.
Từ khoảng cuối mùa hè năm ngoái, mạng xã hội Hàn Quốc xuất hiện thử thách "không tiêu pha" - giảm tất cả các khoản chi tiêu hằng ngày nhiều nhất có thể - được giới trẻ hưởng ứng tích cực, cho đến nay vẫn còn.
Trang E-Daily ngày 2-2 nêu "điển hình" của trào lưu này: một thanh niên khẳng định không phải tốn một đồng nào trong ngày.
Anh chia sẻ: "Lúc đầu chỉ cố không chi xài gì nhiều, dần dần tôi cắt luôn khoản chi phí đi lại bằng cách đi bộ". Một người khác, đang trong độ tuổi 20, đã hoàn thành 17 ngày trong mục tiêu "31 ngày không tiêu pha".
"Chi phí nhà ở, viễn thông, đi lại là những chi phí cố định nên rất khó cắt giảm. Tôi đặt ra ngân sách hàng tháng và chi tiêu, nhưng tháng trước tôi thường đi bộ về nhà sau khi tan làm để tập thể dục, vì vậy tôi tiết kiệm được nhiều chi phí đi lại. Nếu bạn sử dụng nhiều phương pháp tương tự, có thể kiểm soát được rất nhiều khoản" - anh chia sẻ.
Trong khi đó, theo báo Ulsan Jeil Ilbo ngày 5-2, một cách thắt lưng buộc bụng khác của người tiêu dùng Hàn Quốc giữa bão giá là sử dụng sổ tay chi tiêu gia đình và phiếu mua hàng giảm giá (coupon).
Đối với coupon, doanh số các phiếu dành cho dịch vụ buffet, nhà hàng, ăn uống tăng vọt 435% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước.
Chẳng hạn, trên trang thương mại điện tử 11Street, doanh số coupon để được mua giảm giá pizza và gà tăng 86%, nhà hàng và buffet tăng 202%, bánh các loại tăng 25% so với năm ngoái.
Có trường hợp còn bán lại coupon được tặng thông qua ứng dụng mua bán đồ cũ Karrot để có thêm phần nào chi phí sinh hoạt.
Đồ sắp hết hạn và được giảm giá ở các cửa hàng tiện lợi cũng rất được ưa chuộng. Điển hình tại hệ thống Emart 24, lượng mua hàng cận "đát" trong tháng 1 tăng 45% so với tháng 12.
Số lượng người Hàn tới các cửa hàng tiện lợi mua đồ ăn chế biến sẵn sắp hết hạn hoặc dùng phiếu ăn trưa giảm giá trả tiền theo tháng cũng tăng 20%.
Tại chuỗi 7-Eleven, đồ gia dụng giá rẻ được trưng bày tại một góc riêng là mặt hàng hot được người tiêu dùng Hàn săn lùng. Từ tháng 8 đến tháng 12 năm ngoái, doanh số từ những kệ hàng này đã tăng 250% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là nhu yếu phẩm hằng ngày như sữa tắm và chất tẩy rửa nhà bếp.
Nhãn hàng siêu rẻ Good People của 7-Eleven cũng tăng doanh số 30% trong quý cuối năm ngoái so với quý trước đó. Lý do các mặt hàng được bán với giá thấp hơn nhiều so với giá ban đầu là do chúng bị lỗi nhưng chất lượng không bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo về thị trường giao đồ ăn 6 nước ASEAN của Momentum Works, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của dịch vụ này tại Việt Nam trong năm 2022 là 1,1 tỉ USD. Đằng sau con số tỉ đô người Việt đã chi để "ăn qua app" này là gì?
Báo cáo của Momentum Works cho biết Việt Nam nằm trong nhóm tổng chi tiêu cho dịch vụ giao đồ ăn tăng, cùng với Malaysia và Philippines, trong khi GMV của thị trường giao đồ ăn tại Singapore, Thái Lan và Indonesia cùng giảm.
Bà Lê Nguyễn Ngọc Dung, giám đốc phát triển đối tác GoFood (Gojek Việt Nam), cho biết từ khi đại dịch bắt đầu năm 2020, thói quen tiêu dùng của người dân có sự thay đổi lớn, ngày càng nhiều người chuyển dịch sang sử dụng các nền tảng thương mại điện tử bao gồm các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến.
Trong giai đoạn dịch, khi dịch vụ ăn uống gặp khó khăn do hạn chế về di chuyển, thị trường giao đồ ăn trực tuyến đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về lượng sử dụng.
Năm 2022, khi các hạn chế được dỡ bỏ, cuộc sống dần trở lại bình thường, dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến vẫn tiếp tục phát triển và trở thành ngành công nghiệp tỉ đô vào cuối năm.
Tần suất đặt món trực tuyến trên GoFood trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022 tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021.
Đại diện của ShopeeFood cũng nhận định thị trường dịch vụ giao đồ ăn có sự tăng trưởng đáng kể những năm gần đây, đặc biệt là năm 2022.
Ở các sự kiện khuyến mãi vào dịp "ngày đôi" (chẳng hạn 3-3), TP.HCM luôn là thành phố có lượng đơn đặt món cao nhất trên cả nước và người dùng có xu hướng đặt món nhiều nhất vào khung giờ trưa.
Bên cạnh đó, người dùng tại các tỉnh thành nhỏ cũng bắt đầu chuyển sang sử dụng nền tảng số cho các nhu cầu gọi đồ ăn thức uống trực tuyến - tại Quảng Nam, số người dùng ShopeeFood năm 2022 đã tăng gấp đôi so với năm trước.
Đại diện ShopeeFood cho biết lượng người dùng tích cực nhất trên nền tảng này thường ở độ tuổi từ 18 - 22, với số lượng đơn đặt hàng tăng trưởng đáng kể trong năm 2022 so với một năm trước đó. Trong đó, trà sữa là thức uống được yêu thích nhất.
Trà sữa cũng dẫn đầu danh sách các thức uống được đặt hàng nhiều nhất trên GoFood tại cả Hà Nội và TP.HCM.
Số liệu của Gojek Việt Nam còn cho thấy ở các thành phố lớn có sự khác biệt về sở thích dành cho các món đồ ăn thức uống.
Trong giai đoạn nửa đầu năm 2022, xu hướng tiêu dùng có sự khác biệt ở các món đồ ăn thức uống được ưa chuộng.
Ngoài trà sữa, tại TP.HCM, người dùng chuộng các món có tính giải khát như nước ép, sinh tố, rau má, trong khi tại Hà Nội, người dùng lại chọn món ăn thanh nhẹ như chè và sữa chua.
Theo Statista, dự kiến quy mô của thị trường dịch vụ đặt đồ ăn trực tuyến Việt Nam đạt 2,7 tỉ USD đến năm 2025 (con số toàn cầu là 1,45 ngàn tỉ USD).
Trang Linh, sinh viên năm 1 Trường đại học Luật TP.HCM, có việc làm thêm. Hầu hết thời gian trong ngày, Linh đi học hoặc làm việc, nên ăn ở nhà trở thành điều xa xỉ.
Trong tuần, Linh thường chỉ có hai buổi tối cuối tuần là có thể ăn ở nhà. Còn lại, cô gọi đồ ăn bên ngoài hoặc đến hàng quán.
Bắt đầu sử dụng ứng dụng đặt thức ăn từ năm lớp 9 và đặt hàng nhiều nhất vào những năm cấp 3, Linh cho biết thói quen này hình thành do cô học bán trú.
"Ở trường có suất ăn, nhưng chỉ khoảng 15 - 20% các bạn đăng ký vì các món ăn không đa dạng, mỗi phần ăn cũng ít, trong khi với cùng giá đó, tụi mình có thể đặt đồ ăn bên ngoài với nhiều lựa chọn hơn" - nữ sinh viên Gen Z này nói.
Linh giải thích dịch vụ giao nhận đồ ăn giúp cô không phải di chuyển, lại có thể thử nhiều món khác nhau với mức giá hợp lý nhờ mã khuyến mãi, chương trình giảm giá, hoặc đặt cùng bạn bè nên chi phí ship hầu như không đáng kể.
"Mình cũng dự định lên kế hoạch chi tiêu, hạn chế ăn bên ngoài bằng cách mang cơm theo, nhưng nhiều lúc không tiện. Mình không có thời gian, lười và cảm thấy việc mang đồ ăn theo rất rườm rà, lỉnh kỉnh" - cô giải thích.
Mặt trái của việc đặt hàng qua mạng, bên cạnh tốn kém, là nhiều lúc món ăn không như mong đợi. Dù ra quán hay đặt qua ứng dụng, khi thấy món ăn không đẹp hoặc có vẻ kém vệ sinh, Linh nói cô sẽ không ăn.
Ngọc Tuyền, nhà sáng lập cộng đồng Dear Our Community dành cho người trẻ, cho biết mình ăn bên ngoài rất nhiều, cả ra quán lẫn gọi qua app, vì ở một mình nên ít nấu ăn tại nhà.
Đi với bạn bè thì chi phí sẽ cao hơn, và mức giá 300 - 500 ngàn mỗi người theo Tuyền là chấp nhận được.
Không phải là người thích "phiêu lưu", Tuyền cho biết cô chủ yếu chỉ dùng một ứng dụng để đặt món ăn và cũng chỉ chọn các quán quen để đặt lại món cũ. Tuyền cho rằng việc không ở cùng cha mẹ góp phần không nhỏ vào việc cô ăn bên ngoài nhiều.
Ở công ty cũ, Tuyền từng thấy nhiều bạn trẻ mang theo cơm nấu sẵn từ nhà, không chỉ tiết kiệm mà còn an toàn hơn. Bản thân cô từng bị ngộ độc thực phẩm vì ăn uống bên ngoài.
Anh Hoàng Nam, hiện là nhân viên làm theo ca trực tại quận 3 (TP.HCM) cho biết ngoài giờ hành chính, anh thường xuyên có những buổi gặp bạn bè và đối tác để bàn công việc bên ngoài.
Vì thời gian làm việc không cố định, có những lúc đi về rất khuya, anh Nam nhấn mạnh sẽ rất "oải" nếu còn phải nấu ăn.
"Mình sẽ ăn ở quán hoặc đặt tạm đồ ăn về, vì mình muốn ăn xong và nghỉ ngơi sớm. Đó là điều quan trọng nhất. Hơn nữa, khi mình về, người trong gia đình hầu như đều đã đi ngủ, nên ngồi ăn một mình hoài cũng rất buồn" - anh nói.
Trái với Ngọc Tuyền, Nam dùng khá nhiều ứng dụng khác nhau để đặt hàng, nhờ vậy nhận ra ứng dụng nào có các khuyến mãi tốt tùy từng thời điểm.
Ngoài ra, đặt thức ăn qua ứng dụng tiện lợi hơn vào những lúc thời tiết quá nóng, mưa lớn, hoặc khi tập thể phòng có những bữa ăn xế chiều, không chỉ sạc năng lượng mà còn tăng sự giao lưu, gắn kết.
Là những người đã đi làm nhiều năm, cả anh Nam và Tuyền, đại diện thế hệ 8x và 9x, đều cho biết bản thân từng lên kế hoạch chi tiêu cho việc ăn uống hằng tháng và hiện nay đã tạo thành thói quen khá ổn định.
"Mức chi tiêu của mình luôn nằm trong giới hạn cho phép. Thỉnh thoảng có tháng dư, có tháng hụt, nhưng cơ bản không vượt ra ngoài khả năng kiểm soát" - anh cho biết.
Điều tiếc nuối của Nam, và có lẽ cũng của nhiều người khác, là muốn ăn ở nhà vì biết rõ việc ăn bên ngoài sẽ không tiết kiệm được, nhưng không thể. "Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng khiến mình bất an, nhiều lúc "nhắm mắt cho qua", chưa kể món ăn không hợp khẩu vị" - anh nói.
Xem thêm: mth.84980740270303202-ppa-auq-na-teiv-ert-iougn/nv.ertiout