Trong thông báo chung hôm 12/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và Chủ tịch Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) Martin J. Gruenberg cho biết toàn bộ tiền gửi tại SVB sẽ được bảo đảm. Kể cả các khoản không được bảo hiểm theo quy định của FDIC (lớn hơn 250.000 USD). Người gửi sẽ được tiếp cận tiền của mình kể từ ngày 13/3.
Đây là nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn việc các ngân hàng bị rút tiền thêm nữa. Nó cũng đồng thời giúp các công ty gửi số tiền lớn tại SVB tiếp tục trả lương nhân viên và hoạt động bình thường.
Chính phủ Mỹ cũng khẳng định người dân sẽ không phải chịu trách nhiệm với bất kỳ khoản thiệt hại nào liên quan đến SVB.
Giới chức Mỹ đang chạy đua xoa dịu lo ngại về sức khỏe của hệ thống tài chính nước này, sau vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank cuối tuần trước. Sau vài ngày rơi vào rắc rối nghiêm trọng vì thiếu vốn, SVB đã bị giới chức California đóng cửa hôm 10/3, chuyển quyền quản lý tài sản cho FDIC. Đây là vụ sụp đổ lớn nhì lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, sau Washington Mutual năm 2008.
Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ khẳng định các nỗ lực của chính phủ không nhằm giải cứu SVB. Cổ đông và trái chủ của SVB vẫn sẽ chịu thiệt hại.
Người này cho biết nhiều ngân hàng dường như cũng đang gặp vấn đề tương tự SVB. Sau vụ sụp đổ của nhà băng này, cổ phiếu nhiều ngân hàng địa phương đã lao dốc theo.
Fed cũng thông báo sẽ lập "Chương trình cấp vốn ngân hàng", cung cấp khoản vay cho các ngân hàng với điều khoản nới lỏng hơn bình thường. Quan chức Fed cho rằng chương trình này có quy mô đủ lớn để bảo vệ các khoản tiền gửi không được bảo đảm trong hệ thống ngân hàng Mỹ.
Bộ Tài chính cũng sẽ "dành ra 25 tỷ USD từ Quỹ Bình ổn Hối đoái" cho chương trình của Fed. Dù vậy, Fed không kỳ vọng dùng đến.
Hà Thu (theo Bloomberg, CNN)