Nghị quyết nêu quan điểm, là các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm; chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững; không siết chặt các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán... cho bất động sản một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát.
Mục tiêu của nghị quyết là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản; ngăn chặn tình trạng thị trường "phát triển nóng" hoặc "đóng băng"...
Trên cơ sở đó, nghị quyết đưa ra các giải pháp trước hết là hoàn thiện thể chế. Trong đó tập trung xây dựng và trình Quốc hội xem xét, ban hành "nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội".
Định hướng sẽ tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn hiện nay liên quan đến triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản.
Triển khai hiệu quả đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của các địa phương.
Đáng chú ý, để hỗ trợ nguồn vốn cho chương trình này, sẽ triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng, lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn của ngân hàng thương mại, gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank.
Để tháo gỡ khó khăn về vốn, nghị quyết nhấn mạnh việc điều hành linh hoạt đồng bộ các chính sách, tạo điều kiện để các bên nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ...). Có biện pháp phù hợp, hiệu quả giảm lãi suất cho vay.
Trong đó tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên các dự án bất động sản nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, thanh khoản tốt.
Về vốn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, không cản trở doanh nghiệp có đủ năng lực có thể huy động vốn để phục hồi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 12-3, ông Lê Hữu Nghĩa, giám đốc Công ty TNHH thương mại - xây dựng Lê, cho biết nghị quyết số 33 của Chính phủ đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề, đầu tiên là yếu tố "niềm tin", giúp thấy được ngành bất động sản đã được Chính phủ quan tâm, tháo gỡ các vướng mắc.
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng là cơ sở để thúc đẩy các địa phương, bộ ngành hành động thông qua việc giao các thời hạn để các cơ quan đưa ra các giải pháp cụ thể.
Riêng đối với các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, ông Nghĩa cho biết nghị quyết đã "chốt" nội dung các ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ giảm 1,5 - 2% lãi suất cho những người vay mua nhà thông qua gói 120.000 tỉ đồng.
Theo ông Nghĩa, đây là điểm sáng về tín dụng cho nhu cầu ở thực, song cũng cần nhìn nhận thực tế đây là gói mang tính tự nguyện của các ngân hàng thương mại. Với mức lãi suất cho vay đối với bất động sản hiện ở mức cao, khoảng 14%/năm, việc giảm lãi suất trên chỉ phần nào hỗ trợ người mua nhà, tính kỹ ra lãi suất vẫn cao.
Do đó, ông Nghĩa cho rằng Chính phủ cần đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết để cấp bù lãi suất, cho người mua nhà ở xã hội lẫn doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở này được hưởng lãi suất ưu đãi khoảng 5%/năm. "Chính sách này mới giúp cho nhà ở xã hội phát triển nhanh. Còn không sẽ khó đẩy mạnh tốc độ xây dựng nhà ở xã hội tại các địa phương", ông Nghĩa nói.
Các doanh nghiệp đánh giá việc Chính phủ ban hành nghị quyết 33 đã mang lại nhiều 'điểm sáng' giúp gỡ khó thị trường bất động sản song muốn bứt tốc thực thi.
Xem thêm: mth.37424323221303202-iht-ahk-nas-gnod-tab-na-ud-ohc-on-naoh-naig/nv.ertiout