Ngày 13-3, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi các phó chủ tịch và các ủy viên UBND tỉnh để xin ý kiến về dự thảo quyết định quy định quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Đà Lạt. Sau khi xin ý kiến, sẽ có quyết định mới thay thế quyết định số 47/2017 của UBND tỉnh về bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt.
Đáng chú ý, trong dự thảo mới, Dinh Tỉnh trưởng (đường Lý Tự Trọng) cùng Dinh Nguyễn Hữu Hào (đường Hùng Vương) được xếp vào nhóm 2, thay vì ở trong nhóm 1 (nhóm bảo tồn nghiêm ngặt) như các quyết định trước đó.
So với quyết định 47/2027, dự thảo đã giảm số biệt thự ở nhóm 1 và 2, tăng số biệt thự ở nhóm 3.
Cụ thể, nhóm 1 gồm biệt thự có giá trị điển hình về nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan, lịch sử, văn hóa (3 biệt thự); nhóm 2 gồm biệt thự không thuộc nhóm 1 nhưng có giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan, lịch sử, văn hóa (72 biệt thự); nhóm 3 gồm 91 biệt thự.
Cũng theo dự thảo: "Biệt thự nhóm 1 khi cải tạo phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao. Đối với biệt thự nhóm 2, khi cải tạo phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài.
Đối với nhà biệt thự thuộc khu vực đã có quy hoạch chi tiết thì thực hiện theo quy hoạch chi tiết được duyệt. Không được phá dỡ nhà biệt thự nhóm 1, 2 nếu chưa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ theo xác nhận kết quả đánh giá an toàn công trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại thì phải theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao của nhà biệt thự cũ hoặc đảm bảo phù hợp quy hoạch chi tiết của khu vực được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…".
Như vậy nếu dự thảo được thông qua, việc cải tạo Dinh Tỉnh trưởng, Dinh Nguyễn Hữu Hào không áp dụng các quy định về bảo tồn nghiêm ngặt, đảm bảo tính nguyên vẹn từ hình dáng bên ngoài cho đến cấu trúc bên trong. Cụ thể, khi cải tạo chỉ cần phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài, không nhất thiết phải tuân thủ về: cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao.
Như Tuổi Trẻ đã phản ánh, cuối năm 2021, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định về phương án sẽ xây tổ hợp khách sạn ở khu vực Đồi Dinh (có Dinh Tỉnh trưởng). Với phương án này, Dinh Tỉnh trưởng sẽ được giữ lại nhưng sẽ nằm trên đỉnh tổ hợp khách sạn 28m.
"Nếu chiếu theo dự thảo này, nếu quyết định được ban hành, việc Dinh Tỉnh trưởng được phá đi để xây dựng lại theo dạng mô hình (tỉ lệ 1:1) hoặc được bứng lên khỏi mặt đất là hoàn toàn có thể xảy ra. Dưới góc nhìn pháp lý, dự thảo này nếu được thông qua, trở thành quyết định có hiệu lực thì coi như đã xong việc "dọn đường" để tác động vào Dinh Tỉnh trưởng, thay đổi toàn diện Đồi Dinh", luật sư, kiến trúc sư Nguyễn Hồ phân tích.
Hội Kiến trúc sư Việt Nam khuyến nghị chuyện Đồi Dinh
Ngay khi tỉnh Lâm Đồng chốt phương án vào năm 2021, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị tỉnh Lâm Đồng cần có ứng xử phù hợp và tuân thủ chặt chẽ vận hành quy trình pháp lý, đừng để không gian thành phố bàng hoàng vì sự đổi thay khắc nghiệt.
Trong nội dung trả lời của mình, Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu các nội dung tỉnh Lâm Đồng cung cấp không đủ để hội có thể tham gia ý kiến mới. Hội tiếp tục bảo lưu quan điểm Hội đã gửi đến UBND tỉnh Lâm Đồng năm 2020 khi tỉnh đưa ra các phương án quy hoạch không gian Đồi Dinh.
Trong các phương án đưa ra thời điểm đó, phương án nào cũng hướng đến việc xây dựng khách sạn trong khu đất vàng khoảng 5ha ở điểm cao nhất trung tâm Đà Lạt.
"Vì mục đích trân trọng, bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên để xây dựng thành phố di sản Đà Lạt, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị UBND tỉnh và Sở Xây dựng Lâm Đồng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phản biện của các chuyên gia, kiến trúc sư trong cả nước và không nên xây dựng công trình khách sạn trên đồi Dinh Tỉnh trưởng ở thành phố Đà Lạt".
TTO - Liên quan công trình đồi Dinh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị tỉnh Lâm Đồng cần có ứng xử phù hợp và tuân thủ chặt chẽ vận hành quy trình pháp lý. Đừng để không gian thành phố bàng hoàng vì sự đổi thay khắc nghiệt.