SVB sụp đổ: Liệu có lặp lại lịch sử của Lehman Brothers?
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Phố Wall đã chuẩn bị sẵn sàng cho "khoảnh khắc Lehman" tiếp theo - ám chỉ sự sụp đổ năm 2008 của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers gây ra ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng với tài chính toàn cầu nói chung và với những người làm trong giới tài chính Phố Wall nói riêng.
Mới đây nhất, sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) đã khiến không ít người liên tưởng đến Lehman Brothers. Với hơn 200 tỷ USD tài sản, đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ kể từ năm 2008. Tuy nhiên, theo giới phân tích, quy mô và tính chất 2 vụ việc hoàn toàn khác nhau.
SVB sụp đổ không phải "khoảnh khắc Lehman"
Cổ phiếu của nhiều ngân hàng tại Mỹ đã lao dốc trong những ngày gần đây. Nguyên nhân chủ yếu là việc nhà đầu tư lo ngại rằng các khoản lỗ của SVB là dấu hiệu cho thấy rủi ro hệ thống đang lan rộng khắp ngành ngân hàng, dẫn tới việc các ngân hàng thua lỗ hay thậm chí là có thể sụp đổ theo.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây không phải là "khoảnh khắc Lehman", ít nhất là đến hiện tại.
Ngày 10/3, Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) chính thức quản lý SVB. Đơn vị này sẽ thanh lý tài sản của SVB để trả cho người gửi tiền và các chủ nợ của ngân hàng. Trong khi đó, công ty mẹ của ngân hàng này là SVB Financial, đang chật vật tìm người mua lại các tài sản của mình.
Tuy nhiên, cũng giống Lehman, việc này sẽ rất khó khăn, dẫn tới khả năng sụp đổ hoàn toàn. Hay nói cách khác, sự sụp đổ giống như Lehman Brothers gần như không thể tránh khỏi đối với SVB.
Nhưng tin tốt là tác động mà sự sụp đổ của SVB gây ra nhiều khả năng sẽ không nghiêm trọng như Lehman Brothers.
Hoạt động kinh doanh của SVB khá đặc trưng khi chủ yếu phục vụ các đơn vị đầu tư mạo hiểm và startup ở Thung lũng Silicon. Điều đó làm tăng rủi ro của SVB khi những khách hàng chính của họ gặp khó khăn và cần rút tiền gửi.
Trong khi đó, những ngân hàng lớn khác như JPMorgan có cơ sở khách hàng đa dạng hơn nên không cần quá lo lắng về việc bán trái phiếu dài hạn để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng.
Paul Krugman - nhà kinh tế học người Mỹ từng đạt giải Nobel Kinh tế năm 2008, cũng không cho rằng sự sụp đổ của SVB giống với Lehman Brothers.
Ông đã lập luận tại sao sự thất bại của SVB không phải là "điềm báo cho toàn bộ hệ thống ngân hàng" hay lặp lại lịch sử của Lehman Brothers. Theo Krugman, tiền gửi tại SVB tăng vọt bởi đơn vị này là một phần quan trọng của hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm công nghệ vốn nhận được rất nhiều vốn trong thời gian đại dịch.
"Theo tôi, SVB giỏi một cách bất thường trong việc vun đắp mối quan hệ với Thung lũng Silicon, cụ thể là các công ty đầu tư mạo hiểm", vị giáo sư nhận xét.
Krugman tin rằng có rất ít khả năng lây lan sang các ngân hàng khác. "Tôi cho rằng sự việc trên giống như một cuộc khủng hoảng ở quy mô nhỏ", ông nói.
Khác biệt về quy mô
Xét về quy mô, SVB là ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ với khối tài sản 209 tỷ USD. Trong khi đó, vào thời điểm phá sản, Lehman Brothers là ngân hàng đầu tư lớn thứ tư tại Mỹ với 639 tỷ USD tài sản. Vì thế, SVB được đánh giá là vẫn chưa đủ sức để gây ra cuộc khủng hoảng tương tự năm 2008.
Việc Lehman Brothers đệ đơn phá sản ngày 15/9/2008 khiến chỉ số Dow Jones giảm hơn 500 điểm - lần giảm mạnh nhất từ khi thị trường mở cửa lại sau ngày 11/9/2001. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq giảm 81,36 điểm và chỉ số S&P 500 giảm 59 điểm. Trong ngày 15 và 16/9, tất cả sàn giao dịch ở châu Âu và những thị trường chứng khoán châu Á không nghỉ Tết Trung thu đều bị mất giá.
Còn về tác động của SVB, nhiều cổ phiếu ngân hàng lớn của Mỹ đã đồng loạt bị bán tháo. Cụ thể, vốn hóa của 4 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ gồm JPMorgan, Bank of America, Wells Fargo và Morgan Stanley đã bị thổi bay tổng cộng 55 tỷ USD chỉ trong phiên giao dịch ngày 9/3.
Thậm chí, cổ phiếu của một số ngân hàng như First Republic Bank, PacWest and Signature Bank đã bị tạm dừng giao dịch. Tuy nhiên, đến ngày 10/3, cổ phiếu JPMorgan đã phục hồi nhẹ trong khi giá cổ phiếu của First Republic Bank giảm thêm 20%.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/3, chỉ số Dow Jones giảm phiên thứ 4 liên tiếp, mất 345,22 điểm. Chỉ số S&P 500 và Chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm nhẹ.
Theo Deepak Shenoy - chuyên gia của công ty tư vấn Capitalmind, SVB không có quy mô như Lehman mà giống với quỹ phòng hộ Long-Term Capital Management quản lý 126 tỷ USD. Năm 1998, Long-Term Capital Management từng suýt sụp đổ nhưng đã may mắn thoát khỏi tình cảnh đó.
Ngày 10/3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ - Wally Adeyemo đã trấn an người dân về sức khỏe của hệ thống ngân hàng nước này. "Các nhà chức trách liên bang đang theo dõi SVB. Thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn tự tin vào sức khỏe của toàn hệ thống. Chúng tôi có những công cụ cần thiết để ứng phó với các sự cố tương tự những gì đã xảy ra với SVB", ông Adeyemo cho biết.
Không những vậy, lo ngại về tác động dây chuyền trong hệ thống tài chính sau sự việc lần này cũng ít hơn vì kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Mỹ đã cải tổ nhiều quy định về quản lý ngân hàng.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Larry Summers đã cảnh báo về "hậu quả đối với Thung lũng Silicon và với nền kinh tế của lĩnh vực đầu tư mạo hiểm" nếu chính phủ không can thiệp nhưng cho rằng sẽ không có rủi ro hệ thống nếu sự việc của SVB được giải quyết hợp lý.
Cùng chung quan điểm, nhà phân tích Mike Mayo của ngân hàng Wells Fargo tin rằng cuộc khủng hoảng ở SVB chỉ là trường hợp cá biệt.
Nội dung: Hạnh Vũ (tổng hợp)
13/03/2023