Theo Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài (Đại học Kinh tế TPHCM - UEH), vùng Đông Nam Bộ đang đối diện nhiều điểm nghẽn từ kinh tế, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ đến tài nguyên nước. Đây là một trong những nội dung nghiên cứu được GS Hoài công bố tại hội thảo về "Động lực phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ" do UEH tổ chức ngày 10/3.
Ông cho biết tỷ lệ lao động có kỹ năng qua đào tạo của vùng Đông Nam Bộ chỉ xấp xỉ bằng mức trung bình của cả nước âm 25%. Tỷ lệ này đối với Đông Nam Bộ là không ổn do khu vực này xác định phát triển công nghiệp, công nghệ cao.
GS Nguyễn Trọng Hoài cũng tính toán kinh tế khu vực Đông Nam Bộ đang có dấu hiệu thâm dụng năng lượng ngày càng lớn. Tỷ lệ GRDP tạo ra trên cùng một đơn vị điện năng của hầu hết địa phương, trừ TPHCM, đều theo xu hướng đi xuống trong hơn 10 năm qua.
Như vậy, sự hiệu quả trong sản xuất, xét từ yếu tố đầu vào là điện năng, ngày càng giảm dần. Chỉ TPHCM thể hiện được sự tối ưu về hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động kinh tế.
"Việc tỷ lệ GRDP trên điện năng giảm theo thời gian có thể suy ra công nghệ và trình độ quản trị có xu hướng chậm thay đổi theo thời gian và chưa bắt kịp với kỳ vọng tăng trưởng xanh và thân thiện với môi trường của vùng Đông Nam Bộ", GS Hoài nêu quan điểm.
Song song đó, tỷ trọng chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trên GRDP của vùng Đông Nam Bộ vẫn tăng nhưng ở mức thấp. Kinh tế khu vực này có dấu hiệu chững lại về tăng trưởng do trong nhiều năm vẫn dựa vào thâm dụng vốn, lao động ít kỹ năng, thâm dụng năng lượng, thâm dụng tài nguyên trong quá trình phát triển kinh tế.
Với những điểm nghẽn trên, tăng trưởng GRDP của vùng Đông Nam Bộ đang chững lại. Nền kinh tế của các địa phương Đông Nam Bộ có độ mở cao nhưng hệ thống giao thông liên kết chưa đồng bộ, đặc biệt là tại TPHCM khiến chi phí logistics bị đội lên, dẫn đến sức cạnh tranh càng suy giảm.
Theo GS Hoài, Đông Nam Bộ phải phá vỡ điểm nghẽn thâm dụng lao động ít kỹ năng, thâm dụng vốn, thâm dụng năng lượng và tài nguyên, tính hình thức trong liên kết vùng.
Một số gợi ý để tái cấu trúc nền kinh tế của khu vực này theo ông là phát triển các ngành kinh tế dịch vụ hướng đến hiệu quả, đổi mới sáng tạo, thâm dụng nguồn nhân lực trình độ cao và công nghệ cao, chuyển đổi số, sản xuất tuần hoàn, sản xuất xanh.
Từng địa phương trong vùng Đông Nam Bộ cần kiến tạo hệ sinh thái thúc đẩy chuyển đổi và phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ hiện hữu theo tiếp cận hiệu quả, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số và kinh tế số. Song song đó, các tỉnh, thành thuộc khu vực này cần từng bước tái cấu trúc các khu công nghiệp. Các khu công nghiệp hiện hữu cần sớm được bổ sung hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, có lộ trình chuyển đổi sang khu công nghiệp xanh, từng bước hình thành mạng lưới cộng sinh công nghiệp theo cơ chế tuần hoàn.
Một vấn đề đặc biệt quan trọng theo GS Hoài là Đông Nam Bộ phải có một hội đồng vùng hoạt động hiệu quả với cơ chế vượt trội, được trao quyền quản trị các nguồn lực đầu tư giải quyết những vấn đề liên vùng. Hội đồng vùng phải sử dụng công cụ là quy hoạch vùng để quản trị các tài sản chung như lưu vực sông, giao thông kết nối các địa phương, an toàn thực phẩm, chuỗi logistics, cơ sở dữ liệu dùng chung.