Các lãnh đạo chủ chốt của Quốc vụ viện - tức Chính phủ Trung Quốc - từ tháng 3-2023 đều chưa một lần kinh qua các vị trí trong nội các. Đây là một trong những khác biệt lớn nhất của nhiệm kỳ tổng bí thư và chủ tịch nước thứ ba liên tiếp của ông Tập Cận Bình so với hai nhiệm kỳ trước.
Từ địa phương lên thẳng trung ương
Việc ông Lý Cường, nhân vật số hai trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, được bầu làm thủ tướng Trung Quốc là điều nằm trong dự đoán của giới quan sát. Tuy nhiên, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1987 (thời ông Lý Bằng), người đứng đầu cơ quan hành pháp của Trung Quốc chưa từng kinh qua vị trí nào trong Chính phủ.
Tiền nhiệm của ông Lý Cường là ông Lý Khắc Cường, trước khi thay ông Ôn Gia Bảo, đã trải qua gần năm năm ở ghế phó thủ tướng thứ nhất. Còn ông Lý Cường chỉ kinh qua các vị trí tỉnh trưởng Chiết Giang, bí thư Giang Tô và thành phố Thượng Hải.
Nhưng tân Thủ tướng Lý Cường không phải trường hợp ngoại lệ duy nhất. Đa số các phó thủ tướng mới chưa từng là thành viên nội các trước khi được bổ nhiệm.
Việc ông Đinh Tiết Tường làm phó thủ tướng thứ nhất là một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp chính trị của ông. Từ nhánh đảng (ông Đinh từng làm chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng kiêm chủ nhiệm Văn phòng Tổng bí thư), ông đã một bước trở thành người thứ hai trong cơ quan hành pháp cao nhất Trung Quốc.
Ngoại trừ ông Hà Lập Phong từng có sáu năm làm chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia (cơ quan ngang bộ, thuộc Chính phủ Trung Quốc), các ông Trương Quốc Thanh và Lưu Quốc Trung chỉ mới giữ các chức lãnh đạo cấp tỉnh.
Việc bổ nhiệm những người chưa có kinh nghiệm tại cơ quan hành pháp trung ương có thể gây tò mò và suy đoán ở nước ngoài. Song về mặt Đảng, nó đáp ứng đúng quy định đã có, đó là tất cả đều do các ủy viên Bộ Chính trị hoặc Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảm nhiệm.
Nhà nghiên cứu Wenti Sung thuộc Đại học Quốc gia Úc nhận định dàn lãnh đạo mới của Trung Quốc cho thấy có sự phá vỡ nhất định các quy tắc bổ nhiệm nhân sự.
Đơn cử như ông Tần Cương, người từng là đại sứ Trung Quốc tại Mỹ. Chỉ trong vòng chưa đầy sáu tháng qua, ông Tần đã leo lên hai nấc thang trong sự nghiệp chính trị là ngoại trưởng và giờ là ủy viên quốc vụ - vị trí trên các bộ trưởng và chỉ dưới thủ tướng, phó thủ tướng trong Chính phủ Trung Quốc.
Kỹ trị có chọn lọc
"Trung Quốc đang cho thấy sự tự tin bằng dàn lãnh đạo chính phủ mới. Giới lãnh đạo tin rằng những người đã làm tốt ở địa phương cũng sẽ phát huy năng lực khi về trung ương", tiến sĩ Nguyễn Thành Trung (Đại học Fulbright Việt Nam) nhận định với Tuổi Trẻ khi được hỏi về việc thủ tướng và các phó thủ tướng là những người chưa có kinh nghiệm điều hành chính phủ.
"Sự việc này thể hiện rằng các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc vẫn có thể là những người chỉ thuần làm chính trị. Họ phải là những người biết và tuân theo các đường lối chủ trương của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những công việc cụ thể khác đã có các cấp làm việc dưới họ quán xuyến", ông Trung nêu quan điểm.
Ông Trung, người chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, cũng cho rằng Trung Quốc đang chỉ tập trung những nhà kỹ trị vào một số vấn đề cụ thể thay vì toàn diện như trước. Đây sẽ là các lĩnh vực mà Bắc Kinh muốn có sự tiếp nối, ổn định và xa hơn là phát triển hơn nữa.
Thật vậy, nếu nhìn vào vị trí các bộ trưởng hoặc cơ quan ngang bộ sẽ thấy nổi lên hai nhân vật đã đến tuổi nghỉ hưu vẫn được lưu lại. Đó là trường hợp của ông Dịch Cương (thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc) và ông Lưu Côn (bộ trưởng Bộ Tài chính).
Ông Dịch được đào tạo tại Mỹ và có quan hệ gần gũi với ông Lưu Hạc - kiến trúc sư trưởng về kinh tế và tài chính của ông Tập. Mối quan hệ và sự thấu hiểu của ông về Mỹ sẽ hữu ích trong bối cảnh hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chứng kiến ngày càng nhiều va chạm.
Các bộ trưởng ở Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thương mại cũng được giữ lại. Điều này cho thấy Bắc Kinh muốn có sự tiếp nối trong chính sách phát triển công nghệ và thương mại trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với phương Tây.
Theo giới quan sát, họ sẽ là những nhân tố quan trọng hỗ trợ dàn lãnh đạo mới của Chính phủ Trung Quốc trong vài năm tới.
Vắng bóng nữ ở thượng tầng
Bà Thầm Di Cầm, tân ủy viên quốc vụ, đang được một số tờ báo phương Tây gọi là người phụ nữ có quyền lực nhất trong chính quyền Trung Quốc. Bà là gương mặt nữ duy nhất trong dàn lãnh đạo thượng tầng của Chính phủ Trung Quốc.
Trước khi nhận nhiệm vụ mới, bà là bí thư Quý Châu và có nhiều năm công tác ở địa phương. Như vậy, nữ chính trị gia người Bạch này cũng thuộc nhóm từ tỉnh lên thẳng trung ương.
Ngày 13-3, Quốc hội Trung Quốc khóa XIV đã bế mạc sau khi bầu các lãnh đạo chủ chốt và thông qua một loạt đường hướng cho các vấn đề quan trọng của đất nước.
Xem thêm: mth.13042342231303202-iom-oad-hnal-nad-iov-nit-ut-couq-gnurt/nv.ertiout