Kỳ thi thu hút hơn 4000 thí sinh tham dự ở 13 môn. Kỳ thi được tổ chức tại 5 điểm THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1), THPT Lê Hồng Phong (quận 5), THPT Marie Cure (quận 3), THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) và Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1).
Học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi lớp 9. Ảnh: KHÁNH TRÚC |
Đặc biệt, đề thi môn Ngữ văn sáng nay được nhiều thí sinh và giáo viên đánh giá cao.
Chủ đề của đề thi: NHỮNG THANH ÂM "LẤP LÁNH"
Đề thi học sinh giỏi môn ngữ văn. Ảnh: NQ |
Đánh giá về đề thi, Mỹ Dung, học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1 cho hay cả hai phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội đều đòi hỏi tính sáng tạo cao. Em tự tin làm được khoảng 80% đề, nếu có thêm thời gian em tin mình sẽ hoàn thành tốt hơn.
Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Thuý Diễm, học sinh Trường THCS Lữ Gia, quận 11 bày tỏ: "Trong đề thi, câu nghị luận văn học khá hay, đúng với những gì em được ôn. Đề thi không quá dài nên em làm bài khá tốt".
Còn Huỳnh Thị Bé Nhàn, học sinh Trường THCS Lê Văn Hưu, huyện Nhà Bè, cho rằng đề văn năm nay khó hơn năm ngoái.
"Em thích nhất là câu nghị luận văn học vì có 2 đề để lựa chọn. Đề thi mang tính ứng dụng thực tế từ những thứ gần gũi trong cuộc sống. Để có thể làm tốt, học sinh phải có sự lắng đọng vì đề văn hướng đến những thanh âm trong cuộc sống”.
Nhìn nhận về đề thi, cô Phạm Thanh Xuân, giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3 bày tỏ, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có bước tiến khi ra đề trong phần nghị luận văn học. Không giống năm trước, năm nay các em được quyền lựa chọn 1 trong 2 câu. Điều này sẽ tạo cơ hội để các em sáng tạo hơn.
Đề thi có chủ đề xuyên suốt, nó đúng theo định hướng dạy và học từ đầu năm. Tuy nhiên, chủ đề hơi quen thuộc vì thực tế đã có năm đề cập đến việc lắng nghe. Chủ đề không mới nhưng cách ra đề khá mới mẻ.
Theo cô Xuân, khi nhìn vào đề thi, nhiều người sẽ thấy phần ngữ liệu nghị luận xã hội khá dài. Đây có lẽ là dụng ý của người ra đề khi muốn học sinh có chất xúc tác ngay từ đầu để tìm kiếm, khơi gợi, xâu chuỗi cảm xúc. Tuy nhiên, nếu có thể rút ngắn còn 2 ngữ liệu, học sinh sẽ đỡ bị rối.
Trong đề thi, phần nghị luận xã hội đề cập đến những thanh âm của cuộc sống. Thanh âm đó là tiếng nói yêu thương. Nó không phải là những âm thanh của công nghệ hiện đại. Dường như theo thời gian, học sinh hay có khuynh hướng đeo tai nghe luôn thường trực mà quên mất những thanh âm trong trẻo của cuộc sống xung quanh.
“Đề thi chạm đến vấn đề cuộc sống, giữa hiện đại và cuộc sống đôi khi phải có sự chừng mực. Chúng ta không thể nào chỉ mải miết chạy theo âm thanh của những dòng nhạc hiện đại mà quên đi những tiếng nói, quan tâm yêu thương lẫn nhau trong gia đình” - cô Xuân bộc bạch.
Về phần nghị luận văn chương sẽ khó cho học sinh khi cả hai đều đề cập đến thanh âm của cuộc sống. Học sinh phải tìm được những tác phẩm đề cao những giá trị của thanh âm, có thể kể đến như tác phẩm “mùa xuân nho nhỏ” hay “khi con tu hú gọi bầy”.
“Đó là những thanh âm mà cuộc sống xô bồ không có được chỉ có văn chương mới có. Thanh âm của văn chương là thanh âm chạm đến cảm xúc. Và có lẽ đây cũng chính là mong ước của người ra đề muốn nhắn gửi đến học sinh” - cô Xuân nhấn mạnh.
Tương tự, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 cho hay đề thi năm nay vẫn theo cấu trúc như cũ, yêu cầu về kiểu bài cũng như các năm trước.
Để tránh lặp lại cái cũ, đề đã có đổi mới theo 2 hướng: 1 là theo chủ đề, 2 là theo mạch phát triển.
Chủ để là những thanh âm lấp lánh khơi gợi những cảm nhận khác nhau về cuộc sống. Chính vì vậy đề không áp đặt mà có tính mở rất lớn.
Thầy Bảo cho biết, câu 1 sẽ là tiền đề để các em giải quyết câu 2. Cách hiểu vấn đề và kiến giải vấn đề ở câu 2 của học sinh sẽ tùy vào việc các em hiểu đề ở câu 1 như thế nào. Các cách hiểu khác nhau sẽ mở ra vô số những tình huống khác nhau. Nên rất thú vị khi chấm thi.
“Muốn làm tốt, học sinh không chỉ cần có kĩ năng tốt mà khả năng kết nối văn học với đời sống cũng phải tốt. Bài thi đạt giải cao phải là bài thi có sự lắng nghe riêng biệt, cảm nhận độc đáo của mỗi cá nhân. Độc đáo không nhất thiết là cái cao siêu, vĩ đại mà là phát hiện được điều mới lạ, thú vị trong những cái bình thường giữa cuộc sống hàng ngày. Đó là điều mà người chấm thi rất trân trọng” - thầy Bảo nói.