Điểm đen ùn tắc giao thông
Anh Dương Văn Tiễn, một người dân ngụ ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) thường xuyên di chuyển qua nút giao thông ngã ba Vũng Tàu nhận xét: "Nút giao này thực chất là ngã tư kép, với gần 10 luồng giao thông cùng đổ về nên lượng xe vô cùng lớn. Nút giao thông này là hướng chính cho xe tải, xe container ra vào cảng Đồng Nai và 2 khu công nghiệp Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, đồng thời là tuyến đường huyết mạch của QL1 và QL51 nên lượng xe cộ qua lại rất nhiều dẫn đến tình trạng giao thông lộn xộn và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm".
Anh Tiễn cho rằng lần nào lái xe qua ngã ba Vũng Tàu cũng hết sức căng thẳng, vừa lo kẹt xe, vừa sợ nguy cơ tai nạn do xe tải, xe container chạy lấn làn, vượt ẩu rất nguy hiểm.
Ông Nguyễn Hồng Hoàng (58 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) - làm nghề chạy xe taxi ở khu vực ngã ba Vũng Tàu đã gần 10 năm qua và chứng kiến tình trạng kẹt xe ở đây ngày càng nghiêm trọng, mặc dù có cả cầu vượt và hầm chui.
"Trước kia khi chưa có hầm chui và cầu vượt thì tình trạng kẹt xe và tại nạn giao thông ngày nào cũng xảy ra. Từ ngày có hầm chui và cầu vượt thì đỡ hơn nhưng cũng chỉ được thời gian đầu. Hiện tại, tình trạng ùn tắc, kẹt vẫn diễn ra liên tục, đặc biệt là vào hai khung giờ cao điểm sáng sớm và chiều muộn. Ngay cả những người làm nghề lái xe như tôi nhiều khi có khách gọi cũng phải từ chối không dám chạy vào giờ cao điểm. Có hôm tôi nhận khách từ bên này qua bên kia ngã tư, khoảng cách chưa tới 500 m nhưng mất gần nửa tiếng đồng hồ mới tới do ùn tắc", ông Hoàng nói.
Ông Hoàng cho hay, theo kinh nghiệm nhiều năm tham gia giao thông tại cung đường này thì các ngành chức năng cần phân luồng giao thông lại khu vực này, đồng thời bố trí đèn tín hiệu phù hợp với lưu lượng xe thực tế lưu thông. "Chẳng hạn, hướng lưu thông từ TP.HCM về Bà Rịa - Vũng Tàu, tại nút giao này khi có tín hiệu, nhưng nên cho phép các phương tiện được phép lưu thông khi rẽ phải, vì thực tế lưu lượng xe tải, xe du lịch, xe container… đi hướng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là đông nhất, nếu cứ tiếp tục phải dừng khi đèn đỏ thì lượng xe không thoát hết khi đèn xanh, và cứ thế ùn ứ nối đuôi nhau, có lần chiều di chuyển này kẹt dài hàng cây số, kẹt dài lên tới cầu Đồng Nai, đây chính nút thắt quan trọng đối với việc kẹt xe tại ngã tư Vũng Tàu", ông Hoàng nêu ý kiến.
Chỉ cần phân luồng hợp lý là giảm được ùn tắc
Do tính chất quan trọng của nút giao thông huyết mạch này, năm 2013, Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) đã cho xây dựng cầu vượt trên QL1 tại nút giao ngã ba Vũng Tàu. Tiếp đó, năm 2016 Bộ GTVT cho xây dựng thêm một hầm chui (1 chiều) cho ô tô từ QL51 rẽ về cầu Đồng Nai đi TP.HCM. Việc xây dựng thêm các công trình giao thông trọng điểm trên thời gian đầu đã giúp giải tỏa áp lực kẹt xe, quá tải. Thế nhưng, hệ lụy là phát sinh nhiều đường nhánh, lối rẽ khiến tình trạng ùn ứ, kẹt xe vào giờ cao điểm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Kiến trúc sư Huỳnh Phú Kiệt (ngụ TP.Biên Hòa, một người thường xuyên lưu thông qua ngã nút giao ngã ba Vũng Tàu), cho biết nút giao này là giao lộ 3 tầng đầu tiên ở trung tâm TP.Biên Hòa. Nơi đây giao cắt hai huyết mạch giao thông quan trọng là QL1 và QL51, là cửa ngõ phía Đông của TP.Biên Hòa và là cửa ngõ quan trong đi TP.HCM nên lưu lượng xe cộ rất đông. Ông Kiệt cho rằng việc tổ chức, phân luồng lại giao thông là rất cần thiết để giải tỏa ùn tắc giao thông tại khu vực này. "Hiện tại thì thường xuyên kẹt xe, ùn ứ do việc bố trí phân luồng chưa hợp lý, đặc biệt là luồng xe từ TP.HCM đi TP.Biên Hòa. Hình ảnh thực tế minh chứng là xe ít lên cầu vượt mà đa số đi vào nút giao. Mặt khác, tại hướng từ TP.Biên Hòa có hai hệ thống đèn tín hiệu giao thông bố trí gần nhau dẫn đến dưới chân cầu vượt thường hay ùn ứ", ông Kiệt phân tích.
Theo kiến trúc sư Huỳnh Phú Kiệt, giải pháp giải bài toán kẹt xe triền miên tại nút giao này rất đơn giản là đề xuất làm con lươn cứng theo tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu và tổ chức vòng xuyến tại hai đầu cầu vượt nhằm tránh tập trung và nhiều điểm giao cắt tại chân cầu vượt theo nguyên lý "tổ chức giao thông một chiều với ưu tiên theo hai hướng QL1, QL51 thì được đi thẳng".
Trả lời PV Thanh Niên, lãnh đạo Ban ATGT tỉnh Đồng Nai cho biết luôn theo dõi sát mọi diễn biến, phản ánh và ý kiến góp ý của người dân để phối hợp với chủ đầu tư phân luồng hợp lý hơn. "Năm 2018, nhận thấy có nhiều vụ tai nạn giữa xe máy và ô tô trên cầu vượt, chúng tôi đã thống nhất cấm xe máy lên cầu vượt. Lắp thêm tín hiệu đèn để xe máy từ hướng cầu Đồng Nai đi Bình Thuận không xung đột với ô tô từ cầu Đồng Nai rẽ phải về QL51. Tuy nhiên, trước ý kiến góp ý của người dân, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất để phân luồng lại giao thông qua nút giao ngã ba Vũng Tàu khoa học, hợp lý hơn", vị lãnh đạo Ban ATGT Đồng Nai giải thích.