Trong khoảnh sân nhỏ, một con tàu mô hình mang số hiệu HQ604 biểu trưng cho con tàu anh hùng ra Gạc Ma làm nhiệm vụ năm 1988 được đặt trên gian thờ 64 liệt sĩ.
64 bài vị ghi rõ tên từng người đã ngã xuống ngày 14-3-1988 đặt trên boong tàu giữa nghi ngút khói hương.
Vòng tròn bất tử Gạc Ma là biểu tượng bất diệt
Đại tá Hoàng Duy Lập - nguyên chỉ huy trưởng Trung đoàn 83 - cũng là người từng làm nhiệm vụ trong suốt giai đoạn nóng bỏng tại Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao… thuộc quần đảo Trường Sa - nói rằng lễ giỗ đồng đội là hoạt động nghĩa tình được anh em tổ chức cho những người đã nằm lại ở Gạc Ma.
Trong sáng 14-3, ngoài thân nhân gia đình các liệt sĩ, những người đã từng làm nhiệm vụ ở Trường Sa giai đoạn 1988 cũng đã tìm về trong cuộc hội ngộ ân tình.
Ông Lập nói rằng dù năm nào cũng tổ chức, nhưng lễ giỗ tưởng niệm anh em đồng đội của ông mỗi lần lại mỗi cảm xúc khác nhau, không năm nào giống năm nào.
Đó không chỉ là sự xúc động thương nhớ khôn nguôi những người đã nằm lại, mà còn là hoạt động thăm gặp lại nhau, nhắc nhở nhau về trách nhiệm thiêng liêng đóng góp cho Tổ quốc trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền nói chung.
Đại tá Hoàng Duy Lập cầm xấp giấy dài 6 trang được ông tự viết bằng tay, nhòe mực đọc đầy xúc động trước anh em đồng đội, thân nhân gia đình các liệt sĩ.
Ông Lập kể chi tiết toàn bộ diễn biến Gạc Ma lẫn quá trình căng thẳng xuyên suốt những năm 1988, với yếu tố không thay đổi là ý đồ nuốt chiếm các hòn đảo thuộc chủ quyền Việt Nam từ phía Trung Quốc.
Ngày 14-3, trước mũi súng kẻ thù, những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam đã kết thành vòng tròn bảo vệ lá cờ, quyết tâm giữ từng mét nước, từng dải san hô.
64 người đã ngã xuống tới nay để lại nỗi đau xót khôn nguôi, nhưng cũng là hình ảnh bất diệt cho ý chí bảo vệ Tổ quốc luôn cháy bỏng trong huyết quản mỗi người Việt Nam.
"Những người con đã ngã xuống ở Gạc Ma 35 năm trước sẽ mãi sống trong mỗi người chúng ta, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm thêm cho lá cờ Tổ quốc.
Chúng ta mãi mãi ghi nhớ công ơn các anh, sẽ không một ai lãng quên cho dù 35 năm hay nhiều hơn nữa" - ông Lập nói.
Những người con tuổi đôi mươi nằm lại ở Gạc Ma
Trong phần đọc lời tưởng niệm, người cựu binh từng chỉ huy anh em cán bộ làm nhiệm vụ ở Trường Sa thỉnh thoảng lại dừng lại, ánh mắt nhòa lệ.
"Tôi không biết rõ hết từng nét mặt của 64 liệt sĩ, nhưng giai đoạn đó anh em đều rất trẻ, đều ở độ tuổi đôi mươi bỏng cháy. Họ đã ra đi trong hình ảnh thiêng liêng để bảo vệ Tổ quốc, một sự hy sinh cao cả, bất diệt.
Trong 64 người thì tôi nhớ mặt khoảng 20 đồng chí. Có nhiều anh em lúc ra đảo chúng tôi đã ngồi ăn cơm rồi trò chuyện với nhau. Họ nói về mẹ, về làng quê của mình và về dự định ngày ra quân. Có anh em còn xuống biển mò cá rồi lên nướng cho tôi ăn. Họ cười nói trong trẻo và khôi ngô.
Nhưng chỉ một thời gian tôi biết họ hy sinh. Những nét mặt của những người lính trẻ làm tôi không thể nào quên dù một ngày" - đại tá Lập bùi ngùi.
Theo đại tá Hoàng Duy Lập, hoạt động tri ân tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma được tự nguyện tổ chức hằng năm không chỉ là hoạt động tri ân, mà qua đó còn cho thấy sự bất khuất kiên cường của người Việt Nam.
Tưởng nhớ người đã nằm xuống cũng có nghĩa là nhớ về một vùng trời có những người lính mãi nằm lại tuổi đôi mươi.
35 năm đã qua, không biết đã bao lần ôn lại buổi sáng 14-3-1988 vệ quốc bi tráng ấy ở Gạc Ma, nhưng những nhân chứng lịch sử của Gạc Ma đến dự họp mặt tại quân cảng của Lữ đoàn 125 vào chiều 13-3 này vẫn cứ bồi hồi, xúc động.
Xem thêm: mth.72574541141303202-yad-ev-yah-io-iod-gnod-am-cag-is-teil-hnil-hna-46-mein-gnout/nv.ertiout